Cơn mộng mị - Văn học tuổi xanh (19/02/2017)

(VOH) -''Cuộc đời cứ như dòng thác dữ, số phận con người như con nước xô bồ, cứ mải miết lao về phía trước, dù là rơi xuống, chịu nỗi đau không chừng, vĩnh viễn cũng không cách nào quay ngược dòng.''

Đêm qua tôi mơ một giấc mơ. Tôi về nhà kì nghỉ hè, và rồi quyết định không trở về nơi mình đang theo học - một thành phố thanh bình, có thể đảm bảo cho tôi một tương lai nhàn nhã, an nhiên cả đời. Nhẹ nhàng và yên lặng, nhưng thật quá đỗi chán chường. Nếu tôi ngủ mãi trong cái kén ấm áp đó, tôi sẽ mãi mãi là con nhộng vô dụng, yếu đuối, không thể cất cao đôi cánh, khoe sự tồn tại với thế gian. Trong giấc mơ, tôi đã có đủ dũng khí bước lại từ đầu, đi đến nơi có bạn bè tôi, rất nhiều người, nơi những mơ ước của tôi có thể đâm chồi nảy lộc. Tôi đã rất sung sướng. Nhưng không bao lâu tôi nhận ra rằng nơi này vốn không tuyệt vời như tôi tưởng, tôi mắc kẹt trong vũng lầy của sự xô bồ, chật hẹp, tăm tối đến ngột thở, và rồi tôi bắt đầu nhớ lại những ngày rong ruổi nô đùa nơi thành phố cũ, mỗi buổi sáng dạo bên bờ biển trong xanh mát lành, nói những câu chuyện phiếm và cười đùa. Tôi nhận ra rằng tôi đã quay lưng thật nhanh, chọn con đường vĩnh viễn rời xa mà chưa hề cho mình một cơ hội nói lời tạm biệt.

Và rồi tôi đột ngột thức dậy. Tôi thực sự muốn biết kết quả của giấc mơ, nhưng vô vọng. Tiếng đài xa thật xa: ''Đây là đài tiếng nói Việt Nam...''. Mặc dù chưa bao giờ cố để nghe nó đang nói gì, tôi vẫn thích âm thanh này. Vang ngân, pha loãng và hòa vào làn gió lạnh sáng sớm, thật dễ chịu. Nhưng trời còn tối quá, màn đêm vẫn quây chặt, những cơn gió rít mang theo cái lạnh thấu xương ngoài kia. Ồ, tôi bắt đầu nghĩ gì nữa vậy nhỉ? Bóng tối thật dễ dìm người ta vào giấc ngủ. Thế sao? Tôi đã từng rất ghét nó, và không bao giờ ngủ được nếu không bật điện; đã từng ngủ rất sớm, và rất dễ ngủ, không giật mình thức giấc giữa đêm để nghĩ về những chuyện tầm phào ủ rũ thế này, và nhiều thật nhiều điều nữa. Tôi khác xưa vậy sao? Tại sao tôi lại không biết nhỉ? Tôi bất chợt nảy ra cái ý nghĩ: Rốt cuộc thì con người ta thật dễ dàng thay đổi, thật hay quên. Có bao nhiêu tình cảm, con người, cảnh vật, thói quen,.. đã bị lãng quên, không bao giờ còn chạm đến ở thực tại?

Bạn biết đấy, từng ngày ta đều thay đổi, từng chút một, thể trạng, sở thích, thói quen, và cả suy nghĩ. Cùng với thời gian lặng lẽ, từ một đứa bé, thân thể bạn lớn dần lên, và rồi thành cô cậu thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, cả bộ óc và trái tim cũng vậy. Trong thân thể đứa bé có bộ óc và trái tim của đứa bé, trong thân thể người trưởng thành có bộ óc và trái tim của người trưởng thành, những thứ đó hòa hợp với nhau, nên chẳng bao giờ chúng thấy xa lạ nhau, và đó là lí do ta chẳng mấy khi nhận ra mình đổi khác đến mức nào. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu trái tim của đứa bé thấy được những gì trí óc trưởng thành đang làm, đang nghĩ; thấy được sự rệu rã mỏi mệt, nhem nhuốc ăn dần ăn mòn thân thể trưởng thành nhỉ? Nó có khóc thét lên không, hay là sợ hãi trốn chạy? Câu hỏi đó bắt đầu ám ảnh, day dứt tôi suốt đêm. Thật buồn... Nhưng cũng thật may, chính vì con người thật hay quên, nên đứa bé ấy, có lẽ đã mãi mãi yên vui ở quá khứ rồi, phải không?

Rốt cuộc ''tôi'' là ai? Là tôi của phút trước, giờ trước, ngày trước, năm trước, hay thâp kỉ trước? Là cô bé ngây ngô của quá khứ, là đứa trẻ dại dột ương bướng đầy vui tươi hay cô gái thực dụng toan tính rũ buồn của thực tại, hay một con người không rõ ở tương lai? Có hỏi bao nhiêu lần cũng vô dụng! Suy cho cùng, vì con người quá ư thay đổi, nên họ cũng có rất nhiều cái tôi, và mỗi cái tôi đều góp phần làm nên ''tôi'' của ngày hôm nay. Vậy nên, có lẽ không nên ích kỉ níu kéo cái tôi của quá khứ phải gắng gượng sống với hiện tại, bắt đứa trẻ ngây thơ của quá khứ chứng kiến những đổi thay cay đắng của thế giới mà nó không thuộc về. Có lẽ nên để cái tôi của hiện tại bước đi trên con đường hiện tại là hơn, như thế, có lẽ chúng ta sẽ không phải tự chuốc lấy nỗi buồn.

Đoàn Bích Thuỷ Tiên

Bình minh ngang qua cửa

Tôi có thói quen dậy sớm hệt ngoại. Dậy sớm chỉ mỗi một việc là ngồi ngay bậc cửa trước thềm ba nhà. Sau khi ngoại đã ngồi thiền tịnh tâm và lần xâu chuỗi phật. Một cảm giác khoan khoái khi ngồi ngay bậc cửa nhà mình, hứng những tia nắng sớm đầu tiên, chiếu thẳng góc, xiên ngang qua những tàu dừa, lọt xuống đọng lại trên sân. Nắng tươi rói nhảy nhót, reo trên sân chào ngày mới. Những bông nắng ban mai sớm vàng ươm. Màu vàng trong mà tôi yêu thích. Nó đẹp một cách lạ kì.

Tôi xòe đôi bàn tay nhỏ xíu hứng nắng, đưa qua đưa lại cố cho những bông nắng đọng mãi trong lòng bàn tay, không cho chúng rơi xuống nền đất. Đôi bàn chân nhỏ xíu để trần cho những bông nắng im tròn chiếu chỉ phân nửa. Ngoại ngồi bới lại mái tóc, quấn khăn rằn chéo đầu, kẽo kẹt trên chiếc võng đưa, nhìn đứa cháu đang chơi đùa với nắng trên sân. Ánh mắt ngoại hằn lên sự yêu thương và đó là thói quen hạn chế những trận khóc động địa của tôi thời còn bồng trên tay. Sáng nào, ngoại cũng xốc tôi dậy sớm, ngồi đợi nắng trước thềm ba nhà phơi nắng để cung cấp thêm nguồn vitamin thiếu hụt do những năm mất mùa, đói kém khi tôi cất tiếng khóc chào đời.

Kể từ đó thành thói quen, sáng nào tôi cũng đón bình minh với ngoại ngang cửa. Khi mặt trời vừa ló dạng đằng Đông, tôi đã được ngoại bế ngồi ngay bậc cửa. Lớn thêm một chút, ngoại thả tôi đi lững thững một mình chơi trước sân đón bình minh. Tôi thường đón bình minh với những con chim sâu riu rít chuyền cành gọi nhau trong những vòm lá xanh um. Tôi dao dác đưa mắt nhìn chúng, những âm thanh trong trẻo của buổi sớm mai tinh khiết ở một vùng quê dừa, mà chưa bao giờ quên trong mản kí ức. Bạn thủa bé của tôi là chị mèo Mướp già khụ, lông đã rụng thưa bớt. Chị Mướp ta thường ngồi liếm lông đôi mắt nhắm nghiền, phơi nắng cùng tôi trước sân. Mẹ nhắc ngoại không cho tôi đụng vào chị Mướp như tôi vẫn len lén mỗi khi không có mẹ canh chừng.

Tôi ôm chị ta quý mến. Người bạn thứ hai, đó là con Bột, một con chó phóc, lông trắng như bột, hiền queo, thường nằm “phè cánh nhạn”, ngả ngớn cái bụng trắng, cừa cựa qua lại cái đầu vào sân đất đón nắng sớm. Con Bột hay lén ngoại liếm tay, liếm chân tôi. Mỗi lần như vậy tôi lại cười nắc nẻ. Tôi vuốt cái đầu trắng của nó. Chị Mướp và con Bột hay giỡn với nhau trên sân, chúng sống rất tình cảm với nhau.

Bình minh ngang cửa, của những ngày mưa sa. Trời tối sầm, mưa trút nước. Con Bột nằm gác mỏ về phía trước. Chị Mướp cuộn tròn say giấc. Tôi ngồi co tròn ôm ngoại. Nhìn những hạt mưa rơi trong ánh bình minh u ám. Đó là những ngày mưa dầm dề ban sáng, ít đứa con nít như tôi thích. Người lớn thì lại mừng bởi mưa nguồn nước sẽ dồi dào, những ruộng mạ sẽ thêm xanh, mùa lúa được đặn. Cây lúa sẽ đâm chồi và đẻ nhánh báo hiệu một mùa trổ đồng sắp tới no tròn. Những ánh bình minh gượng gạo đan xen trong những giọt mưa mùa trong vắt. Dây mướp sau hè đã bỏ tược và những bông mướp sẽ vàng ươm, một mùa trái mới đương đươm. Tôi ôm ngoại như bứt rứt trong người vì không được ra sân đón nắng sớm sương mai. Tôi ngọ nguậy trong lòng ngoại. Ngoại biết ý xoa đầu tôi “trời lúc mưa, lúc nắng, giống như con người lúc vui, lúc buồn. Mai hết mưa trời hửng nắng con lại được ra sân mà…”. Tôi nhìn ngoại gục gật cái đầu. Đôi mắt vẫn chưa vơi đi nỗi buồn.

Lớn thêm một chút, bình minh ngang cửa của tôi là tay cầm cuốn tập, tay vẽ những dòng chữ ngệch ngoạc lên nền sân cho nhớ bài. Tôi vẫn hòa mình với nắng sớm, với tiếng chim sâu, tiếng chim trao trảo hay tiếng chim vịt gọi bạn vào một sáng tháng ba nào đó. Tiếng của con gà trống choai tí tửng cho lần tập gáy đầu tiên nên cố sức gáy te te, giọng the thé. Hai con ngỗng già kêu oàm oạp trên sân. Sục mỏ tìm sỏi. Chạy giỡn mừng ngoại đi chợ sớm về trong những buổi sáng bình minh yên bình nơi quê nhà tôi.

Bình minh ngang cửa với tôi chỉ vỏn vẹn là những chuỗi ngày, bình yên, tinh khiết đến giản đơn. Những buổi bình minh trong sương sớm ấy, luôn ngọt ngào, được ngoại thuật lại khi tôi lớn và được tôi góp nhặt trong kí ức tuổi thơ tươi xanh của mình. Những buổi sáng bình minh ấy đẹp đến lạ kỳ, trong những sắc màu tươi trong, sống động và chân thật đến lạ mà lúc nào tôi cũng trân quý. Những ánh bình minh trong veo ngang cửa, những bước chân, tiếng võng đưa và tiếng những con vật tôi yêu. Con người, âm thanh và màu sắc trong bình minh ấy chưa bao giờ tôi quên.

Mười bốn năm rồi, vào một sáng tôi giật mình sau bao nhiêu giông gió cuộc đời. Tôi choàng người tỉnh giấc trong một buổi sáng bình minh ngang cửa tại quê nhà. Tôi bắt gặp những tiếng chim sâu, tiếng gà mẹ tục tục gọi đàn con, những bông nắng vàng rọi xuống khoảng sân đất. Tôi đạp chân trần lên nền đất như những người bạn chị Mướp, con Bột thời thơ bé của tôi đã đi rất xa. Ngoại cũng nằm xuống. Không biết trong mười bốn năm tôi rời quê lên phố ấy những buổi sáng bình minh ngang cửa chắc có lẽ bà đều nhớ đến tôi. Kí ức ùa về, ôm tôi vào lòng, tôi quay đi và khóc. Bình minh đang hắt những tia sáng, đầu tiên,  ngang cửa,  trong veo…

Nguyễn Hoàng Nhân

Tình Sông

Con sông chảy qua trước ngôi nhà của tôi được gọi là sông Cái. Khi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc: sông Cái ở đây, còn sông Đực ở đâu?

-       Sông Đực mắc đi ve gái chớ đi đâu mà hỏi!

Chị Hai – chị dâu tôi – một tay nách đứa con gái, bụng lùm lùm mang bầu đứa con thứ hai, chiều nào cũng ra ngoài bờ sông với thằng em chồng ngóng…trời mây sông nước.

-       Vậy sông Cái giống chị, còn sông Đực giống anh Hai?

Chị dâu tôi thở dài không trả lời.

Tụi con nít chúng tôi hồi đó gọi những con kênh, con rạch dẫn ra sông là con của sông Cái. Sông Cái có hàng trăm đứa con ngoằn ngoèo mọc ra từ thân mình rồi lại tiếp tục chia năm chia bảy miệt mài chạy về đâu chẳng rõ. Vì không có con sông nào là sông Đực nên mặc nhiên sông Cái trở thành không chồng mà lại có con.

Chị dâu tôi có phước hơn sông Cái. Chị có chồng đàng hoàng, chồng chị là anh Hai của tôi. Nhưng bây giờ tôi lại thấy chị Hai sao giống  con sông Cái chảy qua trước nhà quá chừng.

Chị dâu tôi quê gốc ở Bến Tre theo mẹ xuống xứ tận cùng của con sông Cửu Long lập nghiệp. Ban đầu gia sản của mẹ con chị chỉ là một chiếc ghe hàng bông, cứ mỗi trưa chiếc ghe hàng bông của mẹ con chị lại chèo ngang trước mặt nhà tôi. Phải nói là chị có giọng rao ngọt như đường phèn: Ai bí rợ, khoai lang, khóm, đu đủ, rau cải hôn…Cũng vì cái giọng ngọt như đường phèn này mà anh Hai tôi mới mười bảy tuổi đã chết mê chết mệt. Hôm nào ghe hàng bông chèo ngang nhà, anh cũng kiếm chuyện chạy xuống bến để ngó. Bầu bí, khoai lang, khóm…thì có gì mà để ngó, cho nên tôi rành sáu câu: anh ngó chị!

Lúc ấy tôi chừng bảy tám tuổi, nên nhớ áng chừng. Ngày đám cưới của anh, tụi con nít trong xóm cứ đứng trước cửa rạp la ông ổng: Anh Hai Thông/ cưới chị hàng bông!

Cái thẹo trên trán tôi chính là hậu quả của trận đánh lộn với tụi nó trong ngày đám cưới của anh.

Con Quyên chào đời sau đám cưới hơn một năm. Tên Quyên của nó có một phần “công” gợi ý của tôi. Anh Hai tôi tính qua loa đại khái. Lúc ẵm đứa con gái đầu lòng từ nhà bảo sanh về, chị Hai tôi thủ thỉ:

-       Mình đặt tên con là gì hả anh?

Anh Hai tôi lúc này đã sần sần tiệc ăn mừng “lên chức” cha, gãi đầu sồn sột:

-       Thì tên gì cũng được, đặt tên là Bé Hai đi!

Tôi phản đối ngay lập tức:

-Tên bé Hai xấu hoắc, đặt tên Quyên đi!

-Mắc giống gì đặt tên Quyên? – Anh Hai tôi vặn lại.

-Thì tui nghe mợ Chín ru con như vầy: Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ người dưng khác họ sao đem lòng nhớ thương. Tên Quyên nghe hay hơn Bé Hai nhiều – tôi phân trần.

-Mày đúng là nhiều chuyện, Quyên thì Quyên nhưng mà sau này nó không ăn trái nhãn lồng là mày biết tay tao.

Vậy là xong cái tên đứa con gái, anh Hai tôi lăn ra ngủ khì.

Lúc con Quyên được ba tuổi, anh Hai tôi sanh tật. Cứ chiều tối lại thả đi đâu đó tới khuya lơ khuya lắc mới về nhà. Lúc ấy cả xóm mới có một chiếc tivi đen trắng đằng nhà bà Bảy Mập. Cứ trời vừa sụp tối là thanh niên nam nữ lại tụ tập ở trước sân nhà bà Bảy Mập để coi tivi, nhất là tối thứ bảy vì có cải lương. Khoái nhứt là tuồng nào có Minh Vương, Lệ Thủy thì y như rằng mấy bà già chặm nước mắt vô ống quần đến ướt nhẹp. Anh Hai tôi không thích coi cải lương nhưng đến thứ bảy lại đến ngồi trước để chờ. Mà chờ ai? Tôi biết rõ anh chờ Thùy Dung, con gái của bà Bảy Mập. Thùy Dung trạc tuổi anh tôi nhưng tại ghét cái tật điệu của nó nên đánh chết tôi cũng không kêu nó bằng “chế”. Tới thứ bảy nào nó cũng ngồi trong buồng để bôi trét son phấn lên mặt suốt thời gian tin thời sự cho đến lúc có cải lương mới bước ra khỏi buồng. Mắc giống gì chỗ ngồi rộng rinh không chịu ngồi mà lại vẹo tới vẹo lui chen vô ngồi sát rạt chỗ anh Hai. Tới đoạn đau khổ khóc lóc trên tivi thì ở dưới này nó cũng khóc lóc sướt mướt dụi mặt vô áo của anh Hai. Mùi son phấn của nó có cách đến chục công đất tôi còn ngửi được chớ nói gì đến chị Hai tôi.

Anh Hai Thông duy trì cảnh một kiểng hai quê tới chị dâu tôi vừa mang bầu đứa con thứ hai thì quyết dứt áo bỏ nhà đi với con Thùy Dung. Tôi nhớ bữa đó gió chướng, nước lớn dữ lắm, bìm bịp kêu rộ lên cả một khúc sông. Tôi đang ở truồng phóng đùng đùng từ nhánh mắm chìa ra ngoài sông cùng với tụi nhỏ trong xóm thì thấy tàu đò ghé bến trước nhà bà Bảy Mập, rồi từ trong nhà tôi thấy con Thùy Dung bước xuống đò trước, sau đó thì anh Hai tôi xách chiếc cặp da quen thuộc bước theo sau. Tôi khản cổ gào lớn:

-Anh Hai đừng đi, chị Hai dặn trưa về ăn cơm đó, có cá trô kho trái giác!

-Chị Hai mày có kho với gan rồng anh Hai mày cũng bỏ nhà đi theo bà Dung chứ đừng nói kho với trái giác! – Tụi nhỏ cười rần rần và khoát nước vào tôi tung tóe.

Anh tôi cũng có bịn rịn đôi chút, trước khi chui vô khoang tàu, anh còn ngoái lại phía sau nhìn một lượt như muốn thâu tóm hết cảnh vật nơi bến sông trước nhà mình. Gốc mắm cổ thủ sần sùi chi chít những vết thẹo mà có thời anh đã dựa lưng vô đó đến láng bóng để chờ chiếc ghe hàng bông của mẹ con chị. Nhánh bần ổi xòa sát mặt nước có lần anh lặn núp trong đó giả bộ chết hụt làm chị Hai tôi sợ xanh mặt, khóc bù lu bù loa…

Nhưng bao nhiêu đó có ăn thua gì đâu, anh đã mất hút vào trong khoang tàu, bỏ xứ ra đi với con Thùy Dung. Mùi cá rô kho trái giác lúc này làm sao đủ sức níu chân anh so với mùi son phấn ngạt ngào của con gái bà Bảy Mập.

-Có kêu anh Hai về ăn cơm không Út? – Chị Hai tôi lúi húi bớt lửa ơ cá kho đằng sau bếp.

-Kêu rồi, ổng không về đâu! – Tôi vùng vằng.

-Trời, sao trần truồng vậy? Quần áo đâu hết trơn rồi? – chị Hai tôi  ngẩng đầu lên.

-Ổng bỏ nhà đi với con bà Bảy Mập rồi, ở đó mà còn lo cơm nước với quần áo! – Nói đến đây tôi không còn cầm lòng được nữa, mặc kệ bộ dạng của mình với cái quần cụt vắt quên ở nhánh mắm ngoài mé sông, tôi nằm lăn ra nền nhà khóc tức tưởi. Vừa khóc vừa rủa bà Bảy Mập sanh ra con Thùy Dương làm chi để nó dụ dỗ anh Hai tôi bỏ nhà đi, bỏ con Quyên cù bơ cù bất, và bỏ cả ơ cá rô kho trái giác của chị Hai nấu…một mình tôi làm sao ăn hết?!

Tôi khóc lóc gào thét đến nỗi quên nhận ra rằng ơ cá kho đã bể tan tành dưới chân chị dâu tôi tự lúc nào.

Kể từ đó trở đi, gốc mắm ở bến sông trước nhà lại có thêm má con của chị Hai tôi bầu bạn. Khi nào xuống bến, chị cũng tựa người vào chính cái chỗ của anh trước kia và nhìn mông lung ra ngoài sông, thỉnh thoảng lại khe khẽ thở dài khi nhìn xuống chiếc bụng đang ngày càng cao dần.

Ba mẹ con chị và tôi – thằng em chồng cứ như cây cọc cắm xuống bến sông này chờ anh – chiếc xuồng lãng tử không biết giờ đang trôi dạt tận khúc sông nào. Ngày nào tôi cũng ra bến sông mong được nhìn thấy anh bước lên bờ từ chiếc tàu đò và trong nhà, chị dâu tôi sẽ bắt vài con cá rô rộng trong khạp đem mần kho trái giác. Tôi thèm đến đứt ruột vì từ khi anh đi đến giờ, chị dâu tôi chưa một lần nấu lại món này.

Chị dâu chờ anh Hai tôi từ khi tóc còn xanh đến lúc trên đầu điểm bạc rồi bạc trắng, chờ từ lúc con Quyên mới chập chững biết đi đến lúc nó đi lấy chồng, thằng con trai của chị cũng lấy vợ rồi ở xa, chờ từ khi bến sông này còn rậm rì dừa nước, cây cối đến khi nó trở thành bến lở tan hoang. Mặc kệ chuyện đời dâu bể, chị vẫn cứ chờ. Khi cây mắm già cỗi ngã đùng xuống sông, chị lại trồng vào đó một cây mắm khác “ để anh Hai của chú biết đường mà về nhà”. Nhưng bến mỗi ngày một lở nên khi chị vừa trồng xong cây mắm con thì đến chiều sóng đã cuốn phăng nó đi mất. Để đến ngày hôm sau, chị lại lọ mọ ra bến lặp lại công việc trồng lại cây mắm ngay chổ cũ!

Nhiều hôm đến chiều tối vẫn chưa thấy chị Hai tôi trở lên, con Quyên tất tả chạy xuống bến thì thấy chị vẫn còn ngồi thừ ở đó. Lôi kéo dữ thì chị giận đánh con Quyên túi bụi rồi nói: Tao chờ ba mày, chừng nào bìm bịp kêu mới vô nhà!

Bìm bịp kêu là nước lớn, là cữ tàu đò về cuối cùng trong ngày. Đó là trong trí nhớ hồi năm xửa năm xưa của chị chớ bây giờ chỉ có tàu cao tốc phóng ào ào, tung sóng trắng xóa. Còn vụ bìm bịp kêu nữa, cả khúc sông này làm gì còn con bìm bịp nào mà chị chờ để nghe tiếng kêu của nó, tìm con bìm bịp thì tìm trong mấy hũ rượu thuốc may ra.

-       Ba về mười mấy năm nay mà má còn chờ gì nữa? – Cuối cùng con Quyên phải nhờ đến tôi để phụ nó cõng chị lên nhà – Không tin, má hỏi chú Út coi phải không?

Thực ra anh Hai Thông đã về nhà từ lâu sau khi chị dâu tôi sanh đứa con trai được vài năm. Thùy Dung không về theo cùng anh. Theo lời bà Bảy Mập kể thì con gái bà bỏ anh tôi để đi lấy chồng Đài Loan gì đấy. “ Mà thằng chồng Đài Loan của nó dữ dằn lắm nghen mậy, nghe đâu là dân xã hội đen có máu mặt nhưng giàu nứt đố đổ vách, bởi vậy con Dung mới gửi tiền về cho tao xài không hết!”.

Nghe bà Bảy Mập khoe con rể mà tôi giận sôi gan nên nhảy vô chen ngang:

-       Ờ phải rồi, tiền xài không hết  bà mới mua đường về ăn thay cơm nên bây giờ bị đái đường.

Mấy lần bà Bảy Mập rượt tôi chạy vắt giò lên cổ.

Chuyện Thùy Dung lấy chồng Đài Loan không biết thật hay giả nhưng chuyện thằng con rể của bà Bảy Mập là dân xã hội đen thì không một ai mảy may nghi ngờ, vì anh Hai tôi trở về trong bộ dạng thân tàn ma dại là do thằng này thuê người tạt a xít làm cả khuôn mặt anh Hai tôi biến dạng khủng khiếp. Đến mức lúc anh vừa bước vô nhà chưa dứt tiếng “ Em ơi anh về rồi nè” thì chị Hai tôi đã lăn đùng bất tỉnh.

Đến khi tỉnh dậy thì chị đã hóa ra người ngớ ngẩn. Chưa lần nào chị tin người đàn ông có gương mặt khủng khiếp đang ở trong nhà mình kia là anh Hai tôi – chồng của chị. Mà chồng của chị còn đang ở đâu đó, chỉ sửa soạn về, miễn là chị chịu chờ mỗi ngày ở ngoài bến sông và tiếp tục trồng một cây mắm vào chỗ cụ.

Ngày chị dâu hấp hối chị còn dặn con Quyên đừng trang điểm gì cả “kẻo ba mày về nhận không ra”. Chị con dặn nó “nhớ bới tóc củ tỏi cho má, ba mày thích vậy!”. Anh Hai tôi quỳ gối bên chị khóc như con nít thì bị chị một hai đẩy ra bảo: “Tui là gái đã có chồng, có con rồi, chồng tui về ảnh mà thấy là ảnh đánh anh chết bây giờ!”. Cuối cùng chị dâu ngoắc tôi lại căn dặn: “Út nhớ, khi nào anh Hai về nhớ kêu chị thức dậy nấu cá rô kho trái giác cho ảnh ăn, anh Hai của chú thích món đó lắm!”.

Vậy là chị Hai tôi nhắm mắt ra đi với cuộc chờ đợi còn dang dở của mình.

Vậy là con sông Cái chưa bao giờ tìm gặp con sông Đực, cho đến tận bây giờ.

Nguyễn Huy Cường

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo