Tránh cùng mặc 'đồng phục'

(VOH) - Năm 2018 được xem là năm đột phá tăng trưởng của du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực này đón gần 41 triệu lượt khách, cột mốc kỉ lục từ trước đến nay. Tính ra lượng du khách tăng 17% trong khi doanh thu đạt 24 ngàn tỷ đồng, tăng gần 40% so với một năm trước đó. Gần nhất, trong 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo riêng của nhiều tỉnh-thành thì kết quả, chỉ số phát triển du lịch hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cần Thơ đón khoảng 4 triệu 900 ngàn lượt khách, tăng hơn 9,5%.  Đồng Tháp đón gần 2 triệu lượt khách, tăng khoảng 2,6%. Tỉnh Bạc Liêu cũng có doanh thu cao hơn hẳn, tăng đến 56% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào thực tại, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có vẻ ăn nên làm ra nhưng các địa phương cũng đừng quên bài học cũ cách đây hơn 10 năm. Khi đó các công ty du lịch, công ty lữ hành rất hào hứng trước mô hình du lịch mới “trải nghiệm vùng sông nước miệt vườn” từ Đông sang Tây ở vùng đất Nam bộ. Bởi phản hồi từ du khách về loại hình du lịch nghe đàn ca tài tử, cải lương, vào vườn trái cây, chèo xuồng, tát mương bắt cá... là rất tích cực. Tuy nhiên không lâu sau, cùng với việc chưa có quy hoạch, thấy mô hình này “dễ ăn” nên khắp các địa phương mạnh ai nấy làm. Điều đó dẫn đến sự bùng nổ các sản phẩm du lịch na ná nhau, trùng lắp nhau.

Tránh cùng mặc đồng phục

Ảnh minh họa.  

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, lãnh đạo Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nêu ví von tượng trưng về chuyện “11 tỉnh cùng cho du khách bắt cá lóc”. Thông điệp này chỉ nhằm lưu ý làm du lịch đừng đi vào lối mòn vì trong quá khứ đã từng có thời gian người ta khai thác tương tự như vậy. Từ đó dẫn đến tình trạng du khách “một đi không trở lại” vì trải nghiệm ở cuối sông Tiền cũng giống như đầu sông Hậu. Nói cách khác, đó là kiểu “cùng mặc đồng phục du lịch”, vô tình làm mờ nhạt nét đẹp, tính đặc trưng, góc văn hóa riêng của từng địa phương. Thậm chí tự triệt tiêu nguồn lực của nhau!

Dẫu biết rằng 13 tỉnh - thành Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai sông nước khá tương đồng nhưng sự thật mỗi nơi đều có bản sắc riêng mà nếu biết khai thác, chắc chắn sẽ mang lại cho khách thập phương, trong đó có du khách quốc tế nhiều điều thú vị.

Với hệ thống các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hơn 120 di tích lịch sử-văn hóa-cách mạng, gần 30 công trình kiến trúc cấp quốc gia, hơn 200 làng nghề,hàng chục lễ hội dân gian, lại thêm tuyệt tác vọng cổ, cải lương, hò đối đáp, truyện Ba Phi, đua bò Bảy núi, đua ghe ngo, cùng các thiết chế văn hóa của đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... giúp làm giàu thêm giá trị, tạo sự phong phú- đa dạng cho cả một hệ sinh thái du lịch mà không phải nơi đâu cũng có. Ngoài ra, hàng loạt địa danhnhư Bến Ninh Kiều, Cồn Thới Sơn, chợ nổi Cái Răng, Bà chúa xứ núi Sam, Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Đồng Tháp Mười, mũi Cà Mau, điện gió ở Bạc Liêu, Sóc Trăng... cũng là những điểm đến hấp dẫn dễ làm nao lòng du khách.

Trong khi đó, mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long không phải là khái niệm mới. Lẽ ra nó phải là thế mạnh của vùng đất này nhưng cách làm của nhiều địa phương, cách khai thác quảng bá của các công ty du lịch không nêu bật được sức hấp dẫn vốn có. Một cánh đồng lúa, đầm sen, vườn cây ăn trái, làng hoa, dòng sông... nếu nhìn mãi cũng sẽ chán mắt. Nhưng nếu khơi dậy được chiều sâu văn hóa, kể cả văn hóa tâm linh, tập tục sinh hoạt, thói quen đời sống địa phương, kết hợp với những trải nghiệm thân thiện farmstay, homestay... thì giá trị, hiệu quả thu về sẽ khác. Nghĩa là khai thác du lịch không chỉ ở bề mặt không gian mà phải tạo điểm nhấn ở chiều sâu văn hóa bản địa. 

Chấp nhận cùng một mô hình khái thác nhưng dịch vụ du lịch cũng phải đa dạng. Sản phẩm du lịch, trong đó có đặc sản địa phương, trải nghiệm mô hình phải khác đi và liên tục được làm mới. Giống như việc thay đổi cách bày trí trong siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại để tạo thú vị cho các đoàn khách và họ lại tìm đến mình.

Đồng bằng sông Cửu Long có cụm du lịch phía Tây gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Cụm phía Đông gồm Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Trà Vinh. Đáng mừng là gần đây, nhiều tập đoàn, công ty lớn đã mạnh dạn đầu tư “kích hoạt” du lịch các địa phương phát triển. Ngành du lịch các tỉnh thành cùng Hiệp hội du lịch ĐBSCL cũng xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, đặt ra các tiêu chí, quy định tìm hướng đi mới vực dậy tiềm năng vùng này.

Trong khi đó, bài toán liên kết nói chung, liên kết hạ tầng giao thông và khai thác du lịch nói riêng với TPHCM dần được thiết lập. Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thương, là “vùng lõi” để du khách tỏa ra các điểm du lịch khác thông qua các tua tuyến, đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Vì vậy, khi giải bài toán phát triển du lịch ĐBSCL, nhất định thành phố Hồ Chí Minh phải được xem là “đầu đề” quan trọng với giá trị khai thác cực lớn mà những nhà làm du lịch vùng châu thổ sông Cửu Long phải tính đến lâu dài

Đặt trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang tăng tưởng khả quan thì du lịch ĐBSCL cần phải thật sự chuyển mình chứ không chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng. Nhưng để tạo sự bền vững thì khai thác du lịch nơi đây nên hướng đến sự thân thiện, thuận thiên. Do đó du lịch sinh thái nông nghiệp nên là lựa chọn ưu tiên với cách tiếp cận mới, đa dạng hơn, phát huy đặc trưng văn hóa, con người bản địa. Điều này sẽ giúp hiệu quả khai thác du lịch ĐBSCL đạt mức cao nhất có thể, mang về giá trị kinh tế đích thực cho địa phương và người dân nơi đây.

Chống tiêu cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông - Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều ...
Giá heo hơi hôm nay 23/7/2019: Miền Nam giá cao nhất 38.000 đồng/kg – Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay 23/7, vài tỉnh thành phục hồi giá nhưng nhiều nơi khác giá tiếp tục giảm.