Trung Đông năm 2018 - Bức tranh nhiều gam màu nóng

(VOH) - Nhìn lại một năm qua, có thể nói tình hình Trung Đông vẫn tồn tại nhiều gam mầu nóng, trong đó vụ sát hại nhà báo A-rập Xê-út Kha-sốc-ghi đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế.

Trong khi đó, các điểm nóng xung đột khác tiếp tục bùng phát đã biến Trung Đông trở thành một chảo lửa. Với những gì đang diễn ra, năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục “rất nóng” đối với khu vực Trung Đông. Bình luận của Nhà báo Nhật Quang:

Nếu dùng màu sắc để phác họa bức tranh Trung Đông trong năm 2018, thì ắt hẳn đó sẽ là gam “nóng”. Sức nóng của chiến sự, đụng độ tại một số nơi trên “chảo lửa” Trung Đông, sức nóng của xung đột lợi ích giữa các phe phái và sức nóng của tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc… Tất cả khiến tình hình Trung Đông vẫn phức tạp và khó lường, mặc dù năm 2018 đã chứng kiến “ngày tàn” của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại I-rắc và Sy-ri.

Các tay súng của lực lượng người Kurd ở Iraq.

Các tay súng của lực lượng người Kurd ở Iraq.

Xét trên bình diện toàn thế giới, có thể nói năm qua Trung Đông là khu vực gắn với nhiều bất ổn và căng thẳng bùng nổ nhất. Cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông giữa Palestine và Israel tăng nhiệt khi vấn đề nhạy cảm Giê-ru-sa-lem được khuấy đảo bằng quyết định của  Mỹ công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Israel,khiến cánh cửa hòa đàm Palestine-Israel ngày càng hẹp. Vấn đề hạt nhân Iran tưởng chừng được giải quyết nay lại trở thành nguyên nhân “kích hoạt” gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Con đường thiết lập nền hòa bình trên mảnh đất Sy-ri vốn chìm trong đạn lửa gần 8 năm nay vẫn gập ghềnh trắc trở, trong khi tiếng súng phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được vài ngày trước tại Hô-đây-đa (Hodeidah), đang làm tiêu tan hy vọng mong manh chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Y-ê-men. Trên nền màu gây “nhức mắt” như vậy, nguy cơ an ninh, bất ổn chính trị, khủng bố cực đoan hay thảm họa nhân đạo tồi tệ do chiến tranh gây ra trở thành những vệt điểm xuyết càng làm tăng độ “chói gắt” của bức tranh Trung Đông 2018.

Sẽ không quá lời khi nói rằng Mỹ là “tác giả” chính tạo nên bức tranh Trung Đông “nóng”. Chính sách và chiến lược của Tống thống Donald Trump đối với Trung Đông phần nào trở thành yếu tố chủ chốt gây bất ổn, trong nhiều trường hợp khiến tình hình thêm rối ren. Đơn cử như cuộc xung đột Israel-Palestine. Từ vị trí một bên trung gian của cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột, Mỹ dường như đang có cách tiếp cận một chiều khi Tổng thống Trump đứng về phía Israel trong các vấn đề then chốt vốn là nguyên nhân dẫn đến xung đột, điển hình như như công nhận thành phố Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Song song với đó, hàng loạt động thái của Mỹ được đánh giá là “ chống lại Nhà nước Palestine”, từ đóng cửa Văn phòng đại diện của Palestine tại Washington, tới cắt viện trợ cho người Palestine…

Không phải ngẫu nhiên mà chính sách của Tổng thống Trump trong vấn đề xung đột Israel-Palestine được ví như “nhát búa cuối cùng” phá tan trụ cột của tiến trình hòa bình Trung Đông, từng được thiết lập tròn 25 năm trước bằng một cái bắt tay chính trong khuôn viên Nhà Trắng. Ngày 13/9/1993, Thủ tướng Israel khi đó là Ít-sắc Ra-bin (Yitzhak Rabin) và Tổng thống Palestin Y-át-xơ A-ra-phát (Yasser Arafat) đã bắt tay nhau tại bãi cỏ Nhà Trắng, đánh dấu sự ra đời của hiệp ước Ốt-s-lô (Oslo) thứ nhất với mục tiêu chấm dứt hàng thập niên đối đầu" và "nỗ lực tìm cách chung sống trong hòa bình" giữa hai bên.

Trong khi đó, chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Iran, mà đỉnh điểm là việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 5 và lần lượt tái áp đặt trừng phạt Iran, không chỉ khiến quan hệ hai nước chưa kịp “nguội” đã “nóng”, mà còn gây căng thẳng giữa Washington với các đồng minh châu Âu. Từ đó đến nay, thế giới đã liên tục chứng kiến những chỉ trích rồi cáo buộc lẫn nhau, theo kiểu "hòn  bấc ném đi, hòn chì ném lại" giữa Mỹ và Iran, tạo nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông. Có vẻ Washington cho rằng các biện pháp trừng phạt là lựa chọn “ít rủi ro và tốn kém” hơn để họ thực hiện các toan tính của mình, còn Iran dường như cũng không có dấu hiệu lùi bước, dù sức ép từ các đòn trừng phạt của Mỹ ngày càng nặng nề.

Những hành động của Mỹ trong vấn đề Iran hay xung đột Israel-Palestine được xem là sự “đảo ngược” chính sách tại Trung Đông, song đối với Tổng thống Donald Trump, nó phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên” mà ông đề ra. Mỹ luôn coi Iran là “mối đe dọa” đụng chạm đến các lợi ích chiến lược dài hạn của Washington tại Trung Đông, phá hỏng cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ thiết lập dựa trên các đồng minh ở khu vực như Israel và A-rập Xê-út. Một cuộc xung đột quân sự với Iran vào thời điểm này rõ ràng không phải là kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn, nhưng o ép về kinh tế, cô lập về ngoại giao hay răn đe về quân sự, như việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS tới vùng Vịnh, sẽ là những phương án Washington ưu tiên để tìm cách “khuất phục” Iran. Dù vậy, khi Iran từng có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, thì Mỹ cũng không dễ đạt được mục đích.

Tình hình Trung Đông 2018 còn chịu sự chi phối của nhiều thế lực ở cả trong và ngoài khu vực và trở thành địa bàn “va chạm” lợi ích chiến lược quyết liệt giữa các cường quốc. Tiến trình hòa bình Syria bước vào năm 2018 đầy triển vọng với Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sô-chi (Nga) đã vạch lộ trình thành lập Ủy ban Hiến pháp mới. Tuy nhiên, sự can dự của quá nhiều bên với những mục tiêu đối lập tại quốc gia này đang là yếu tố khiến tương lai chính trị Syria chưa thể định hình.

Nga, đồng minh chính của Chính phủ Syria, đang thể hiện vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình ở Syria thông qua phối hợp với các đối tác ở khu vực gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dù toan tính và lợi ích địa chính trị của nhóm “bộ ba” này nhiều khi vẫn mâu thuẫn. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây, cùng các đồng minh của Washington như Israel, tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình ở Syri thông qua việc hậu thuẫn phe đối lập Syria với mục tiêu không che giấu là thay đổi chế độ ở quốc gia này. Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của các bên can dự vào cuộc khủng hoảng Syria thực sự làm phức tạp và cản trở những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Đáng chú ý, ngay cả việc Tổng thống Trump ngày 19/12 tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria được cho là một sự chuyển hướng chiến lược từ can dự công khai nay chuyển sang chiến lược can thiệp có lựa chọn. Chính vì thế, giới phân tích cho rằng điểm nóng Syria vẫn sẽ khiến Trung Đông tiếp tục bao phủ gam màu xám trong năm 2019.

Có thể nói bức tranh Trung Đông 2018 là sự pha trộn của những mối mâu thuẫn âm ĩ và dai dẳng chưa có hướng hóa giải, của những tiến trình hòa bình vẫn còn dang dở. Vì thế, diễn biến năm 2019 còn chứa đựng nhiều ẩn số khó lường với những nguy cơ lúc nào cũng có khả năng bùng nổ, khi các cường quốc đều đang tìm lời giải cho “bài toán" lợi ích địa chiến lược của riêng mình tại khu vực quan trọng này./.