Cần Kiệm Liêm Chính: Tứ đức của người cán bộ

(VOH) - Năm 1949, Bác viết tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” với 4 bài trên báo Cứu Quốc, Bác đã coi là “tứ đức” là nền tảng của đời sống mới, cũng là yêu cầu đặt ra cho cán bộ ngày nay.

Theo Bác, luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Giản dị mà khúc chiết, Người khẳng định:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người

Theo Bác nội hàm của từng đức hiểu như sau :

“Cần” là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng liên tục, khi đã chuyên cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Hiểu đúng về Cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục.

“Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi và không phải là bủn xỉn hay nói khác đi là không lãng phí. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “Kiệm” mà không “Cần” thì không tăng thêm, không phát triển. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời gian, bởi của cải còn có thể làm ra. Khi thời gian qua, không bao giờ kéo nó trở lại được.

“Liêm” là trong sạch, không tham lam tiền, của. Các hành vi dẫn đến tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là “bất Liêm”. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, Vì xa xỉ mà sinh tham lam, tham lam sẽ dẫn đến bất Liêm, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

Cuối cùng trong tứ đức là Chính. “Chính” có nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.

“Cần, Kiệm, Liêm là gốc của Chính".

Như một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người cán bộ hoàn toàn mẫu mực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tiếp: “Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ. Việc Chính và việc Tà. Làm việc Chính là người Thiện. Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác".

Những điều Bác viết về “Cần kệm Liêm Chính” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi của Người về sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. Bác nói để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi người phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải thường xuyên rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” vì “thiếu một đức, thì không thành người".

Khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: "Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính".

Cần Kiệm Liêm Chính là tứ đức của người cán bộ

Cán bộ phải nhất thiết phải thực hành chữ Liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”.  Với ý nghĩa đó, muốn là một cán bộ liêm chính thì đối với mình, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.

Nếu người cán bộ không tu dưỡng đạo đức cách mạng, không gương mẫu thực hành liêm chính thì không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Vì thế, thực hiện liêm chính, thường xuyên rèn luyện đức liêm chính không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện “tứ đức” của người cán bộ mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng.

Sự tu dưỡng, rèn luyện đức liêm chính sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức cách mạng, giàu đức hy sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Đức liêm chính của một người đối lập với một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: địa phương cục bộ, chỉ chăm chút và vun vén cho địa phương hoặc bộ phận mình phụ trách mà không nghĩ tới toàn cục, đến lợi ích chung, gây tổn hại đến lợi ích chung; Luôn có đầu óc hẹp hòi, cánh hẩu, lợi ích nhóm, chỉ luôn “dễ” mình và những người cùng phe nhóm mình và “khó” với những người không “cùng hội cùng thuyền với mình” dù đó là người tài, người tốt. Quan liêu và tham ô, tham nhũng, làm trái phép nước, coi thường pháp luật,... Đó là những biểu hiện không còn liêm chính.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn liêm chính, “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và năng lực công tác".

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ, phòng và chống tham ô, tham nhũng, quan liêu nói riêng được đẩy mạnh. Tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ đã gắn việc rèn luyện "cần, kiệm, liêm, chính" với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Trong nội dung đăng ký học tập Bác hằng năm, mỗi cán bộ ở các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng đã căn cứ theo 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để rèn luyện và tự sửa mình, nâng cao bản lĩnh chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ giữ trọng trách cao suy thoái về đạo đức, lối sống.

cần kiệm liêm  chính

Với những "con sâu bất liêm, bất chính”, những gì mang lại lợi ích cho mình, phe nhóm mình là quan trọng nhất chứ không phải là lợi ích chung của Đảng, của nhân dân. Thậm chí, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm để trao đổi, mua bán, ban phát, trục lợi, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc cho mình và phe nhóm mình, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân...

Những thói hư, tật xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu các đơn vị nói riêng bị tha hóa và suy thoái này đã dẫn đến tình trạng cánh hẩu, cát cứ, phe nhóm lợi ích, địa phương chủ nghĩa theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, hành xử theo lối nói một đằng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm.

Những biểu hiện suy thoái của họ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ xâm hại lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khi quán triệt nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã nhận xét: “Những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong bộ máy là nhóm thế lực thù địch không khó để nhận ra nhưng rất khó đấu tranh”.

Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự bất liêmbất chính của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ có chức quyền lạm dụng, trục lợi từ quyền lực, Đảng cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tham ô, tham nhũng trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Đến nay giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao của tứ đức “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” theo lời dạy của Bác là yêu cầu tất yếu mà mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Đồng thời, đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân loại, đánh giá quá trình phấn đấu của mỗi người trong công tác và sinh hoạt đời thường. Với ý nghĩa đó, việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” những năm qua đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trước thềm đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: “Kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, cho sang, để vinh thân phì gia mà là để cống hiến, hy sinh, vì dân, vì nước.”

Công tác tuyên giáo phải có sự đổi mới trong thời đại 4.0 (VOH) - Chiều 17/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.