Thượng tôn pháp luật – Câu chuyện của mọi thời đại

(VOH) - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, xã hội ngày một văn minh, hiện đại thì tình trạng “nhờn luật”; “Coi thường pháp luật”... vẫn diễn ra phổ biến.

Từ chuyện côn đồ ngang nhiên bao vây xe chở cảnh sát ở Đồng Nai đến việc nhân viên một công ty địa ốc đập phá xe cuốc đang thi hành nhiệm vụ tại Vũng Tàu hoặc thản nhiên sử dụng ma tuý khi tham gia giao thông... đã và đang là những “nghịch lý” cản trở việc thực thi cũng như thượng tôn pháp luật trong xã hội hiện nay.

Rất đông người mặc áo có dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba" chống đối chính quyền - Ảnh: TNO

Nếu gõ vào trang tìm kiếm google từ khóa “xem thường pháp luật”, chúng ta sẽ có 105.000.000 kết quả liên quan hiện ra trong 0,23 giây. Điều đó đủ để thấy rằng: Tình trạng vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật ở một bộ phận người dân đang là vấn đề nhức nhối. Trong một xã hội văn minh - hiện đại, ta không thể chấp nhận những việc như: Côn đồ bao vây xe chở cảnh sát; Sử dụng ma tuý khi điều khiển phương tiện giao thông hay việc xô xát, đâm chém nhau vì mâu thuẫn cuộc sống... Đó là những hình ảnh xấu xí, làm méo mó, lệch lạc đi tính nghiêm minh của pháp luật.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã nêu lên vấn đề này và đặt ra câu hỏi: Vì sao có những người dám “hành xử” trên cả luật pháp như thế? Đa phần các câu trả lời cho rằng: Do nóng tính, do ảnh hưởng xấu từ môi trường giáo dục… mới dẫn đến những hành vi sai trái. Mặt khác, do tính chất của một xã hội đang hội nhập, sẽ có những mặt tốt và hạn chế đan xen. Nếu không đủ bản lĩnh vượt qua, thái độ bất tuân pháp luật sẽ trở thành thói quen, ăn sâu, bám rễ trong ý thức mỗi người. Sẽ không ngạc nhiên khi có một bộ phận luôn tiềm ẩn khuynh hướng “lách luật”, thậm chí xem pháp luật như một sự trói buộc, luôn tìm cách trốn tránh, bất tuân. 

Đáng buồn thay! Giới trẻ lại là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong vấn đề này. Thực tế chứng minh, có những trường hợp chủ thể bất tuân pháp luật không nhằm mục đích vụ lợi mà chỉ cốt thoả mãn tâm lý cá nhân, thể hiện “cái tôi” của mình. Bên cạnh đó, đôi khi người trẻ không hiểu biết đầy đủ về pháp luật dẫn đến tâm lý thiếu tự tin, làm “bừa” cho xong... gây nên tình trạng bất ổn trong xã hội. Không những thế nó còn tạo nên tâm lý thờ ơ, lãnh đạm, xem nhẹ pháp luật trong cuộc sống hằng ngày.

Pháp luật ra đời là phương tiện để Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội và bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của công dân. Ở nước ta, có giai đoạn do công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị được chú trọng hơn so với tuyên truyền, giáo dục pháp luật, dẫn đến tình trạng người dân thờ ơ với những điều mà lẽ ra họ phải chấp hành. Cũng do việc định hướng chưa tốt nên tâm lý ác cảm với cảnh sát, với người đại diện chính quyền vẫn tồn tại. Dù hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh nhưng thực tế triển khai lại chồng chéo, rối rắm, thậm chí mâu thuẫn với nhau.

Vẫn còn đó những cán bộ “đục khoét” cho riêng mình càng khiến việc thực thi pháp luật dần bị lu mờ. Rõ ràng, có không ít lĩnh vực, một số vị có chức trách, có địa vị tìm mọi cách vô hiệu hóa pháp luật một cách thô bạo. Giờ đây, điều cần thiết là các bên phải nhìn nhận rõ vấn đề, nhận biết rõ nguyên nhân để từ đó có giải pháp cụ thể. Phải có chế tài để thực thi nghiêm pháp luật, để thượng tôn pháp luật vừa là trách nhiệm vừa là đạo đức của mỗi cá nhân. Có thể thấy, nếu pháp luật nghiêm minh thì con người sẽ tự thay đổi nhận thức để sống đúng, sống tốt.

Làm sao để nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội? - Đây là câu hỏi lớn nhưng không phải không có lời giải. Việc tác động để hình thành nhận thức đúng đắn với pháp luật, nhận thức rõ hơn khái niệm “Ý thức” rất quan trọng. Bởi nó được xem là điều kiện tiên quyết, là tiền đề cho mỗi chủ thể có kỹ năng sử dụng hiệu quả để bảo vệ lợi ích cho bản thân, cho nhà nước và cho xã hội. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cần triển khai sâu rộng, liên tục, triệt để tới mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân mới mong có thể thay đổi hành vi của người dân một cách tích cực.

Đồng thời, lực lượng chức năng phải tôn trọng pháp luật, kiên quyết trong mọi hoạt động nghiệp vụ, xử lý nghiêm những đối tượng coi thường luật pháp thì pháp luật mới đi vào cuộc sống, mới điều chỉnh được hành vi của con người. Trong thời đại 4.0, chúng ta có công nghệ để thực hiện pháp luật tốt hơn nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ. Hơn bao giờ hết, mỗi người phải góp sức trong công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, một Nhà nước pháp quyền, vì dân do dân. Ai cũng mong sống trong một xã hội đầy tính nhân ái và trách nhiệm. Để làm được việc đó, từng cá nhân hãy sống tốt với bản thân, với xã hội, không a dua hay đồng lõa với cái ác, cái xấu, luôn đề cao pháp luật, pháp quyền. Bởi thượng tôn pháp luật là câu chuyện của mọi thời đại!