Bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

(VOH) - Năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” đã trở thành một lời nhắn gửi, nhắc nhở mọi người dân Việt tìm về với một lễ hội thiêng liêng, thành kính: Giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Lễ hội ấy là sự thể hiện một tín ngưỡng độc nhất vô nhị trong tâm thức dân gian Việt Nam: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đi qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi, trở thành một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị.

VOH trao đổi cùng GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

GS.TS Nguyễn Chí Bền

GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

*VOH: Giáo sư cho biết những nét khái quát nhất về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phát triển mấy trăm năm qua với vùng trung tâm là tỉnh Phú Thọ, hơn 100 làng. Người dân ở các làng ấy người ta thờ cúng Hùng Vương, các con cháu của Hùng Vương, các tướng tá của Hùng Vương.

Sau đó, tín ngưỡng này phát triển trên toàn dải đất Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã sử dụng các đền thờ để thờ cúng Hùng Vương, thể hiện lòng biết ơn của người dân hôm nay đối với người sáng lập nhà nước Văn Lang thời cổ đại.

Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đánh giá rất cao ở UNESCO, do sáng tạo văn hóa mang tầm nhân loại của người Việt Nam.

*VOH: Trong thời đại Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm như thế nào ?

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Khi nói về thời đại Hồ Chí Minh, ngay năm đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã lên đền Hùng để dâng kiếm và thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với việc bảo vệ đất đai, tổ tiên từ thời Hùng Vương. Đặc biệt từ những năm gần đây, việc thờ cúng Hùng Vương rất được coi trọng.  

Đảng, nhà nước, chính phủ đã cho phép Bộ Văn hóa Thể thao-Du lịch và tỉnh Phú Thọ xây dựng bộ hồ sơ quốc gia để trình Unesco công nhận đây là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện niềm biết ơn tổ tiên, biết ơn Hùng Vương của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Chúng ta nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội khi chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta cùng nhau giữ nước”. Cho đến bây giờ tất cả điều đó đều giữ gìn và thể hiện.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chứ không chỉ của Việt Nam. 

*VOH: Các lễ nghi thờ cúng Hùng Vương có sự chuyển biến, thay đổi như thế nào trong thời gian qua?

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Các lễ nghi thờ cúng Hùng Vương đã có từ hàng trăm năm qua với các vương triều quân chủ trước đây, việc thờ cúng Hùng Vương được chú trọng.

Với chúng ta, những năm lẻ thì giao cho tỉnh Phú Thọ tổ chức, còn những năm chẵn thì do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Hiện tại hơn 100 làng của tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bi tốt các nghi lễ vào Mùng 10 tháng 3.

Người dân các tỉnh, thành phố khác cũng thực hiện nghi lễ thể hiện tấm lòng với các vị Hùng Vương, chẳng hạn người dân ở Ba Vì, thành phố Hà Nội, người ta thực hiện gói bánh chưng để dâng lên các Hùng Vương. Không phải chỉ có ở núi Nghĩa Lĩnh với Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và không phải chỉ có ở hơn 100 làng của tỉnh Phú Thọ, mà có thể nói rằng đã lan tỏa khắp đất nước, thậm chí ở nước ngoài, nơi nào có người Việt Nam thì việc thờ cúng ấy đều được thực hiện.

Tôi cho rằng sự thay đổi trong tiến trình lịch sử của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự trường tồn lan tỏa ở tất cả các nơi.

*VOH: Đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vậy công tác bảo tồn được thực hiện như thế nào?

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Làm sao phát huy đến mức cao nhất vai trò của cộng đồng trong việc giới thiệu, bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cộng đồng là yếu tố quyết định, Nhà nước chỉ xây dựng hành lang pháp lý, còn thực hiện tất cả các việc ấy thì phải là cộng đồng.

Tôi cho rằng có trách nhiệm của các chủ thể, chủ thể thứ nhất là bản thân người dân ở các làng thờ cúng Hùng Vương, chủ thể thứ hai là cộng đồng nói chung, chủ thể thứ ba là các nhà quản lý xã hội, quản lý văn hóa và thứ tư là vai trò của các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng phải giải thích để người dân hiểu về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đặc biệt trong trường hợp này, tôi cho rằng phải tin vào thế hệ trẻ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục làm cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trường tồn, lan tỏa trong tương lai.

Vấn đề cuối cùng cần phải quan tâm là việc bảo tồn, phát huy di sản hôm nay trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển rất mạnh, cho nên tôi đã từng đặt ra với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ là phải xây dựng sách điện tử 3D tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tôi cho rằng đấy là những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 VOH : Cám ơn Giáo sư !