Vì học ở nước ngoài nên mong muốn khám phá văn hóa Việt Nam càng cao hơn!

(VOH) - Gần đây, mạng xã hội xuất hiện một bộ sưu tập các biểu tượng cảm xúc hay còn gọi là emoji về 54 dân tộc Việt Nam. Tác giả chính là họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc vừa tốt nghiệp tại Singapore.

Hình ảnh các dân tộc Việt Nam xuất hiện đáng yêu, nhiều biểu cảm khiến cho người xem thích thú bởi tính mới mẻ, thú vị của nó. Qua tìm hiểu, được biết tác giả của bộ emoji này là một du học sinh ngành thiết kế đồ họa đang theo học tại Singapore.

Với niềm đam mê về văn hóa Việt Nam và khát khao chinh phục những thách thức với chuyên ngành mình theo học, họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc đã bắt tay thực hiện dự án này.

VOH phỏng vấn họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc – tác giả của bộ sưu tập emoji “54 dân tộc Việt Nam”.

 họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc
Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc

*VOH: Là tác giả của bộ emoji này, Ngọc chia sẻ thêm về dự án?

Nguyễn Minh Ngọc: Dự án 54 dân tộc Việt Nam là 1 phần của dự án “Nhỏ to Việt Nam”. Mình dùng emoji để chuyển tải thông điệp về văn hóa.

*VOH: Khi bắt tay thực hiện dự án, Ngọc có kế hoạch chia thành mấy phần, các giai đoạn ra sao?

Nguyễn Minh Ngọc: Mình dự định chia làm nhiều phần như trang phục, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, con người, nhạc cụ… Dự án này khá dài hơi, trong khoảng 1 đến 2 năm sẽ hoàn thành hết.

*VOH:  Vì sao mình chọn emoji chứ không phải phương thức truyền tải nào khác?

Nguyễn Minh Ngọc: Mình thấy bản thân và các bạn trẻ khác dùng emoji trong các cuộc trao đổi trên điện thoại hàng ngày rất nhiều. Nó như ngôn ngữ tượng hình của thế kỉ 21. Tuy nhiên hiện nay các emoji về Việt Nam không nhiều, chỉ có lá cờ thôi. Thậm chí có người còn hỏi mình sao không dùng những hình ảnh khác như hình chipi chẳng hạn nhưng mình vẫn chọn emoji vì thấy bản thân nó mang thông điệp về thông tin.

Do đó mình muốn kết hợp cả thông tin và văn hóa vào trong các emoji về Việt Nam như thế.

*VOH:  Ý tưởng hình thành lúc nào?

Nguyễn Minh Ngọc: Hình thành từ cuối năm ngoái nhưng mãi đến tháng 4 năm nay mình mới thực hiện. Vì tháng 4 mình tốt nghiệp ở Singapore và đó cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát nên mình nghỉ làm ở nhà thì có nhiều thời gian hơn để thực hiện dự án.

*VOH:  Từ lúc lên ý tưởng đến giờ, có ai hỗ trợ bạn hay chỉ một mình Ngọc thực hiện?

Nguyễn Minh Ngọc: Từ đầu đến giờ chỉ một mình Ngọc vì mình muốn thử thách bản thân. Trong tương lai khi mở rộng dự án nếu cần hỗ trợ mình sẽ liên hệ sau.

emoji về 54 dân tộc Việt Nam
Emoji về 54 dân tộc Việt Nam

*VOH: Công đoạn nào là khâu phức tạp, cần nhiều sự đầu tư nhất trong quá trình thực hiện?

Nguyễn Minh Ngọc: Đó là quá trình tìm kiếm thông tin. Khi dự án ra mắt cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Còn khâu vẽ thì không quá khó với mình bởi mình học về thiết kế.

*VOH: Quá trình tìm kiếm thông tin, Ngọc đã truy xuất những nguồn tư liệu nào?

Nguyễn Minh Ngọc: Chủ yếu là từ internet nhưng cũng có một số nguồn tài liệu chính thống như quyển “Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam” của Nhà xuất bản giáo dục năm 1997 và số liệu từ tổng cục thống kê. Ngoài ra mình còn xem thêm các bài báo.

*VOH: Lĩnh vực văn hóa hết sức phong phú và phức tạp, ngay cả các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này cũng thấy không dễ dàng chút nào, nhưng bạn lại chọn chủ đề này. Bạn có thấy mạo hiểm?

Nguyễn Minh Ngọc: Thực ra lúc đầu làm mình không nghĩ nhiều quá. Mình chỉ thấy mình chưa biết thì mình tìm hiểu và chia sẻ. Mình không có tham vọng biến một người từ không biết gì khi tiếp xúc với dự án này thành chuyên gia nhưng mình muốn chia sẻ, để các bạn có thiện cảm hơn với văn hóa dân tộc.

Khi bộ emoji ra mắt thì cũng nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Có một số bạn nghiên cứu về dân tộc hoặc các bạn xuất thân từ dân tộc thiểu số góp ý chỗ này chỗ kia không đúng. Lúc đầu mình cũng lo nhưng bình tĩnh suy nghĩ lại mình nghĩ sai ở đâu thì sửa chỗ đó thôi, vậy mới tiến bộ được. Instagram thì không cho phép chỉnh sửa hình ảnh do vậy chắc thời gian tới mình sẽ đăng tải lại trên website và cả sách nữa.

*VOH: Ngọc nói mình không có tham vọng biến các độc giả từ chỗ chưa biết gì thành chuyên gia mà chỉ mong đem đến sức hấp dẫn cho các bạn trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Vậy còn với các bạn bè quốc tế, Ngọc có muốn họ biết thêm về Việt Nam thông qua dự án này?

Nguyễn Minh Ngọc: Dĩ nhiên mình muốn, nhưng với bộ emoji này mình nghĩ với các bạn trẻ trong nước phù hợp hơn, còn với các bạn quốc tế thì sẽ là các vấn đề như ẩm thực, danh lam thắng cảnh chẳng hạn.

*VOH: Ngoài dự án “Nhỏ to Việt Nam” thì Ngọc có những dự án tương tự khác về văn hóa dân tộc không ạ?

Nguyễn Minh Ngọc: Hiện tại mình tập trung hoàn toàn cho dự án này, sau đó mới tính tiếp.

*VOH: Chuyên ngành đang theo học hỗ trợ gì cho Ngọc khi thực hiện dự án này?

Nguyễn Minh Ngọc: Ngành học của mình không trực tiếp liên quan đến dự án nhưng cũng có những môn học khơi gợi lòng đam mê khám phá về văn hóa. Đặc biệt khi học ở nước ngoài thì mong muốn khám phá văn hóa của đất nước mình càng được đẩy lên cao hơn. Mình nghĩ nếu không ra nước ngoài thì cũng sẽ không thực hiện dự án này đâu. Khi ra nước ngoài rồi mới thấy cần phải tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa nước mình.

*VOH:  Đến thời điểm này, Ngọc có hài lòng với những tâm huyết mình đã bỏ ra cho dự án?

Nguyễn Minh Ngọc: Mình hài lòng khoảng 80%. So với dự kiến của mình thì dự án được ủng hộ quá nhiều, mình rất xúc động. Tuy nhiên, mình còn chưa hài lòng về chuyên môn do chưa chính xác được hoàn toàn.

*VOH: Ngoài nền tảng hiện tại thì mình sẽ chọn những phương thức nào nữa để quảng bá cho dự án?

Nguyễn Minh Ngọc: Đó sẽ là website vì mình sẽ chủ động điều chỉnh được. Mình cũng đã nghĩ đến Facebook tuy nhiên mình không có nguồn lực để duy trì tương tác do vậy mình không chọn.

*VOH: Cảm ơn Minh Ngọc. Chúc bạn sẽ tiếp tục thành công với những dự án tiếp theo.

Bức tường “tình yêu” ở Đà Lạt -  Tại Hẻm 186 Bùi Thị Xuân, Đà Lạt có một bức tường trên đó là dòng chữ "Anh yêu em" bằng nhiều thứ tiếng là điểm mà nhiều cặp đôi ghé đến khi tới thành phố mộng mơ này.

                                                                                                                        Kim Ngân