Tiến sỹ Hán Nôm kể chuyện con gà trong văn hóa Việt

(VOH) - Trước thềm Xuân Đinh Dậu, cùng trò chuyện với tiến sĩ Hán Nôm đầu tiên của Việt Nam về câu chuyện con gà trong văn hóa Việt theo một cách thực tế pha chút linh thiêng, hoài cổ.

Cứ mỗi dịp xuân về người ta lại kể nhau nghe đủ chuyện xung quanh con giáp “gác cửa” năm mới. Và thời điểm này, chẳng có gì thú vị hơn là trao đổi những câu chuyện thú vị xung quanh con gà cùng Tiến sỹ Hán Nôm Cung Khắc Lược. 

Ông được đánh giá là nhân vật quan trọng của ngành Hán Nôm thời kỳ cuối thể kỉ 20 đầu thế kỉ 21, và cũng là người giữ gìn vốn chữ Hán Nôm đang bị lãng quên.

Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược (Ảnh nhân vật cung cấp)

* VOH: Có thể nói, gà nhà là một trong những loài vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với người dân Việt. Tiến sĩ chia sẻ thêm về vai trò của con vật này trong đời sống văn hóa người Việt?

- TS Cung Khắc Lược: Gà trong văn hóa vật chất của người Việt rất quan trọng, đó là lý do tại sao Tổ tiên nó nằm trong hệ thống mã văn hóa 12 con giáp. Trong 12 con giáp, ngoài các con vật linh thiêng là rồng, hổ thì các con giáp khác đều gần gũi và chi phối mạnh mẽ tới đời sống người dân, đặc biệt là con gà.

Có thể thấy, không có con vật nào gần gũi hơn con gà. Tất cả mọi thứ từ da, lông, chân, trứng, thịt… của gà, đều mang lại ích lợi cho con người, không chỉ là lợi ích vật chất như báo giờ, làm thực phẩm, chữa bệnh mà còn là những giá trị dự báo, tâm linh linh thiêng… Các cụ ta ngày xưa nghe tiếng gà gáy là biết sắp có điều xấu xảy ra, xem cách gà bới đất hay nhảy lên cây là biết thời tiết thế nào, Tết đến còn có tục xem chân gà để dự đoán các sự kiện sẽ diễn ra trong năm.

 Gà xuất hiện trong rất nhiều nghi lễ của người Việt: đám hỏi, đám cưới, đám ma hay nghi lễ trước khi ra trận dùng gà để vinh danh các anh hùng, hiến tế… Trong văn học dân gian cũng có nhiều thành ngữ về gà. Trong tranh vẽ, hội họa, gà đều xuất hiện đầy thân thuộc và gần gũi. Hình ảnh con gà còn xuất hiện trong hệ thống chữ Gà cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển chữ Nôm.

* VOH: Xin tiến sĩ cho biết thêm về chữ Gà cổ trong lịch sử phát triển chữ Nôm và ý nghĩa của nó?

- TS Cung Khắc Lược: Chữ Nôm cổ còn ghi nhận được rất nhiều hình thái phát triển của chữ Gà qua các thời kì, chữ càng về các thế kỉ xa xưa càng có tính tượng hình cao.

Những chữ gà cổ mà tôi đưa vào bộ lịch thư pháp tranh gà Địa Thiên Thái là những chữ gà cổ nhất tôi ghi nhận từ tài liệu tổ tiên để lại.

* VOH: Mới đây TS mới ra mắt bộ lịch thư pháp Đinh Dậu - Địa thiên thái. Tiến sĩ gửi gắm điều gì thông qua bộ lịch này?

- TS Cung Khắc Lược: Thông qua hình ảnh con gà và những chữ Gà cổ nhất, tôi muốn kể câu chuyện về con người chúng ta và mong một năm Đinh Dậu đầy sinh khí và hưng thịnh và quan trọng nhất là để chữ Nôm cổ tồn tại dưới càng nhiều hình thức càng tốt.

Chữ gà cổ trong bộ lịch thư pháp Đinh Dậu - Địa thiên thái (Ảnh: Cung Khắc Lược)

Cuốn lịch được làm nên từ những chất liệu rất Việt Nam như giấy của đồng bào Mường được chế bằng cây rừng, mực được chế bằng than của tro lúa và một chút son.

Bộ lịch lấy tên là Địa thiên thái – là tên của quẻ đẹp nhất trong Kinh Dịch, đề cao vai trò và sự tôn trọng dành cho thuộc tính âm, là tượng của sự phát triển và an lành. Đây là quẻ của sự phát triển bền vững, không đứt gẫy – cũng là quẻ mềm dẻo, nhu nhuyễn, không hiếu thắng.

* VOH: Hiện nay, những người biết về chữ Gà cổ không nhiều, theo tiến sĩ, làm thế nào để gìn giữ được nét văn hóa này?

- TS Cung Khắc Lược: Giữ gìn chữ Nôm rõ ràng là điều nên làm. Điều đặc biệt của chữ Nôm là nó giữ được hồn cốt của dân tộc và quan trọng là nghiên cứu chữ Nôm còn giúp hỗ trợ nghiên cứu lịch sử, y học, kiến trúc, văn hóa, tôn giáo vì khi phân tích nguyên ủy, nhiều con chữ có thể giúp đánh giá được tình hình chính trị, văn hóa xã hội từng thời kì…

Mỗi khi Tết đến, tôi vẫn ra ngồi vỉa hè cho chữ – gửi gắm chữ Nôm đến mọi người để chữ Nôm không hoàn toàn mất đi.

* VOH: Theo tiến sĩ, Năm Đinh Dậu, mọi người nên treo những bức thư pháp gì để mang lại sự hanh thông, thành đạt…?

- TS Cung Khắc Lược: Không có một quy tắc nào về việc nên xin chữ gì vào đầu năm thì tốt nhất. Nhiều người xin thư pháp thường xin chữ Tài Lộc – tuy nhiên, nếu quá chú trọng những chữ này thì không nên vì cuộc đời còn bao nhiêu thứ vô cùng quan trọng khác như gia đình, tình yêu, tình bạn…

Sử biên niên cho thấy Đinh Dậu là những năm có biến động rất lớn. Do đó, chúng ta phải thận trọng, không quá tham vọng, tham tiền, tham của, nên tự nhìn nhận lại xem “tiền đã đủ chưa?” để chia sẻ bớt, ai cần sám hối thì sám hối, cần yêu thương thì yêu thương vì… không phải nhiều tiền lúc nào cũng tốt.

Năm con gà bao giờ cũng là năm cần xem lại mình, chăm chút mái ấm của mình, để chuẩn bị cho những năm khác tốt đẹp và bền vững hơn. Năm con gà nên thâm trầm sâu sắc, chớ vội vàng hấp tấp để thấy lòng mình sáng láng, trí tuệ, thân thiện hơn và yêu thương hơn.

* VOH: Cảm ơn ông.