Xét tặng giải thưởng: Hãy xuất phát hiệu quả từ nhân dân!

(VOH) - Những tên tuổi quen thuộc như Nhạc sỹ Thuận Yến, Nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này làm nhiều người hụt hẫng bởi những tác phẩm của họ đã ghi dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ yêu nghệ thuật. Và nguyên nhân chính là do thiếu tiêu chí huy chương ở các hội thi.

Mời đọc giả nghe bài viết 

Đã từ rất lâu, không riêng xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân dân gian ưu tú cũng đã bị chính người trong cuộc than phiền. Lần nào cũng xảy ra tranh cãi, kiện tụng khiến dư luận ồn ào, và lần này cũng không tránh khỏi.

Ai cũng hiểu những danh hiệu có một giá trị tôn vinh nhất định của xã hội, là đỉnh cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhưng xảy ra sự xô bồ trước mặt công chúng thì liệu rằng có còn giữ được sự tôn vinh vốn có?

Cố nhạc sĩ Thuận Yến và vợ - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. Ảnh: Vnexpress

Khởi đầu cho những tranh cãi này khi nhiều văn nghệ sĩ không “lọt” trong danh sách xét phong tặng danh hiệu. Họ và gia đình có những nỗi niềm riêng và những bức xúc đối với các tiêu chuẩn để được phong tặng. Ở một hướng khác, có dư luận cho rằng việc làm hồ sơ xin xét duyệt để được phong tặng danh hiệu là một việc làm không đáng ngay từ đầu.

Tiêu biểu cho luận điểm này, một diễn viên nổi tiếng từng phát biểu: “Được phong tặng thì tôi nhận còn xin thì không”. Ông cho rằng, việc khai thành tích và làm hồ sơ xin được xét tặng là một việc làm gây tổn thương lòng tự trọng của người nghệ sĩ nếu như không được xét tặng, nên đã nói “không” với danh hiệu. Còn đối với cơ quan xét duyệt thì họ cũng có cái lý của mình: “cái gì cũng phải dựa vào luật”.

Khi văn nghệ sĩ muốn được tôn vinh bằng những danh hiệu cao quý thì cần phải làm hồ sơ xét duyệt và thời hạn nộp. Quy trình giống như tham gia một cuộc thi nhưng vấn đề thi thố không nằm ở chỗ ai tài năng hơn mà lại nằm ở chỗ xem xét, đánh giá với quá nhiều tiêu chí còn khá bất cập.

“Cần phải sửa đổi, lấy ý kiến qua từng năm cho phù hợp với thời đại” là mong mỏi của rất nhiều người hiện nay, nhưng qua nhiều lần họp thì “đâu lại vào đấy”. Xem ra câu chuyện dài hơi giữa “lý” và “tình” vẫn chưa có điểm dừng.

Chỉ có công chúng, những người đáng lẽ phải có tiếng nói quan trọng nhất trong việc chọn lựa nghệ sỹ, tác phẩm có xứng đáng hay không thì lại bị rơi vào quên lãng. Vô vàn câu hỏi đặt ra mà sự giải đáp không nằm ở biên bản, hay thông tư, nghị định, nghị quyết nào. 

Cần nhiều thời gian để sửa đổi quy chế cho phù hợp, nhưng suy cho cùng “của cho không bằng cách cho” nên giữ mãi cơ chế “xin-cho” thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người nghệ sỹ. Vì vậy, đừng hành chính hóa các giải thưởng.

Công chúng hiểu nghệ sỹ cần được công nhận đối với những thành quả lao động nghệ thuật đích thực. Sự công nhận ấy không chỉ là những danh hiệu, giải thưởng mà trên hết là tấm lòng yêu mến của nhân dân mới chính là giải thưởng cao quý nhất.