Cần mạnh tay xử lý sách giả

(VOH) - Thời gian qua, công tác xuất bản in phát hành còn nhiều khó khăn như tình trạng xâm hại hoạt động xuất bản, in sách giả vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp, khó xử lý.

 

Hơn 1.300 tựa sách, hơn 3 triệu 500 ngàn bản sách do 3 nhà xuất bản thành phố đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2019 - đó là thông tin mà Sở Thông tin và Truyền thông đã thông tin tại Hội nghị giao ban định kỳ công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 vào sáng 10/7. Bên cạnh, các nhà xuất bản của các trường đại học cũng đã xuất bản chủ yếu là giáo trình, sách tham khảo phục vụ công tác giảng dạy, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.

Trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản của thành phố thực hiện tốt việc xuất bản sách, phục vụ nhiệm vụ chính trị, ra mắt kịp thời vào các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của thành phố. Đường sách thành phố tiếp tục là địa điểm phát triển văn hóa đọc với các hoạt động ngày càng sôi nổi, đa dạng, thu hút đông đảo người đọc. Ngoài ra, các buổi giao lưu kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh đã thu hút rất đông người dân tham gia…

Vấn nạn sách giả

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xuất bản in phát hành còn nhiều khó khăn như tình trạng xâm hại hoạt động xuất bản, in sách giả vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp, khó xử lý. Thêm đó việc khó khăn chung như bản quyền, xu hướng thị hiếu bạn đọc, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động ngành chưa theo kịp công nghệ mới... đã gây ít nhiều khó khăn trong hoạt động xuất bản in phát hành.

“Cái khó khăn nhất là ở các trang thương mại điện tử, thì NXB cũng đã có phần phân biệt sách giả và sách thật. Cũng như có những quy trình làm sách của mình một phần nào đó để chống hiện tượng sách giả này. Tuy nhiên thì khi người ta nhận là nhận sách thật nhưng bán đi lại là bán sách giả. Điều này rất khó để NXB xác định được là khi nào họ bán sách thật khi nào họ bán sách giả”, bà Phan Thị Thu Hà – Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cho biết thêm.

Tại cuộc họp giao ban, những vấn đề thực tiễn trong công tác lĩnh vực xuất bản in phát hành cũng được các quận huyện nêu lên đó là còn lúng túng trong xử lí các ấn phẩm nhạy cảm, liên quan đến tôn giáo hay công tác giám định các văn hóa phẩm nhập khẩu còn nhiều khó khăn hay ngay cả các xuất bản phẩm in lậu, in giả.

Ông Lê Hoàng  - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng in sách giả nhức nhối hiện nay: “Sở cùng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật hướng dẫn các nhà xuất bản biết và đấu tranh với việc mình bị xâm hại. Xin đề nghị các cơ quan chức năng khi các nhà xuất bản có đơn khiếu nại về vấn đề đó thì nên vào cuộc ngay”.

Cần mạnh tay xử lý sách giả

Ảnh minh họa

Nâng cao công tác quản lý về hoạt động xuất bản

Với những hạn chế đã thấy được qua 2 quý đầu năm thực hiện công tác xuất bản in phát hành cùng nhiều kiến nghị sát thực tế, thì 6 tháng cuối năm 2019 Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, sẽ tổ chức triển lãm quốc tế về ngành in thành phố vào tháng 9, tổ chức phát động giải thưởng sách thiếu nhi lần 1 hay sẽ cùng phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh mô hình xe sách lưu động, tặng sách cho các em vùng sâu vùng xa… Đặc biệt các ấn phẩm tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ hay tài liệu chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp cũng sẽ được tập trung.

Ông Lê Văn Minh – Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy đề nghị: lưu ý, xử lí nghiêm khắc đối với tài liệu của các thế lực thù địch nói xấu Đảng, Nhà nước, các vị lãnh tụ của nước ta ngay từ bây giờ. Đồng thời cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Hàng năm, Ban tuyên giáo trung ương đều có hỗ trợ các đầu sách liên quan đến tủ sách pháp luật, và các đầu sách về Đảng, Nhà nước, Bác Hồ gửi đến các anh chị 24 quận huyện, đến tận 322 phường xã thị trấn trên địa bàn của thành phố mình. Cần phát huy hiệu quả việc tuyên truyền các đầu sách đó”, ông Lê Văn Minh nhấn mạnh.