Chín năm giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ: những giá trị vận dụng cho hôm nay

(VOH) - Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam bộ (1945-1954) với thành quả và kinh nghiệm của Sở Giáo dục Nam bộ là nội dung tọa Đàm do Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM tổ chức sáng nay 7/9.

Tọa đàm do bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Dương Thế Trung, phó ban Tuyên giáo Thành Uỷ; ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ đồng chủ trì.

Quang cảnh toạ đàm.

Phát biểu đề dẫn ông Dương Thế Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy ôn lại truyền thống và sự ra đời của Sở Giáo dục Nam bộ.

Sau Cách mạng tháng 8/1945 tại Việt Nam cũng như Nam bộ nói riêng có đến 90% người dân mù chữ. Trong bối cảnh đó, vào tháng 8/1947, Sở Giáo dục Nam bộ và Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ được thành lập, ban đầu đặt tại Đồng Tháp sau đó chuyển về Tây Nam bộ. Cùng với Sở Giáo dục, Viện Văn hóa kháng chiến được thành lập có nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu xây dựng nền văn hóa mới, tuyên truyền nền văn nghệ tiến bộ, xây dựng văn hóa mới, nghiên cứu nội dung và phương pháp giảng dạy các môn  học…

Đã có 8 tham luận phân tích những chủ trương, quan điểm, phương châm sâu sắc của Bác Hồ, Trung ương đảng, Xứ ủy Nam bộ với nhiệm vụ quét sách tàn tích văn hóa nô dịch, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, những thành tựu kinh nghiệm của công tác giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các tấm gương tận tụy cống hiến của các thầy cô giáo tiêu biểu ở Nam bộ và vận dụng  kinh nghiệm của sự nghiệp giáo dục thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo  hiện nay.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy cho biết, Ban tổ chức nhận được 101 tham luận đánh giá sâu sắc, trung thực, khách quan, có giá trị thực tiễn lẫn lý luận, khẳng định vị trí, vai trò, công lao của sở trong sự nghiệp kiến quốc của Nam Bộ.

Chủ trì hội thảo bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám  đốc Sở Giáo dục Nam bộ; ông Dương Thế Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.  

Đến năm 1952, toàn Nam bộ có gần 3 triệu người thoát nạn mù chữ, 20% số này đã qua lớp dự bị bình dân (lớp 3). Có một tỉnh là Gia Định đã thanh toán nạn mù chữ.

Sở Giáo dục Nam bộ đã chủ động sáng tạo phát triển bình dân học vụ, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống trường trung học, tiểu học bình dân thuộc Ty Giáo dục. Qua đó, Sở đã đào tạo được thế hệ cán bộ có học thức, kiên trung, sáng tạo và luôn luôn gắn bó với đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh  đạo và tham gia kháng chiến trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người trong đó trở thành cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều học viên của Nam bộ tập kết ra Bắc, được cử ra nước ngoài tiếp tục học tập, nghiên cứu để trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu, lãnh đạo của đất nước sau này.

Qua 9 năm, Sở Giáo dục Nam bộ đã xây dựng chương trình giáo khoa bằng tiếng Việt, khởi động bộ máy cho các tỉnh, bồi dưỡng lực lượng, đào tạo giáo viên, các lớp sư phạm cấp tốc; đào tạo gần 600 giáo viên bổ túc văn hóa, giáo viên tiểu học và làm công tác quản lý ở các Ty giáo dục.

Sự nghiệp đó cần tôn vinh những tấm gương tận tụy cống hiến cũa các thầy cô giáo và tri ân sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân như tấm gương của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Kỳ, Trần Văn Hanh… và nhiều tấm gương hy sinh khác đã xây dựng nền giáo dục mới, giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ.

Các tham luận tại hội thảo đã rút ra kinh nghiệm công tác giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và vận dụng vào trong nền giáo dục đào tạo hiện nay đó là xác định mục đích của người dạy và người học từ đầu một cách rõ ràng… học là để phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, các tham luận chỉ ra nguyên nhân thành công của giáo dục Nam bộ là nhờ làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mới, tức là xác định đúng đắn mục tiêu học tập: “Học để làm người, làm cán bộ. Học để phục sự giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

Sở Giáo dục Nam bộ đã xác định mục tiêu học tập là để “phục vụ kháng chiến” theo phương châm: “học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với sản xuất, chiến đấu và dận vận”. Nhờ vậy, có nhiều gương dạy tốt, học tốt, xây dựng được quan hệ thầy trò vừa tình thương vừa kỷ cương hòa quyện vào nhau, tình bạn học cùng trường gắn bó keo sơn.

Một kinh nghiệm khác được rút ra là giáo dục tinh thần tự làm chủ của người học sinh. Đây là giá trị lớn được nhận thức sâu sắc, quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam, tự chủ sáng tạo để tiếp nhận tri thức, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.