Vắcxin mới – xin đừng tái diễn cảnh xưa!

(VOH) - Vắcxin 5 trong 1 ComBe Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế chọn thay thế vắc xin Quivaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Những ngày qua, khi thông tin vắc xin Quinvaxem đang sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chỉ định tiêm cho trẻ trong giai đoạn từ 2 đến 4 tháng tuổi được thay bằng loại vắc xin mới, sản xuất từ Ấn Độ khiến nhiều người băn khoăn. Nhiều giả thuyết đặt ra khi nỗi ám ảnh một thời Quinvaxem vẫn còn trong tâm trí nhiều bà mẹ, tính năng an toàn được đảm bảo đến mức độ nào? Nhiều trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đến nỗi Bộ Y tế phải cho lệnh dừng tiêm trong 5 tháng.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho hay vào tháng 6 này, văcxin 5 trong 1 mới có tên ComBE Five - do Ấn Độ sản xuất – chính thức đưa vào sử dụng tại Việt Nam, thay thế văcxin Quinvaxem đã ngưng sản xuất. Như vậy chỉ còn hơn tháng nữa, các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng sẽ bắt đầu phải thay đổi từ Quinvaxem qua ComBE Five. Chưa bàn đến chất lượng vắc xin như thế nào, nhưng tâm lý hoang mang, lo ngại là có thật.

Còn nhớ lại cách đây độ vài năm, cuối năm 2012, vắcxin Quinvaxem ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ đã từng gây ra chấn động khi nó liên quan đến rất nhiều trường hợp tử vong ở trẻ dù sau đó, kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng không phải lỗi từ vắcxin.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn lý giải về một số trường hợp tai biến nặng, thậm chí tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem. Bộ trưởng phân tích ba nguyên nhân có thể dẫn đến phản ứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ sau tiêm chủng nói chung và sau tiêm Quinvaxem nói riêng trong đó phần nhiều là sốc phản vệ.

Ngoài ra còn do trẻ đang bị mắc một bệnh nào đó như tim bẩm sinh, bệnh di truyền nên khi tiêm vào ngẫu nhiên gây biến cố sức khỏe.

Ảnh minh họa

Để phụ huynh an tâm về vắcxin mới này, trấn an từ nhà chức năng cho hay vắcxin mới đã được sử dụng thí điểm tại 4 quần thể nhỏ nhóm của 4 huyện, tỉnh Hà Nam. Kết quả theo dõi sau 28 ngày tiêm đưa ra là không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm, còn các phản ứng thường gặp như đau, sưng đỏ chỗ tiêm, sốt, bỏ ăn, quấy khóc là có.

Tuy vậy, ở đây mới dừng lại các nhóm nhỏ tại một tỉnh, còn khi đưa ra đại trà phạm vi cả nước thì sẽ còn phải có sự cân nhắc và lưu ý nhiều vấn đề. Vì chắc chắn rằng có sự khác nhau rất lớn giữa việc thí điểm và thực tế. Có rất nhiều vấn đề phải đề cập cụ thể, ghi nhận chính xác từ môi trường tiêm, rồi xử lý phản ứng sau tiêm, đến trang bị kiến thức, tập huấn xử lý tình huống cho đội ngũ nhân viên y tế như thế nào.

Ngành chức năng đã sẵn sàng hay chưa. Và khi xảy ra tai biến nặng thì xử lý ra sao để tính mạng trẻ được đảm bảo. Những câu hỏi đặt ra cần sự hồi đáp.

Trước thông tin thay đổi vắcxin, tâm trạng phụ huynh có con nhỏ tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn TPHCM hầu hết là lo âu. Bởi lẽ câu chuyện này, đánh đổi và trả giá không là tiền bạc mà là mạng sống của con mình.

Lẽ đương nhiên, khi nhìn nhận ở tầm vĩ mô thì các nhà quản lý đều phân tích, nếu cách đây vài năm, không có Quinvaxem phòng bệnh, độ bao phủ vắcxin thấp thì hệ lụy về dịch bệnh, gánh nặng bệnh tật càng cao và thiệt hại lớn hơn rất nhiều khi dịch bệnh bùng phát.

Các nhà chuyên môn cũng đưa thông điệp rằng, chúng ta phải chấp nhận để tạo miễn dịch lớn thì phải có rủi ro trong đó. Đó là điều không bàn cãi song rủi ro đến mức độ nào để có thể gọi là chấp nhận được.

Là đối tượng thụ hưởng từ chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí này, phụ huynh luôn mong và tin tưởng rằng, vắcxin mới này sẽ an toàn. Làm cha mẹ, ai cũng muốn điều tốt nhất cho con mình nên không vì bất cứ lý do gì mà từ chối những điều hữu ích cho trẻ nhất là khi con mình được tiêm ngừa miễn phí để bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, câu chuyện bài học nhãn tiền từ những phản ứng phụ Quinvaxem vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoay. Vì thế, sự hoài nghi, chất vấn, đặt vấn đề từ họ âu cũng là rất đỗi thường tình của con người.

Thông tin từ nhà sản xuất cũng cho hay trên thế giới đã có 43 nước đã sử dụng 300 triệu liều văcxin ComBE Five. Điều đó cũng minh chứng cho việc vắcxin đã hoàn hảo thì mới đưa ra thị trường. Tuy vậy, như đã nói từ đầu, điều quan ngại nhất vẫn là tính an toàn của vắcxin, sự an toàn cho trẻ sau khi tiêm vắcxin này.

Nếu thật sự đây là vắcxin chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe trẻ nhỏ thì chẳng còn mong gì hơn, dù bao giờ, những tai biến, sự cố sau tiêm đều có thể xảy ra nhưng trong ngưỡng chấp nhận được. Bởi lẽ, sau câu chuyện vắcxin, còn là niềm tin của người dân với cơ quan chủ quản là Bộ Y tế.