Cúng Táo Quân, không thể thiếu những món này

(VOH) - Tùy theo văn hóa, các gia đình có thể cúng tiễn ông Táo bằng lễ mặn hay lễ chay. Tuy nhiên, có những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Táo quân quan trọng này.

Người Việt xưa tin rằng Táo Quân (ông Táo) là vị thần bảo vệ gia đình, thường được thờ ở nhà bếp nên còn gọi là vua bếp. Theo tục cổ truyền hàng năm, ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (cúng tiễn ông Công, cúng Táo Quân, cúng ông Táo) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian.

Cho đến đêm Giao thừa, ông Táo mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Những lễ vật trong lễ cúng Táo Quân (cúng ông Táo)

Tùy theo từng gia đình, có thể cúng tiễn Táo Quân bằng lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món canh, măng...) hoặc cúng chay (trái cây, trầu cau, giấy vàng, giấy bạc...).

Bộ đồ cúng Táo Quân có thể dễ dàng mua tại các chợ (Ảnh: Vietnammoi).

Tuy nhiên, dù cúng theo hình thức nào, đầy đủ nghi lễ hay tiết giản thì lễ cúng Táo quân cũng cần có những lễ vật sau:

Trong lễ cúng Táo quân, những món “vàng mã” quan trọng cần chuẩn bị là hai mũ đàn ông (có hai cánh chuồn) và một mũ đàn bà (không có cánh chuồn). Các mũ này được trang trí nhiều gương nhỏ hình tròn lấp lánh và những dây kim tuyến sặc sỡ.

Đơn giản hơn, các gia đình cũng có thể cúng tượng trưng một cỗ mũ Táo Quân (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia Táo Quân thay đổi theo năm Ngũ hành. Các năm hành kim, mộc, thủy, hỏa thổ dùng các màu lần lượt là vàng, trắng, xanh, đỏ, đen.

Ở miền Trung, người ta còn cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Trong khi đó ở miền Nam, đơn giản hơn, người dân chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ. Những đồ mũ, áo, hia… bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng Táo Quân cùng với bài vị cũ, sau đó, bài vị mới được lập.

Mỗi gia đình chỉ nên cúng 3 con cá chép trong dịp 23 tháng Chạp.

Ngoài vàng mã, lễ vật cúng Táo quan không thể thiếu cá chép vàng mã hoặc cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa Táo về trời. Mỗi lễ cúng chỉ cần 3 con là đủ chứ không cần phải quá nhiều cá.

Khi cúng lễ nên đặt cá chép ở gần khu vực thờ cúng. Nếu có ban thờ trong bếp thì đặt ở khu bếp, còn chưa có thì đặt gần ban thờ thần linh trong nhà. Sau khi cúng, cá chép sẽ được phóng sinh (thả ao, hồ).

Những điều cần chú ý khi cúng Táo Quân

- Mâm cỗ cúng đơn giản nhưng cần trang trọng, tránh cúng các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó và tránh sắm quá nhiều lễ vật là vàng mã.

- Mâm cỗ cúng Táo Quân cần được đặt ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Nếu gia đình không có ban thờ Táo quân riêng thì nên chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên để thực hiện nghi lễ cúng chính.

- Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

- Lễ cúng ông Công, cúng ông Táo có thể bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ.

Khi nhang cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.