Múa Lân, Sư, Rồng nét đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền

(VOH) - Múa lân đã trở thành tiết mục biểu diễn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Truyền thuyết dân gian gọi Lân là một con vật linh thiêng, thuộc một trong bốn dạng tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”. Khi Lân vào nhà, nó sẽ xua đuổi những điều không may mắn, giúp làm ăn suôn sẻ cả năm. Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, các quốc gia châu Á lại tổ chức múa lân để cầu chúc cho năm mới. 

Múa lân, sư, rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là tết Nguyên đán. Ba con vật này tượng trưng cho điềm lành, cho sự thịnh vượng, phát đạt.

Có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng môn nghệ thuật múa dân gian này lại được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Tại mỗi nước, đầu lân và các điệu múa đều mang những nét rất riêng, đặc trưng cho văn hóa từng vùng miền nhưng trong màn trình diễn múa Lân, Sư, Rồng không thể thiếu ông Địa - hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành. Theo tập tục, một đoàn lân trình diễn ngoài Lân - Địa, còn có đội đánh trống, khua chiêng để dẫn đường.

Anh Trần Thanh Phong - Đoàn Lân - sư - rồng Tinh Anh Đường, Quận 5, VĐV múa lân chuyên nghiệp, đã từng đi biểu diễn thi đấu ở Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Malaysia và đạt 3 huy chương vàng tiết với mục “Liên mai Hoa thung” cho biết múa lân trong ngày Tết mang may mắn đến cho gia đình, công ty, và chúc cho các gia đình vui vẻ. Nghề này cũng không phải để kiếm tiền mà là vì đam mê. Cuối năm và Tết phục vụ cho bà con, thấy bà con cô bác vui dù mình mệt nhưng vẫn cảm thấy vui.

Còn anh Trương Nhật Phát – Đoàn Lân sư rồng Vy Anh Đường ở TP Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, môn múa lân, sư, rồng chỉ dành cho những người thật sự đam mê, có tính kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo. Bởi lẽ để có thể biểu diễn thành thạo một bài biểu diễn với nhiều động tác khó, đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật cao, người tập luyện phải tập luyện rất nhiều. Có khi để biểu diễn một bài múa chỉ từ 10 đến 15 phút nhưng người biểu diễn phải tập luyện cả năm trời. Vì vậy, những người múa Lân thường là những người có học võ, như vậy thì việc luyện tập sẽ dễ dàng và đỡ vất vả hơn.

Theo Nhật Phát, trong múa lân- sư - rồng, thì Liên Mai Hoa Thung được cho là đỉnh cao của nghệ thuật múa lân, ý nghĩa của động tác này là tượng trưng cho cuộc đời con người vượt qua khó khăn để đạt được điều tốt đẹp. Đây cũng là điệu múa khó nhất vì lân phải nhảy, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung với 24 cọc sắt cao từ 1,2 m đến 3 m, chiều dài không quá 15 m, với thời gian biểu diễn trong vòng 15 phút. Để làm được những điều này các thành viên của đoàn phải chuyên tâm khổ luyện từ nhỏ. "Có khi bị chấn thương đầu, gãy tay, nhưng niềm đam mê đã ăn vào "máu", anh Trương Nhật Phát cho biết.

Múa Lân, Sư, Rồng,  đặc sắc, Tết cổ truyền

Hình minh họa: P Nguyệt

Vào những ngày Tết, khi nghe tiếng trống thùng thình, thùng thình thì ai nấy đều nghĩ ngay đến hình ảnh múa lượn của những chú lân, sư, rồng rực rỡ và uy dũng cùng điệu cười rất đỗi hồn nhiên của ông Địa, đã làm rạo rực lòng người. Ông Nguyễn Thành Mỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 5 cho biết tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 đã thành lập một Câu lạc bộ Lân, sư, rồng từ năm 1983, sau hơn 30 năm thành lập đến nay có 19 đoàn và hơn 1.500 vận động viên, tuy nhiên số vận động viên ngày càng lớn tuổi và cần có lớp trẻ thay thế.

"Lân, sư, rồng có ý nghĩa như là đem một niềm may mắn, đem tài, lộc đến cho mọi người. Chính vì vậy, những ngày Tết, những gia đình có điều kiện thường hay rước lân vào nhà, như rước tài rước lộc. Ngoài ra để thực hiện được bộ môn nghệ thuật Lân – sư – rồng chúng tôi đang gìn giữ một nghề truyền thống tại Quận 5 của người Hoa, đó là nghề chế tác và làm đầu lân theo kiểu thủ công của VN", ông Mỹ cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM khẳng định: Nghề múa lân hiện nay phát triển không chỉ để tìm niềm vui phục vụ bà con mà còn như một môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe mà cũng là nét văn hóa đặc trưng để phát triển cho du lịch thành phố. "Chúng ta cùng gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật Lân – sư – rồng đã rất gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam với việc kết hợp với hoạt động võ cổ truyền tạo thành một sản phẩm du lịch khá toàn diện. Do đó, chúng tôi kỳ vọng đây còn là sản phẩm quảng bá TPHCM là một điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn trong bối cảnh chúng ta đang đón chào năm mới 2019", bà Ánh Hoa nói.

Mỗi khi Xuân về có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức nhưng múa Lân, sư, rồng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bởi nó mang trong mình vẻ đẹp của nét văn hoá truyền thống cũng như phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp, lứa tuổi. Xuân về, Tết đến nếu chỉ có mai vàng, bánh chưng, mứt kẹo mà không có tiếng trống múa lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi rộn ràng của ngày Tết. Múa lân-sư-rồng là một phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong ngày lễ lội với nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, an khang và may mắn.