90 năm thành lập Đảng: Những kỳ tích của lịch sử (phần 1)

(VOH) - 90 năm, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, để lại những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn quý báu.

Đã qua gần hết một thế kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió, đấu tranh giành được độc lập, tự do cho tổ quốc cũng như bảo vệ vững chắc, xây dựng và phát triển đất nước trở nên tươi đẹp như ngày nay. Đó chính là những  kỳ tích mãi mãi ghi vào lịch sử của Đảng, Việt Nam. 

Cách mạng tháng 8

Ngày 19/8/1945 các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu).

Trải qua chặng đường lịch sử gần một thế kỷ từ khi Đảng ta bắt đầu "phôi thai" đến khi thành lập, xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách với những mốc son chói lọi để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử của dân tộc. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đến xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ trong hòa bình.

Những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân ta làm nên dưới sự lãnh đảo của Đảng đó là Cách mạng Tháng Tám 1945, 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) và 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cách mạng tháng Tám được coi là cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu từ phong trào Việt Minh rồi lan rộng toàn quốc chống lại đội quân phát xít Nhật, buộc Nhật phải bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương cho ta. Tháng 8/1945, nhận định thời cơ ngàn năm có một đã đến, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trên cả nước với tinh thần "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, từ Hà Nội đến Huế và Sài Gòn cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi và lan ra trong phạm vi cả nước, dẫn đến ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Có thể nói Cách mạng tháng Tám 1945 là một mốc son chói lọi nhất, là thành quả hơn 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập nên Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời.

Sau Cách mạng tháng 8, những tưởng nước nhà đã độc lập thoát khỏi ách đô hộ phát xit Nhật thì thực dân Pháp, từ lâu đã có ý đồ xâm lược nước ta, trở lại Đông Dương. Nhà nước mới thành lập còn non trẻ lại bắt đầu cuộc chiến chống quân xâm lược.

Uỷ ban Quốc phòng Pháp quyết định đưa 6 vạn quân sang Đông Dương khởi đầu vào ngày 23/9/1945, quân Pháp gây hấn đánh chiếm Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bắt đầu. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ bằng cách nhiều trì hoãn cuộc chiến tranh để ta có thời gian củng cố lực lượng qua các cuộc hoà đàm với Pháp qua Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt-Pháp (15/9/1946).

Nhưng chiến tranh không thể tránh khỏi.

Sau thời gian chuẩn bị, với tinh thần  “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đêm 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cả nước đứng lên kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm với biết bao hy sinh gian khổ của quân và dân qua các chiến dịch như Việt Bắc, Biên giới, Đông Xuân rồi chiến dịch Tây Bắc - Thượng Lào, chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Hòa Bình và đến tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chiều ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sau 3 đợt tiến công, 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quyết liệt, mưu trí, sáng tạo, cuối ngày 7/5, quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch 16.200 tên, trong đó có tướng Đờ-Cát-tơ-ri. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đây là trận chiến thắng chiến lược góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Navare và làm sụp đổ ý chí xâm lược của thực dân Pháp dẫn tới thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tưởng rằng hòa bình đã đến sau cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm được kết thúc bằng hiệp định Genève (20/7/1954). Theo Hiệp định Geneve, sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp, nhảy vào tổ chức, chỉ huy ngụy quyền, ngụy quân, viện trợ kinh tế quân sự, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta.

Cả nước lại bước vào chiến đấu chống xâm lược mới, thực dân mới.

Có thể nói cuộc kháng chiến chống Mỹ trải qua 5 giai đoạn chiến lược  là cuộc chiến đấu ác liệt nhất, gian khổ, cam go nhất trong thế kỷ qua. Ở miền Nam vừa tiến công địch với các cuộc chiến tranh cục bộ thì miền bắc XHCN vừa xây dựng vừa phải chống trả các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ cho đến khi  Mỹ phải ký hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, rút hết quân về nước.

Từ đó, quân dân ta đã tạo thế, tạo lực và thực hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ .

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chiến dịch tiến công vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi chọc thủng và đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định của địch, ngày 26/4, 5 cánh quân ta tiến vào Sài Gòn. Sáng 30/4, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô, 10 giờ 45 phút, ngày 30/4, xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập, tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi hoàn toàn kết thúc 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

giải phóng sài gòn

Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4

Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chiến thắng làm nức lòng bè bạn năm châu, Việt Nam "vụt sáng" trên toàn thế giới với một tinh thần bất khuất quyết giành độc lập cho tổ quốc.

Trong trận chiến đấu với đế quốc Mỹ, qua năm đời tổng thống, đã huy động 6 triệu lượt binh sĩ Mỹ, chi phí cho cuộc chiến Mỹ đã chi 352 tỉ USD, ném xuống Việt Nam 7.8 triệu tấn bom, hàng chục triệu lít chất độc khai quang, sử dụng những loại vũ khí, kỹ thuật mới nhất tiên tiến nhất lúc đó nhưng vẫn chịu thất bại. Một việc chưa từng có trong lịch sử lập quốc của nước Mỹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hoàn thành thắng lợi. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài gần thế kỷ, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - cả nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên CNXH, đồng thời tạo điều kiện cho cách mạng Lào và cách mạng Campuchia giành thắng lợi quyết định, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vượt qua những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, những gian khổ, khó khăn tưởng chừng không thể nhiều hơn nữa, cam go hơn nữa, đất nước được độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chưa kẻ thù nào mà không vượt qua được từ thực dân, phát xít cho đến đế quốc.

Những dấu ấn đó mãi mãi không thể nào phai nhạt trong lịch sử cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thế nhưng, cuộc đấu tranh của những người cộng sản chưa bao giờ kết thúc.

Hòa bình lập lại nhưng còn muôn vàn khó khăn trong kiến thiết đất nước, chăm lo đời sống cho người dân, những mối đe dọa cho độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc còn đó. Đảng lại tiếp tục con đường đã vạch ra của mình lãnh đạo quân dân ta vừa bảo vệ, vừa xây dựng tổ quốc…

(còn tiếp)