Tết xưa - Tết nay: Truyền thống ngày Tết trong cuộc sống hiện đại

(VOH) –Từ xưa đến nay, tết Nguyên đán được xem là ngày “Tết cả”, quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian các thành viên trong gia đình có dịp quây quần bên nhau sau 1 năm làm việc vất vả.

Đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau năm mới bình an và hạnh phúc. Truyền thống ngày Tết vẫn được giữ gìn nhưng cuộc sống hiện đại luôn hối hả, vận động không ngừng cũng đã thay đổi ít nhiều giá trị xưa.

Cùng nhau ngẫm nghĩ, bàn luận về “Tết xưa – Tết nay”, Đài TNND TPHCM (VOH) tổ chức Tọa đàm 2 kỳ chủ đề “Truyền thống ngày Tết trong cuộc sống hiện đại”. Tham dự tọa đàm có Nhà sử học, Nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần; Nhà nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và ông Chiêm Thành Long – Giám đốc Làng du lịch Bình Quới.

VOH: Thưa TS Nguyễn Khắc Thuần, xin ông chia sẻ về nguồn gốc hình thành văn hóa, truyền thống ngày Tết cổ truyền?

TS Nguyễn Khắc Thuần: Xét về cội nguồn, tết Nguyên đán bắt đầu từ Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc truyền bá sang Việt Nam. Nhưng về văn hóa, khi người ta nói cội nguồn, tức là nói đến điểm xuất phát đầu tiên. Và ở đâu có thể tiếp nhận thì đều có sự truyền bá và hòa nhập với địa điểm truyền bá, để rồi tết cổ truyền của Việt Nam thì chính là Tết cổ truyền của Việt Nam, dù có xuất xứ từ Trung Quốc đi chăng nữa thì đặc trưng của Việt Nam vẫn là đặc trưng tiêu biểu, đặc trưng chi phối và gắn chặt với nhận thức, với tình cảm của cả xã hội từ rất nhiều thế kỷ nay. Do vậy, ai ai cũng mong tới Tết. Thêm một cái Tết có nghĩa là thêm một năm trưởng thành, thêm một cái Tết, thêm những niềm hy vọng cho năm mới. Thêm một cái Tết, thêm nhiều dự báo và nhiều kế hoạch cho tương lai.

VOH: Cảm ơn TS Nguyễn Khắc Thuần. Thưa ông Dương Hoàng Lộc, nói về ngày Tết truyền thống, theo ông, đâu là những tập tục phổ biến mà hầu hết các gia đình ngày xưa đều thực hiện cho dịp này?

Ông Dương Hoàng Lộc: Từ xưa đến nay người Việt chúng ta ăn Tết, thực hành văn hóa truyền thống của chúng ta, gắn bó với phong tục tập quán đặc trưng. Ví dụ về ẩm thực, nói đến Tết là phải nói đến bánh chưng, bánh tét. Đó là thuộc về truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước của ông bà ngày xưa. Nói đến Tết là người Việt chúng ta hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn. Tết đến, ai cũng muốn về quê ăn Tết, thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Con người chúng ta gắn với thế giới tâm linh, gắn với truyền thống, gắn với gia đình quê hương và cội nguồn mình, làm cho hồn bản sắc dân tộc được nâng lên, được tỏa sáng hơn trong dịp Tết.

Tết là nói đến mọi người đi du xuân, tham gia các lễ hội, đi hành hương, mang lại cho chúng ta những trải nghiệm thú vị trong ngày đầu năm, mong mỏi cuộc sống cho một năm mới được bình yên và hạnh phúc. Nói đến Tết là nói đến quần áo mới, nói đến Tết là nói đến sự thăm viếng bà con hàng xóm họ hàng. Và sự thăm viếng bà con hàng xóm họ hàng chính là để thắt chặt mối quan hệ giữa con người với gia đình mình, với họ hàng, với quê hương. Tôi nghĩ rằng đây là những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc ta qua hàng ngàn năm nay.

Gói bánh chưng, bánh tét, canh nấu bánh là nét đẹp văn hóa tết vẫn được nhiều gia đình duy trì. Hình: PT

Gói bánh chưng, bánh tét, canh nấu bánh là nét đẹp văn hóa tết vẫn được nhiều gia đình duy trì. Hình: PT

VOH: Xin cảm ơn những ý kiến vừa rồi của ông Dương Hoàng Lộc. Thưa ông Chiêm Thành Long, là đơn vị khai thác, cung cấp dịch vụ du lịch, ẩm thực dựa trên nền tảng văn hóa Nam bộ, ông nhận xét ra sao về những vẻ đẹp, nét đặc sắc của ngày Tết truyền thống ở Nam bộ xưa?

Ông Chiêm Thành Long: Văn hóa truyền thống của Nam bộ xưa thì chúng ta thấy rằng: Những ngày Tết người ta nói đến sự sum vầy. Những món ăn ngày Tết thông thường là những món ăn đã được chuẩn bị trước Tết. Và trong những ngày Tết thì mọi người sẽ không phải nấu ăn, ăn những thức ăn mình đã chuẩn bị, nếu cần thì chỉ cần hâm lại rồi cùng nhau thưởng thức món ăn trong những ngày Tết.

Những ngày Tết là những ngày chủ yếu đi thăm bạn bè, thầy cô, họ hàng. Và từ điều này đã tạo ra được một nét văn hóa rất gần gũi trong đời sống, trong một năm làm việc, trong một năm bôn ba thì mọi người xích lại gần nhau hơn. Và đặc biệt nhất, đó là những bữa cơm gia đình, những món ăn đã được chuẩn bị chu đáo… luôn luôn và lúc nào cũng gợi nhớ đến một sự đoàn kết và sum vầy khi Tết đến Xuân về.

VOH: Ngày Tết truyền thống đang được gìn  giữ hay đã thay đổi ra sao trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Những tập tục nào vẫn còn được duy trì và điều nào thì lại có phần phai nhạt so với Tết xưa?

TS Nguyễn Khắc Thuần: Sự đổi mới diễn ra một cách thường xuyên, liên tục trên tất cả mọi lĩnh vực. Tết là đoàn tụ. Ngày xưa đoàn tụ có nghĩa là có mặt, ngày nay đoàn tụ có nghĩa là sự gắn kết theo cách của ngày nay. Ví dụ: Xa quá không về được thì chúng ta có thiệp chúc mừng, có email, có tin nhắn, có điện thoại. Và ngày nay còn có cả những phương tiện vừa nghe được tiếng nói, vừa thấy được hình ảnh… thì đó cũng là một cách đoàn tụ. Và sự đoàn tụ không phải chỉ là dành cho những thành viên trong gia đình mà sự đoàn tụ còn dành cho cả các thế hệ tiền bối. Cho nên bao giờ trước tết người ta cũng dọn dẹp mồ mả tổ tiên cho sạch sẽ, lập bàn thờ gia tiên trang nghiêm.

Và các thành viên trong gia đình luôn có cảm giác rằng: Tiền bối đang ở bên mình và phù hộ cho gia đình chúng ta. Và nếu có biến đổi thì chỉ biến đổi về cách thức, nhưng vẫn duy trì bản chất gắn kết của tất cả mọi thành viên trong dịp Tết. Tết là ngày mà người ta sẵn sàng bỏ qua tất cả những gì không vui của năm cũ để mở lòng đón nhận những cái mới, những cái hay của năm mới. Và theo tôi đây là điều rất quan trọng!

Nhiều vấn đề khác cũng thay đổi. Ngày xưa chỉ có Tết mới có bánh chưng, thế nhưng ngày nay, bất cứ lúc nào cần chúng ta ra siêu thị đều có bánh chưng. Có nhiều người nói rằng như vậy là tục nấu bánh chưng không còn nữa. Tôi cho rằng không! Vấn đề không phải là họ nấu bánh chưng mà vấn đề ở đây là Tết đến, làm gì thì làm, ở trên bàn thờ cũng phải có bánh chưng. Bởi vì chúng ta biết Tổ tiên ta ăn nếp, chứ không ăn gạo tẻ. Rõ ràng, ẩm thực cũng có khác. Ngày Tết, chúng ta thấy những món ăn đặc biệt như bánh chưng, bánh tét, giò lụa, các loại dưa cà... Khi phụ nữ vào bếp, mùi thức ăn bám vào tóc thì họ sẽ cảm thấy mất vui rồi! Cho nên tốt nhất là hãy để phụ nữ được thoải mái. Ngày Tết đến, ăn bao nhiêu, chúng ta dọn bấy nhiêu, thế là xong! Và tôi thích điều này, nó thể hiện tính nhân văn.

Bên cạnh đó, chúng ta có tục lệ là đến ngày 30 Tết thì sẽ không quét nhà nữa. Điều này nghe có vẻ như mê tín, nhưng không! Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem, có những người phụ nữ, cả đời mới sắm được một chiếc áo đẹp, và Tết đến mặc áo đẹp mà phải đi lau nhà thì sẽ như thế nào? Cho nên, tục lệ những ngày Tết không quét nhà là rất hay. Tôi nghĩ mỗi thành viên trong gia đình ai cũng phải nhắc nhở mình phải giữ vệ sinh, giúp người phụ nữ được thảnh thơi trong vài ngày Tết. Rõ ràng, chất nhân văn đã được thể hiện trong những quy định vào ngày Tết.

VOH: Còn về sự thay đổi hay khác biệt giữa Tết xưa – Tết nay?

Ông Dương Hoàng Lộc: Cách suy nghĩ, phong tục tập quán con người của chúng ta luôn thay đổi theo nhịp sống của xã hội. Đặc biệt đất nước chúng ta luôn luôn chuyển mình trong thời gian vừa qua, có những thay đổi về kinh tế xã hội. Bây giờ, đến dịp Tết của chúng ta cũng có sự thay đổi, Tết xưa và Tết nay cũng có sự khác nhau. Theo tôi, có những điểm khác nhau như thế này mà tôi thấy được:

Thứ nhất, ngày xưa, người ta ăn Tết dài hơn. Vậy, ăn Tết dài hơn là ăn Tết như thế nào? Có nghĩa là đến ngày 23 tháng Chạp đưa ông táo là bắt đầu nhà nhà nô nức chuẩn bị Tết. Nhưng ngày nay, vì công việc quá bận bịu, cuối năm ai cũng phải lo việc làm ăn của mình, cho nên cái Tết của chúng ta ngắn hơn ngày xưa rất nhiều.

Thứ hai, đối với các món ăn ngày Tết truyền thống thì ngày nay chúng ta vẫn lưu giữ, ngày Tết vẫn còn có bánh tét, bánh chưng, vẫn có dưa hành, vẫn có thịt kho tàu, vẫn có khổ qua… Nhưng đồng thời Tết nay, chúng ta có rất nhiều các món ăn du nhập từ các nước khác, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu cuộc sống… Điều này, chúng ta có thể gọi là tính hiện đại, sự giao lưu văn hóa trong ngày Tết của chúng ta hiện nay.

Và tôi thấy rằng một nét đẹp của Tết nay đó là cách làm công tác từ thiện xã hội ở các địa phương. Đã có nhiều hoạt động từ thiện xã hội chăm sóc giúp đỡ cho những người nghèo ăn Tết, chăm lo đến từng gia đình hoàn cảnh khó khăn. Điều này làm cho chúng ta thấy rằng, mặc dù cuộc sống chúng ta hiện nay bận bịu và có thể đặt nặng về vấn đề kinh tế, nhưng giá trị nhân văn của người Việt chúng ta không mất đi mà còn tiếp tục tỏa sáng.

Ông Chiêm Thành Long: Tết xưa – Tết nay - luôn là một câu hỏi mà lúc nào cũng không cũ. Bởi vì sự tiến hóa của xã hội luôn mỗi ngày mỗi mới, do đó, chúng ta cũng sẽ so sánh được cái cũ và cái mới. Đối với làng du lịch Bình Quới, chúng tôi thường có một cái chủ đề gọi là “Về quê ăn Tết”. Đây là Chương trình dành cho những người không có cơ hội, không có điều kiện để về quê ăn Tết, sum vầy cùng gia đình, đoàn tụ với ông bà cha mẹ. Họ đến đây, tham gia Chương trình thì sẽ được cảm nhận ngày Tết ngay tại quê hương mình. Họ sẽ thấy được phong cảnh miền quê, những trò chơi dân gian, gợi nhớ đến các Lễ hội, Hội hè đình đám ở làng quê, cùng với những món ăn ngon và đậm hương vị quê nhà.

Tôi thấy rằng, Tết xưa hay Tết nay đều không thể thiếu được thịt kho dưa giá, cũng không thể thiếu được khổ qua, và một số món ăn hiện đại hoặc là một số món ăn vùng miền cũng được chúng tôi mang đến trong Chương trình “Về quê ăn Tết”. Những người thực hiện Chương trình luôn mong muốn thực khách đến tham dự đều có thể cảm nhận rằng là họ đã ăn được những thực phẩm ở vùng miền của mình; Vừa hưởng thụ được văn hóa, vừa được hưởng thụ ẩm thực. Tuy hiện đại nhưng bao giờ không mất đi sự truyền thống, không mất đi sự nối kết, không mất đi sự gắn bó của gia đình của bạn bè trong những ngày đầu năm.

(Còn tiếp)