Họa sĩ Lê Minh Châu, từ làng Hòa Bình đến giải Oscar

(VOH) - Họa sĩ Lê Minh Châu, người bị di chứng bởi chất độc da cam đã trở thành người truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Anh là nhân vật chính trong 1 bộ phim tài liệu từng lọt vào top 5 giải Oscar.

Cơ hội từ trong nghịch cảnh

6 tháng tuổi, Lê Minh Châu được đưa vào làng Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ) trong nỗi bất lực của gia đình. Tứ chi bị teo nhỏ và rất dễ tổn thương, cậu vẫn lớn lên hồn nhiên như cây cỏ giữa những người bạn cùng số phận. Đôi chân không thể đứng vững, Châu phải tì lên hai đầu gối để đi, nhưng đi rất nhanh, thậm chí có thể nhanh hơn người bình thường.

Cơ duyên đầu tiên khiến cuộc đời Châu thay đổi là cuộc gặp với một cô giáo đến vẽ tranh ở làng Hòa Bình. Châu và những bạn mình nhìn những sắc màu nhảy múa trên bờ tường như nhìn về một thế giới lạ lẫm và đầy hi vọng. Đến nỗi, cô giáo đã nhận lời dạy vẽ miễn phí cho trẻ em làng Hòa Bình.

Và từ đó, Châu thường bị “nhắc nhở” ham vẽ hơn ham học, lúc nào các mẹ nuôi vào phòng cũng thấy Châu hí hoáy vẽ. Với các mẹ nuôi, những đứa trẻ như Châu được nuôi dưỡng, chăm sóc và cho đi học chữ là những gì tốt đẹp nhất, còn giấc mơ vẽ vời sẽ chỉ mãi là giấc mơ.

Rồi cơ duyên thứ hai khiến cuộc đời Châu bừng sáng, hay nói cách khác là Châu đã tự làm cuộc đời mình bừng sáng là cuộc gặp đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh và các bạn chị đến làng làm tình nguyện viên. Sau hai tuần tiếp xúc với những đứa trẻ trong làng, Châu được chọn trở thành nhân vật chính của bộ phim đạo diễn Courtney Marsh ấp ủ thực hiện.

Châu kể, hồi ở làng Hòa Bình, khi bạn bè chơi đá banh, Châu cũng đòi làm thủ môn. Châu thích cảm giác phán đoán đường banh đi và bắt bóng bằng mọi cách.

Quyết theo đuổi ước mơ

3 tháng sau những thước phim đầu tiên được quay, nhóm tình nguyện viên trở về Mỹ. Và Châu nhận được một email từ cách nửa vòng trái đất, rằng đạo diễn Courtney Marsh muốn từ bỏ bộ phim này! “Vì những người bạn của tôi bảo đây là một bộ phim kết thúc không có hậu”.

Châu kể, cậu bé 17 tuổi là cậu khi ấy đã rất buồn và cả “tự ái”, đã quyết định gửi email bày tỏ điều khát khao của cậu, là "em sẽ theo đuổi ước mơ của mình và biến nó thành hiện thực để chứng minh cho mọi người thấy là em làm được. Em chắc chắn chị làm được nhiều hơn thế nữa và em sẽ cho chị một kết thúc có hậu và đẹp nhất, mà có thể những bộ phim, hãng phim khác chưa từng làm".

Sự nhiệt thành ấy đã khiến đạo diễn Courtney quay trở lại Việt Nam và miệt mài thực hiện bộ phim suốt 8 năm trời. Sau cùng "Chau, beyond the lines" (tạm dịch: Châu, vượt qua những giới hạn) ra đời và làm nên kỳ tích. Tháng 2/2016, cái tên Lê Minh Châu đã được vang lên tại nhà hát Dobly, Mỹ, khi bộ phim về cậu lọt vào Oscar Top 5 phim tài liệu xuất sắc nhất lần thứ 88. Trước khi đến với Oscar 2016, "Chau, beyond the Lines" từng được ban giám khảo tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015 vinh danh.

Họa sĩ Lê Minh Châu tại phòng tranh

Cuộc đời sang trang

Không phải bộ phim "Chau, beyond the lines" đã khiến cuộc đời Lê Minh Châu bước sang trang mới. Chính xác hơn, chính cậu đã làm cho bộ phim “có hậu” như lời hứa năm 17 tuổi. 20 tuổi, 3 năm sau khi rời làng Hòa Bình, Châu chính thức khởi nghiệp với 1 phòng tranh trong con hẻm nhỏ, kèm số vốn liếng chỉ 1,5 triệu đồng. Châu vẽ ngày vẽ đêm, vẽ bằng đôi tay khá yếu ớt, rồi vẽ bằng cả miệng. Những lần bị chấn thương quai hàm vì quá tập trung vào bức vẽ khiến răng cắn gãy bút, rồi uống nhầm dầu, ăn phải màu không làm Châu nhụt chí. Đến nay Châu đã có hai phòng tranh ở quận 1 và quận 2.

Lớn lên từ nghịch cảnh, may mắn tìm được hướng đi tươi sáng cho đời mình, đến lúc Châu giúp những em nhỏ đồng cảnh ngộ tự vẽ ước mơ cuộc đời. Buổi tối, Châu dành thời gian cho lớp học vẽ của các em nhỏ.

Châu chia sẻ, mỗi ngày chỉ ngủ chừng 4 tiếng mới đủ để dạy học và vẽ tranh kịp đơn đặt hàng.

Giờ đây, họa sĩ Lê Minh Châu, 28 tuổi, tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành nhà thiết kế và là họa sĩ quốc tế.

Nỗi đau da cam đã khiến Châu có một tuổi thơ thiếu hơi ấm gia đình, nhưng đã không thể tước đi ý chí kiên cường rằng phải làm cho cuộc đời mình “có hậu” của họa sĩ Lê Minh Châu.