Nguyễn Ngọc Bạch – Một đời sân khấu

(VOH) - Vào sáng 30/10, Nhà xuất bản Tổng hợp cùng Hội Sân khấu Thành phố tổ chức buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Ngọc Bạch – Một đời sân khấu”.

Đông đảo nghệ sĩ, đạo diễn tham dự chương trình và bày tỏ tình cảm dành cho người đạo diễn tài ba của sân khấu – Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch.

Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch, được sinh ra tại Chợ Mới An Giang, người đã dành suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật và để lại nhiều tình cảm trân trọng, kính yêu cho giới nghệ sĩ sân khấu. Ông tham gia kháng chiến và liên tục phụ trách các đoàn văn công từ năm 1945. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc, là trưởng đoàn cải lương Nam bộ. Sau khi nước nhà độc lập năm 1975, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh, là trưởng đoàn kịch nói Cửu Long Giang, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã đạt nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn sân khấu.  

Nhà xuất bản Tổng hợp cùng Hội Sân khấu Thành phố tổ chức buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Ngọc Bạch – Một đời sân khấu”.

Tác phẩm “Nguyễn Ngọc Bạch – Một đời sân khấu” được xuất bản đầu tiên vào năm 2004, đã được đông đảo bạn đọc và giới mộ điệu cải lương đón nhận nhiệt tình. Sách còn được sử dụng làm tư liệu cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, nhà báo để làm nguồn tư liệu giảng dạy, nghiên cứu.

Dành một năm cho chỉnh lý, Nhà xuất bản Tổng hợp mong muốn giới thiệu đến rộng rãi công chúng cuộc đời của người nghệ sĩ tài ba Nguyễn Ngọc Bạch đã một đời cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển sân khấu Nam Bộ. “Nhà xuất bản đã xin được nguồn từ sách đặt hàng của nhà nước. Với mục đích là sẽ đưa những ấn phẩm được nhà nước đặt hàng đến tay bạn đọc đúng đối tượng. Nhà xuất bản đã lên kế hoạch phát hành đưa sách đến các trường đào tạo về nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, đưa về các thư viện quận huyện để lan tỏa nội dung này”, bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp cho biết thêm.

Nhớ về nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch là nhớ về người thầy tận tụy cho thế hệ đàn em trong hoạt động nghệ thuật. Là người đi sớm về trễ, cẩn thận từng chi tiết, chỉnh chu nhưng cũng đầy sáng tạo, đột phá trong nghề. Nhớ về nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch là nhớ về tư cách lớn, là tấm gương sáng trong nghề. Nghệ sĩ nhân dân Kim Xuân xúc động kể về người thầy đầu tiên của mình: “Bác cực kỳ thương yêu những đứa nhỏ, những đứa học sinh trẻ ở đoàn. Tôi nhớ thậm chí lớp học của chúng tôi, những bài tốt nghiệp, bài học kỳ bác đều kiểm tra từng bài. Chuyện lớn bác vẫn làm, nhưng chuyện nhỏ bác không bỏ qua một chút nào hết, bác góp ý cho từng đứa như một người cha. Đi diễn ở tỉnh, hầu như bác đều hỏi thăm từng đứa hết”.

Theo lời kể của những người đạo diễn trẻ lúc bấy giờ, khi ông làm ở Hội Sân khấu Thành phố, thì Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch là người ủng hộ cái mới, tin tưởng vào lớp trẻ, khuyến khích sự sáng tạo trong dàn dựng, đạo diễn sân khấu. Với mục đích đem sân khấu đến gần, thật gần với công chúng. Đó cũng là những viên gạch đầu tiên, xây dựng nên đời sống nghệ thuật sân khấu xã hội hóa sôi động như hiện nay ở Thành phố. Tác giả Đăng Nhân – đạo diễn vở Dư luận quần chúng được khán giả đón nhận một thời, bày tỏ niềm cảm kích trước niềm tin yêu mà nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch gửi vào người trẻ: “Chú Bảy là người đặt viên gạch đầu tiên cho sân khấu 5B. Lúc đó chúng tôi có câu lạc bộ đạo diễn trẻ, chú bảy tập trung hai mươi mấy đạo diễn trẻ lúc đó vừa tốt nghiệp trường sân khấu. Chú Bảy đưa ra vở Dư luận quần chúng. Thời điểm 84 – 85, mà diễn viên diễn tung tẩy, diễn phá cách tất cả mà chú bảy chấp nhận, vì chú bảy lúc đó là chỉ đạo nghệ thuật hướng dẫn. Tôi nghĩ đó là điều đáng quý.”

Thay mặt Hội Sân khấu thành phố, đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó chủ tịch Hội trân quý những tình cảm, kỷ niệm của nghệ sĩ dành cho người đi trước. Chính những buổi giao lưu, gặp gỡ là điều kiện để tiếp lửa cho người làm nghề thấy được tình cảm của mọi người vẫn dành cho sân khấu. Và qua đó, nghệ thuật truyền thống của dân tộc sẽ được tiếp truyền. Hội sẽ tiếp bước câu chuyện này, tổ chức các chuyên đề, những tọa đàm mang tính nói về thân thế sự nghiệp của một người nghệ sĩ, của bậc tiền bối. Để cho thế hệ trẻ soi lại mình, để mình đi theo, tiếp bước con đường đã được, đã đúng với yêu cầu mà các vị tiền bối xây dựng”, đạo diễn Tôn Thất Cần nói.