“Thế trận lòng dân” trong thời chiến và thời bình

(VOH) - Năm nay kỷ niệm tròn 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 02/09 – ngày đất nước được độc lập sau hàng thế kỷ làm nô lệ dưới ách thống trị của ngoại bang.

Một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Và vốn quý nhất làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 02/09 không gì khác ngoài con người.

chủ tịch hồ chí minh
Ngày 02/09/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Trong suốt chặng đường 75 năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, vốn quý đó lại tiếp tục làm nên những kỳ tích về một dân tộc trải qua nhiều đau thương mất mát vẫn đứng vững trên đôi chân của chính mình, kiên định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Trong quá trình đó, mỗi con dân đất Việt đã thể hiện vai trò, năng lực, ý chí của mình như thế nào góp sức mình vào “thế trận lòng dân” trong thời chiến cũng như thời bình, bắt kịp với các nước tiên tiến trong khu vực ở thời đại toàn cầu hóa? 

Trong “Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945” của Bác Hồ có đoạn: “Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta” và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. 

Thực tế đã chứng minh sức mạnh của lời hiệu triệu này.

Qua 2 đoạn trích này có thể thấy, về sự tài hoa trong vận dụng câu từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: rất rõ ràng, ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu... nhưng có sức mạnh hiệu triệu hơn gấp nhiều lần so với những áng văn hùng hồn, câu từ bay bổng. 

Dù không am hiểu chữ nghĩa, người dân cùng khổ, dưới đáy xã hội như được thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, mạnh dạn phá bỏ gông cùm, xiềng xích… thực hiện sứ mệnh tự giải phóng mình cũng là giải phóng cả dân tộc đang bị áp bức, thoát khỏi khỏi đời sống nô lệ, được làm chủ phận mình và rộng hơn là làm chủ cả một đất nước. 

PGS. TS sử học Hà Minh Hồng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ: “Bởi vì mọi người đang ở trong vòng nô lệ nên lời kêu gọi như thế hết sức thiết thực, đã khơi gợi tinh thần, lòng yêu nước của mỗi thần dân, khơi dậy sức quật khởi của mỗi con người. Thực sự là đã có sự quy tụ rồi và chúng ta thấy kết quả là lời kêu gọi đã tạo ra sức mạnh của cả dân tộc, một cuộc nổi dậy để giành được độc lập tự do trong gia đoạn đó”.

TS Sử học Trần Thuận – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đánh giá: "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ là văn bản có giá trị muôn đời. Ngay trong thời bình thì lời hiệu triệu đó vẫn có giá trị là huy động sức dân, tạo ra sức mạnh đoàn kết của toàn dân, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách. Rõ ràng là sức mạnh toàn dân đó vẫn là một trong những yếu tố cơ bản để chúng ta thực hiện được mục tiêu của mình”.

Thời chiến là vậy, còn thời bình thì sao? Trong cuộc cách mạng xây dựng đất nước thì “thế trận lòng dân” vận dụng ra sao, khi sứ mệnh “giải phóng” đã được đảng và nhân dân hoàn thành?

PGS. TS Sử học Hà Minh Hồng cho rằng: “Hiện nay, chúng ta vẫn có những nhiệm vụ rất cụ thể của cả dân tộc chứ không phải nhiệm vụ chung chung nào. Có thể đó là nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thời đại nhưng vẫn rất cụ thể. Ví dụ như giai đoạn 1945 – 1975, nhiệm vụ của cả dân tộc là giải phóng đất nước. Hai chữ “giải phóng” đó thì rõ ràng, dễ hiểu và hành động được. Giải phóng là hành động vừa là mục tiêu và vừa là mục đích. Hay là vấn đề “Dân giàu, nước mạnh”, chúng ta thấy là chữ “giàu” và chữ “mạnh” đó đâu phải đến bây giờ chúng ta mới dùng đâu”.

Vâng, sau độc lập, tự do, cả dân tộc đang đồng lòng cùng chung vai xây dựng đất nước để được giàu hơn và mạnh hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính đến thời điểm này Việt Nam mở rộng cửa hợp tác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, chính phủ đang kiến tạo môi trường kinh doanh vô cùng thuận lợi để các doanh nghiệp vươn tầm ra thế giới, đủ sức đồng hành chính phủ trong chặng đường làm cho “dân giàu-nước mạnh”; làm cho mỗi người dân đều có cơ hội phát triển bản thân, khởi nghiệp làm giàu chính đáng và đóng góp cho xã hội. 

Theo ông Trịnh Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty kết cấu thép Đại Dũng: “Chúng ta có nhiều doanh nhân giỏi. Đặc biệt là Việt Nam đang có thế hệ doanh nhân vàng. Bởi vì hiện nay, rất nhiều người có khát vọng làm giàu, vươn lên, bươn chải, nhiệt huyết và muốn cống hiến”.

Chưa bao giờ doanh nghiệp lại lao đao, kiệt quệ qua hai trận dịch như hiện nay nhưng cộng đồng này vẫn vững tin vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ chung tay chiến đấu, chờ một ngày đẩy lùi dịch bệnh, trông chờ vào một tương lai tươi sáng hơn.

“Doanh nghiệp hiện rất khó khăn nhưng chúng tôi động viên mọi người rằng. Nếu có thiên tai địch họa thì có 3 kịch bản: Một là mất mạng. Hai là mất tất cả. Ba là mất một phần. Doanh nghiệp đang ở kịch bản thứ 3 trong khi nhiều người đối mặt với kịch bản đầu tiên, vậy nên doanh nghiệp có hy sinh thêm một chút cũng không sao. Đôi khi thách thức này cũng là động lực để doanh nghiệp vượt qua”, anh Hà Đức Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng chia sẻ.

Khi đất nước còn nghèo khó, còn là thuộc địa, nội lực dân tộc Việt Nam khi đó không có gì ngoài sức mạnh của lòng yêu nước và đoàn kết nhưng vẫn có thể chiến thắng 2 cường quốc lớn nhất thế giới. Ngày nay, khi nội lực đất nước được củng cố mỗi ngày cùng với sức hút nguồn lực từ bên ngoài ngày càng lớn, để Việt Nam có bước nhảy vọt, thì mỗi người, trong vai trò của mình đang làm gì? 

Khi nói đến sự đóng góp của từng cá nhân đối với cộng đồng, của mỗi công dân đối với đất nước thì dù ở thời kỳ nào, ở bất kỳ vị trí nào, mỗi người đều có thể làm điều đó bằng chính khả năng của mình. 

Nếu thời chiến, câu chuyện nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tiêu biểu cho tinh thần của đội ngũ y bác sĩ trẻ xung phong ra trận. Thì trong thời bình, nữ bác sĩ Cao Thị Kim Băng, Khoa Vi sinh - Bệnh viện sản nhi Nghệ An, cũng thể hiện tinh thần phục vụ người dân trên hết khi tạm hoãn đám cưới 2 lần để vào Đà Nẵng chống dịch.

Bác sĩ Cao Thị Kim Băng chia sẻ: “Em rất tự hào, vinh dự khi được cơ quan cử vào Đà Nẵng hỗ trợ. Chồng tương lai rất ủng hộ và động viên em vào Đà Nẵng. Anh ấy ở nhà sẵn sàng đợi em hoàn thành nhiệm vụ”.

Hay như người dân Quảng Nam và nhiều địa phương khác dù đang ở trong vùng dịch nhưng hằng ngày vẫn tiếp tế lực lượng, hỗ trợ thiết bị y tế cho lực lượng nơi tiền tuyến trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19".

Một người dân ở Quảng Nam chia sẻ: “Mỗi huyện có nhiều chốt kiểm dịch, có nhiều người kiểm tra y tế. Vì thế, người dân ủng hộ thiết bị y tế, cơm nước để cho mọi người làm tốt công việc của mình”.

Hình ảnh này đâu khác gì hình ảnh của những người mẹ Việt Nam “3 lần tiễn con đi, 3 lần khóc thầm lặng lẽ” nhưng vẫn tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ cách mạng để thực hiện cuộc chiến tranh vệ quốc năm xưa.

Dù 2 câu chuyện diễn ra ở 2 thời điểm khác nhau, tính chất không giống nhau nhưng đều diễn ra mỗi khi đất nước nguy nan, giống nòi bị đe dọa. Bởi vì lúc đó lòng người sẽ qui về một mối, cùng hướng đến một mục tiêu cuối cùng mà ai mong đạt được - Đó là vì sự ổn định và thịnh vượng của cuộc sống mỗi người và cũng là của cả dân tộc.

Quả thật, giá trị sức mạnh lòng dân trong suốt 75 năm qua đã làm nên những kỳ tích cho cả dân tộc. Tuy nhiên, trong suốt chặng đường đó, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong thời chiến, đối tượng làm cách mạng trực tiếp của người dân là giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Trong thời bình thì đó là “giặc nội xâm” thể hiện qua sự tụt hậu, chậm đổi mới, chủ nghĩa cá nhân, nạn tham nhũng, hủ hóa…

PGS.TS Triết học Vũ Tình – Nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nêu ý kiến: “Tôi nghĩ còn một đối tượng nữa cũng rất là quan trọng. Đối tượng này liên quan đến lợi ích của mỗi người, địa vị của mọi người, liên quan đến danh vọng của mỗi người, liên quan đến dòng tộc và những người thân cận. Bác Hồ gọi đây là chủ nghĩa cá nhân. Đối tượng này thực sự là kẻ thù bên trong mỗi con người. Ai cũng có. Vấn đề là giải quyết nó như thế nào? Có một điều nguy hiểm là kẻ thù này nhiều khi chúng ta biết rõ nhưng chúng ta lại che chở, bảo vệ cho nó. Bởi vì nó liên quan đến lợi ích, danh vọng của mình, địa vị của mình, liên quan đến rất nhiều thứ được gọi là của mình”.

Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã thành công trong công cuộc tiêu diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt trong thời chiến. Hiện tại, trong thời bình để tiêu diệt “giặc nội xâm” cũng không gì khác ngoài một “thế trận lòng dân” để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự ổn định trong cuộc sống của người dân, bảo vệ sự ấm no cho mỗi gia đình, xây dựng cộng đồng giàu mạnh và đó cũng chính là bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của đất nước.

Thế Anh

Kiều bào TPHCM họp mặt mừng 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 - Nhân dịp này, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài cũng phát động cuộc thi viết có chủ đề “Hành trình 15 năm – Trại hè Thanh Thiếu niên kiều bào đồng hành với Tuổi trẻ Thành phố”.

TPHCM: Đảm bảo cung cấp điện dịp Lễ Quốc khánh 02/09 - Tổng công ty Điện lực TPHCM đã lập phương án đảm bảo cung cấp điện cho ngày Lễ Quốc khánh, đặc biệt là tại các địa điểm diễn ra hoạt động chính trị, văn hóa trên địa bàn Thành phố.