Tết xưa - Tết nay: Giải pháp để văn hóa Tết được lưu truyền (kỳ 2)

(VOH) - Kỳ 2 của Tọa đàm “Truyền thống ngày Tết trong cuộc sống hiện đại” sẽ nói về những nét đẹp truyền thống ấy cần được giữ gìn và phát huy như thế nào trong cuộc sống hiện đại ngày nay?

Toạ đàm với các vị khách mời: Nhà sử học, Nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần; Nhà nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng du lịch Bình Quới.

mam-ngu-quaChưng mâm ngũ quả ngày Tết là một tập tục của người Việt Nam.

*VOH: Thưa ông Dương Hoàng Lộc, tập tục ngày Tết Việt Nam có rất nhiều như  trồng cây nêu, lì xì, gói bánh chưng, bánh tét, không quét nhà… trong những ngày tết và trước đó có ngày cúng ông Táo 23 tháng chạp. Vậy thì trong những tập tục đó thì những  tục nào của chúng ta cần gìn giữ?

Ông Dương Hoàng Lộc: Bản sắc văn hóa Tết của dân tộc chúng ta là cái Tết của nông nghiệp. Biểu hiện ra nhà nhà gói bánh chưng, bánh tét để cúng ông bà tổ tiên, để ăn uống và để đãi khách. Ngày Tết cũng nấu cơm cúng ông bà tổ tiên của mình các món ăn truyền thống dân tộc. Nấu cơm cúng từ những sản vật của nông nghiệp. Cái hồn văn hóa Tết truyền thống của chúng ta là như vậy. Con người Việt Nam chúng ta ý thức cái Tết là sự hòa nhập, hòa điệu, giao hòa với thế giới tâm linh, với ông bà tổ tiên của mình. Cho thấy tín ngưỡng ông bà, tổ tiên là một nét văn hóa, một nét mang tính đặc trưng nhất của văn hóa Việt chúng ta. Tết của chúng ta còn là cái tết cộng đồng, xóm làng cùng vui tết, cùng ăn tết với nhau, tiêu khiển giải trí với nhau, tặng quà tết với nhau, lì xì với nhau, thắt chặt tình cảm. Hiện nay thì tôi thấy điều này vẫn còn tiếp tục và trở thành điều cốt lõi nhất, nét tiêu biểu nhất của Tết Việt Nam chúng ta.

*VOH: Làng du lịch Bình Quới có tổ chức các hoạt động vui chơi, ăn Tết cho những ai không có điều kiện về quê ăn Tết. Các hoạt động này rất tích cực và cũng rất văn hóa. Phản hồi từ những người tham gia trước đó và khu du lịch của mình sẽ duy trì như thế nào?

Ông Chiêm Thành Long: Làng du lịch Bình Quới, giờ vẫn trồng cây nêu và hạ nêu đúng ngày. Thật ra đây là tục rất hay. Khi người ta đến những khu vui chơi của làng du lịch Bình Quới  vào dịp Tết là người ta thấy cây nêu và người ta thấy rằng đây là bản sắc của dân tộc chúng ta.

Về những trò chơi dân gian của chúng tôi tổ chức thì cũng tạo sự ấn tượng rất mạnh đối với du khách, thực khách. Vì khi họ đi vui xuân thì hầu hết họ đi với gia đình. Mà với trẻ con, ngày nay, thì những trò chơi dân gian với các em, các cháu này thì rất lạ lẫm. Cha mẹ, ông bà có giải thích trò chơi này khi xưa ông chơi, khi xưa ba chơi, phải chơi như thế này, như thế này…thì các cháu tham gia ngay.

Ngoài sự giữ gìn truyền thống thì các cháu còn vận động, các cháu rất thích thú. Tôi nghĩ rằng đối với làng Du lịch Bình Quới cũng đã góp được phần nhỏ vào trong sự giữ gìn nét văn hóa, bản sắc dân tộc ta trong những ngày tết. Cho nên, chúng tôi duy trì những chương trình này cũng đã hơn 20 năm.

viet-thu-phap

Viết  thư pháp ngày Tết.

*VOH: Với những tập tục xưa, cần được bảo tồn giữ gìn, vậy theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần cần những giải pháp như thế nào để chúng ta lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đó?

Ông Nguyễn Khắc Thuần: Ông bà cha mẹ hãy làm sao để cho con cháu luôn luôn gắn kết với gia đình. Hiểu rằng gia đình, gia tộc quê hương là trên hết. Với một con người cụ thể, phải luôn luôn tưởng nhớ đến các bậc tiền bối của mình. Khi còn sống thì chăm sóc phụng dưỡng, khi đã qua đời thì hãy kính cẩn thờ cúng. Ngày tết phải cố gắng tạo ra những bửa cơm gia đình thật ngon. Ngon ở đây không chỉ là thực phẩm mà quan trọng trước hết là vui.

Ngoài ra, còn có những tập tục mà chúng ta cũng nên duy trì như là các lễ hội mùa Xuân. Ở thành phố thì lễ hội không nhiều nhưng các vùng quê thì nhiều lắm. Tôi đếm được ở Việt Nam có trên 7.200 lễ hội. Và mọi người hãy tham gia, quan trọng là tạo ra niềm vui. Tết là có hạn và tiết kiệm là rất quan trọng.  Đừng bao giờ chủ quan trong chuyện này. Và khi mình được ăn no và ăn ngon thì hãy nhớ đến có người không có gạo mà ăn. Bây giờ hãy giúp cho người nghèo, họ có bánh chưng, bánh tét để họ có họ ăn. Bánh nhỏ thôi cũng được nhưng phải có.

*VOH: Cảm ơn ông Nguyễn Khắc Thuần. Xin hỏi ông Dương Hoàng Lộc. Từ những kinh nghiệm và trách nhiệm của nhà nghiên cứu thì ông có thêm những giải pháp gì không?

Ông Dương Hoàng Lộc: Tôi thấy hiện nay cần tập trung vào 2 chuyện. Để văn hóa Tết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì cần chú trọng vào yếu tố gia đình. Thực hành văn hóa truyền thống ngày tết thì cha mẹ phải là người dạy con cái mình, hướng dẫn con cái mình biết thực hành tết truyền thống của gia đình. Nhờ vậy văn hóa Tết truyền thống mới được lưu truyền. Ví dụ ngày quét mộ ông bà tổ tiên, cách gói bánh, cách chưng một cành đào, cành mai, cách dọn mâm cúng ông bà, tổ tiên như thế nào… Thế hệ trẻ sẽ biết tiếp tục tiếp nối truyền thống văn hóa Tết thông qua giáo dục văn hóa của gia đình.

Hiện nay, truyền thông có vai trò rất lớn. Chúng ta đang sống trong thời đại một số người hay gọi là 4.0, thì thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông để làm việc này. Trong những năm qua thì tôi thấy, dịp các ngày gần Tết và trong Tết thì có các chương trình nói về văn hóa Tết, giải thích các ý nghĩa truyền thống Tết rất phổ biến, góp phần cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu được văn hóa Tết, tạo hiệu ứng xã hội. Chúng ta ăn Tết trong sự hiểu biết truyền thống của mình để làm sao giữ gìn được các giá trị hồn cốt của cha ông mình từ hàng ngàn năm qua.

*VOH: Thưa ông Chiêm Thành Long. Là người có kinh nghiệm trong việc tổ chức lưu giữ các nét văn hóa truyền thống Tết thì ông sẽ có thêm những giải pháp gì để chúng ta lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa Tết?

Ông Chiêm Thành Long: Cái sâu thẳm trong mỗi con người vẫn mong muốn có cái tết thật đầm ấm, sum vầy, vui vẻ hạnh phúc. So với xã hội hiện đại và lớp trẻ bây giờ, đôi lúc chúng ta có nỗi sợ lớp trẻ bắt đầu quên mất đi truyền thống. Thật ra, lớp trẻ vẫn háo hức về ngày truyền thống này, vì vậy chúng ta cần phải duy trì và tuyên truyền. Theo tôi thấy, truyền thông rất quan trọng để góp phần duy trì truyền thống. Thông điệp mà chúng ta đưa ra để thấy rằng ngày Tết truyền thống này cần duy trì và giữ gìn. Và đóng góp  của chúng tôi là bao nhiêu năm nay chủ đề của chúng tôi là về quê ăn Tết, duy nhất là như vậy, mong sao bà con mỗi năm đến Bình Quới ăn Tết thì không trùng lắp và lặp lại. Nhưng cái tôi tâm đắc và vẫn duy trì là trò chơi dân gian. Những trò chơi dân gian này không bao giờ mai một và tham gia rất hào hứng. Và những món ăn, trò chơi dân gian cũng là một trong những điều làm cho ngày tết vui vẻ và chúng ta duy trì truyền thống.

doan-tu-gia-dinh

Ngày Tết là ngày của sum vầy, đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bà con, họ hàng. 

*VOH: Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, hương vị ngày Tết dần trở nên vội vã và phần nào phai nhạt những phong tục truyền thống. Tuy nhiên, những hình ảnh quen thuộc trước đây như câu đối đỏ, bánh tét, bánh chưng, gia đình quây quần bên nhau trong ngày xuân thì vẫn luôn làm bất kỳ ai trong chúng ta thấy ấm áp, thấy hạnh phúc và cảm nhận bản thân rất muốn ở trong bầu không khí ấy. Xét cho cùng, bên cạnh những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa ngày Tết truyền thống cần được gìn giữ thì trên hết, bất luận Tết xưa hay Tết nay thì ngày tết Nguyên đán là thời điểm của mọi người tìm về cội nguồn, về gia đình và của niềm hạnh phúc sum vầy.   

Xin cám ơn các vị khách mời.