Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Đầu tư mạnh cho sản xuất nông nghiệp

(VOH) - Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đây là những định hướng rất đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào để vượt qua những khó khăn thách thức để tái cơ cấu hợp lý và có những bước đi thích hợp lại là câu chuyện đáng bàn. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh có những đóng góp xung quanh vấn đề này:

"Nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, đạt mức tăng trưởng cao và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ trước đến nay, nông nghiệp luôn được khẳng định có tầm quan trọng và thậm chí trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế cả nước và là nền tảng cho công nghiệp dịch vụ phát triển.

Trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng. Mặc dù, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về trình độ và quy mô, nhưng theo xu hướng phát triển chung của các nền kinh tế tiên tiến, khi kinh tế phát triển thì tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp sẽ thu hẹp, đóng góp của công nghiệp và dịch vụ sẽ gia tăng và đó cũng là mục tiêu của cơ cấu lại nền kinh tế cả nước.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu….

Tôi cho rằng, đó là những định hướng rất đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào để vượt qua những khó khăn thách thức để tái cơ cấu hợp lý và có những bước đi thích hợp lại là câu chuyện đáng bàn.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước phát triển quan trọng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao hơn và đáp ứng được yêu cầu mới, Văn kiện Đại hội XIII cần chỉ ra những cơ hội cũng như nguy cơ, thách thức ngành nông nghiệp Việt Nam gặp phải trong hiện tại và tương lai, nhất là vấn đề toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Tiếp đó, Chính phủ cần xây dựng các chiến lược, giải pháp thích hợp cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó cần:

- Xây dựng được nhiều vùng chuyên canh với những loại nông sản, đặc sản đa dạng, phong phú. Những loại nông sản, đặc sản của Việt Nam không chỉ nhân dân trong nước yêu thích, mà còn được rất nhiều nước trên thế giới đón nhận.

- Ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mỗi địa phương dựa vào lợi thế đặc thù của mình để xây dựng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp.

- Xóa bỏ tâm lý tự ti, tiểu nông, nông dân sản xuất theo hướng kinh tế thị trường, tức là sản xuất cái thị trường cần chứ không sản xuất cái mình muốn có.

- Việc hình thành các tập đoàn nông sản mạnh là rất cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế như hiện nay. Hình thành các tập đoàn nông sản mạnh giúp cho nông sản Việt Nam có thể ổn định và phát triển được thị trường trong nước cũng như đủ sức cạnh tranh với nông sản quốc tế”.