Xây nhà từ nóc, liệu có vững bền!

(VOH) - Thấy được cái yếu của trạm y tế, y tế cơ sở thì ngay bây giờ, phải có sự thay đổi lớn ngay từ tư duy để hiện thực hóa nâng chất cho trạm y tế.

Cứ nếu loay hoay theo cách quản lý bệnh tật và mô hình khám chữa bệnh như hiện nay, thì mãi mãi, ngành y tế sẽ luôn trong cảnh quá tải triền miên, bảo hiểm y tế luôn bội chi, dọa vỡ quỹ… Với sự thay đổi mô hình bệnh tật, chiến lược thông minh sẽ là đặt viên đá tảng vào y tế cơ sở, tập trung mũi nhọn dự phòng, chủ động phòng trước khi đổ bệnh.

Mới đây, trong bài báo cáo của mình, Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM bày tỏ mối lo ngại thực sự trước gánh nặng ngày càng khủng khiếp của căn bệnh ung thư. Ung thư là bệnh có chi phí điều trị tốn kém, nhiều căn bệnh phát hiện giai đoạn trễ, tỷ lệ tử vong cao.

quá tải bệnh viện

Ảnh minh họa: SK&ĐS

Tại Việt Nam, chỉ trong 1 năm, số trường hợp mắc mới là 125.000, trong đó tử vong lên đến 94.700 người. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, gánh nặng kinh tế với gia đình bệnh nhân là rất lớn, chỉ một năm sau điều trị ung thư, hơn 70% các bệnh nhân điều trị ung thư rơi vào “thảm họa kinh tế” khi chi phí điều trị lớn hơn 30% thu nhập, gần 40% bị rơi vào cảnh “nghèo túng”. Đưa thông điệp này, Bác sĩ Phạm Xuân Dũng cũng chỉ rõ vai trò y tế cơ sở vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy có thể phòng ngừa tốt bằng phối hợp y tế cơ sở, y tế chuyên sâu và truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò chiến lược cho sự thành công của phòng chống nhiều loại ung thư. Việc nâng cao năng lực của y tế cơ sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tầm soát, khám định kỳ, quản lý hồ sơ sức khỏe và chủ động phòng bệnh.

Hiện nay, ung thư là một trong số các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng quằn vai cho hệ thống y tế. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong có đến 7 trường hợp do các bệnh không lây nhiễm. Thêm vào đó, thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vào năm 2015 cho thấy, có hơn 70% người bị đái tháo đường chưa được quản lý, nếu làm tốt công tác quản lý, lập hồ sơ, chăm sóc sức khỏe theo suốt vòng đời của mỗi cá nhân và gia đình tại tuyến phường xã thì có lẽ, chiếc túi “khám chữa bệnh” ở các bệnh viện tuyến trên không phình to như thế. Trong khi  80% bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và 40% các bệnh ung thư có thể phòng được nếu chúng ta làm tốt quản lý hồ sơ sức khỏe từng cá nhân qua hoạt động bác sĩ gia đình.

Nghèo hóa vì chi phí cho y tế quá sức, đó là một thực tế xem ra rất đáng buồn, chi phí y tế càng cao thì đó không là tín hiệu vui mà bản chất phải xem lại việc quản lý mô hình bệnh tật tại nước sở tại có ổn hay không mới là vấn đề. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí thảm họa. Trong khi, chi phí từ tiền túi cho y tế tại Việt Nam theo thống kê của Trường Đại học Y tế công cộng thì tỷ lệ này trong giai đoạn từ 1992 đến 2014 chiếm tới hơn 54%.

Rõ ràng, thực tế cho thấy, biểu đồ khám chữa bệnh ngày càng đổ dồn về điều trị. Đây là sự lệch hướng cũng đồng nghĩa với quản lý vĩ mô không hiệu quả. Quá tải, sửa chữa, cơi nới, rồi nâng cấp, thậm chí xây mới bệnh viện là cái vòng lẩn quẩn. Không thể cứ mãi xây bệnh viện, xây cho đến bao giờ mới giải quyết được trong khi gốc vấn đề không nằm ở đây. Vấn đề cốt lõi là phải thay đổi tư duy hệ thống. Mô hình bệnh tật thay đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe thay đổi trong khi hệ thống y tế vẫn cứ chạy theo quy trình sẵn có. Nếu không làm cuộc cách mạng cho y tế cơ sở thì gánh nặng y tế vẫn quằn vai người dân.

Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế khi tại đây sẽ tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe. Y tế cơ sở có thể đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của nhân dân, tiến đến công bằng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Đã đến lúc không thể chần chừ, phải xác lập lại một trật tự mới cho y tế trong đó, chủ lực phải là y tế cơ sở gắn với hoạt động dự phòng. Muốn vậy, câu chuyện niềm tin vô cùng quan trọng và mang tính quyết định. Trong quá trình gầy dựng niềm tin đó, dù dài, dù có thể mất nhiều công sức, trí lực, chi phí nhưng đó mới  là hướng đi căn cơ nhất để tạo ra một nền y tế thông minh, vững mạnh. Thực tiễn đòi hỏi phải mạnh dạn giải quyết cái gốc của vấn đề, đó là nền móng căn cơ, chấm dứt ngay việc xây dựng nhà từ nóc