Tập tục đời người - bàn về văn hóa tập tục của nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20

(VOH) - “Tập tục đời người” là tập sách mới ra mắt trong những ngày đầu năm mới 2018 của tác giả Phan Cẩm Thượng.

Ông là họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật. Sách do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành.

Tập tục đời người (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20), bàn về cách mà người Việt, cụ thể là người Kinh, người nông dân Việt Nam trong thế kỷ bản lề 19-20 quan hệ với nhau để thành cộng đồng, thành xã hội. Đây là thời kỳ có những thay đổi sâu sắc về xã hội, con người, thời kỳ mà chủ nghĩa phong kiến theo Nho giáo của nhà Nguyễn phải đối mặt với phương Tây hùng mạnh cùng chủ nghĩa tư bản thực dân, người nông dân làng xã phải dịch chuyển về đô thị, những thói quen tập tục cũ va đập vào những cách thức, lối đi mới.

Tập tục đến từ bên trong, từ quá khứ, do lâu dài mà thành, thấm vào con người, thành nhu cầu tự thân, tự nguyện. Tập tục là cái nói về đời sống tinh thần thực của con người trong cộng đồng lịch sử. Tập tục Việt Nam kể cho ta nghe con người Việt Nam thực sự sống đời sống tinh thần của mình như thế nào.

Phan Cẩm Thượng không cố gắng liệt kê các tập tục, ông lý giải nó ở nguồn gốc của nó, vì sao nó sinh ra, vì sao nó sinh ra thế này mà không phải thế khác, nó diễn biến thế nào, nó thay đổi mất đi ra sao, rồi cách nào tập tục mới hình thành thay đổi cái cũ…

Cuốn sách này hoàn toàn không phải là một thứ chính sử của các triều đại, các cuộc chiến, nhưng nó đích thực là một cuốn sử của số đông người dân bình thường, cách họ sống, họ trao đổi, họ ca hát, họ yêu đương. Có thể nói nó là một cuốn sử ngợi ca những điều bình dị nhất của những con người không ai nhớ mặt, không ai biết tên.

Buổi ra mắt giới thiệu tập sách “Tập tục đời người” của tác giả Phan Cẩm Thượng diễn ra vào ngày 13/1 tại đường sách TPHCM.