Tại sao gọi Tết Đoan Ngọ - mồng 5 tháng 5 âm lịch là ngày 'giết sâu bọ' ?

(VOH) - Không ít người dân Việt Nam gọi ngày Tết Đoan Ngọ là ngày 'giết sâu bọ' và sớm 5/5 vừa tỉnh dậy đã ăn mận, rượu nếp để 'giết sâu bọ'. Tại sao lại có tên gọi thú vị này?

“Giết sâu bọ” là diệt giun sán trong… bụng?

Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm được người Việt gọi là Tết Đoan Ngọ. Vào ngày này hàng năm, các gia đình dậy sớm, tất bật mua sắm, chuẩn bị lễ cúng (chay hoặc mặn). Một số nơi thì người dân vừa tỉnh dậy đã ăn mận, rượu nếp để “giết sâu bọ”.

Theo quan niệm của người xưa, sâu bọ thường ẩn trong bụng, chỉ đến ngày mồng 5 tháng 5 mới "rủ nhau" bò lên tập trung trên ruột nên phải tìm cách giết đi. Vì vậy, món ăn đầu tiên trong ngày 5 tháng 5 như mận, vải, đào hay rượu nếp sẽ khiến sâu bọ, giun sán trong người bị chết.

Như vậy có thể hiểu ngày "giết sâu bọ" ở đây không phải giết sâu bọ phá hoại mùa màng mà là giết "sâu bọ" trong cơ thể.

Các món ăn “giết sâu bọ” phổ biến theo truyền thống

Người dân nhiều nơi ở miền Bắc quan niệm, trong ngày Tết Đoan Ngọ, mận là loại trái cây tốt nhất để giết sâu bọ. Vì thế ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều gia đình đã chuẩn bị mận từ hôm trước hoặc đi chợ sớm mua mận về để khi các thành viên trong gia đình thức dậy, việc đầu tiên là mỗi người ăn vài quả mận để giết sâu bọ.

Mận là món ăn phổ biến trong ngày "giết sâu bọ"

Không chỉ mận, cơm rượu (rượu nếp) cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này vì theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu cơm nếp sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Đó là lý do mà sáng mồng 5 tháng 5, sau khi thức dậy, nhiều gia đình còn có thói quen ăn một bát cơm rượu để diệt sâu bọ. Ở mỗi vùng miền cách ủ cơm rượu lại khác nhau. Nếu như người miền Bắc để các hạt tơi thì ở miền Trung cơm rượu lại được ép thành khối còn miền Nam thì được viên tròn. 

Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5, ngày giết sâu bọ

Món cơm rượu theo kiểu miền Bắc

Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ bánh tro lại là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh tro (gio), bánh ú tro, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương.

Bánh ú tro của miền Nam trong ngày "giết sâu bọ" (Ảnh: LH)

Bánh tro được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Theo quan niệm xưa, tháng 5 âm lịch là thời điểm mùa hè oi bức, dễ sinh bệnh dịch, nên các món ăn chế biến cần có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt.

Bánh ú tro được bán đầy đường trong ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: LH)

Tết Đoan Ngọ với chiếc bánh ú nước tro - Dù không rộn ràng, náo nhiệt như ngày Tết cổ truyền nhưng Tết Đoan Ngọ vẫn được lưu truyền và có một vị trí nhất định trong lòng người Việt.

Tết Đoan Ngọ ăn gì? - Xem qua cách làm 4 món ngoncho ngày lễ này nhé! - Tùy vào phong tục mà ở mỗi vùng miền sẽ có những món ăn ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Đừng để ngày lễ này trở qua một cách ‘buồn tẻ’ mà hãy làm ‘vui miệng’ bởi những món ăn đặc trưng ...