Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Nhiều điểm mới trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện

(VOH) - VOH phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương về những điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Dự thảo các các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này có nhiều điểm mới không những góp phần nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện mà còn thể hiện sự nhanh chạy của Bộ Chính trị trước những vấn đề lớn của đất nước.

Xung quanh những điểm mới nổi bật trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Phóng viên Minh Phước có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký - kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương về những điểm mới, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đề ra trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

nguyễn viết thông
PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

* VOH: Thưa ông, trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ông quan tâm vấn đề nào nhất?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Đại hội XIII này so với Đại hội XII có thêm 2 văn kiện, một là báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030; Hai là có báo cáo về công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng khóa XII. Đó là 2 văn kiện mới bổ sung thêm so với đại hội XII.

Trong 4 văn kiện ấy thì tôi quan tâm đến báo cáo chính trị vì đây là báo cáo trung tâm của đại hội, còn các báo cáo về kinh tế và báo cáo về công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề. Còn trong báo cáo chính trị lần này có 15 mục lớn.

Để trả lời cho câu hỏi tôi quan tâm đến vấn đề nào nhất thì trong báo cáo chính trị, tôi quan tâm đến quan điểm chỉ đạo, thứ hai là mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Vấn đề thứ hai tôi rất quan tâm đến trong báo cáo chính trị, đó là mục về công tác xây dựng Đảng và thứ ba là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ khóa XIII và các đột phá chiến lược. Nếu trong báo cáo chính trị thì tôi quan tâm đến 3 điểm ấy và tâm đắc nhất.

* VOH: Ông nhận thấy tinh thần đổi mới trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII thế nào?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có rất nhiều điểm mới, kể cả khi đặt vấn đề xây dựng văn kiện, kể cả quá trình đi khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học… và có điểm cho thấy Đảng ta rất nhanh nhạy, kịp thời.

Đó là các dự thảo văn kiện khi xin ý kiến các cấp thì được thông qua tại Hội nghị 11 vào tháng 10/2019 nhưng khi bước sang năm 2020 đại dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới và cả Việt Nam, nó tác động mạnh đến nước ta gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế xã hội và sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã kịp thời chỉ đạo các tiểu ban cập nhật tình hình và lắng nghe ý kiến bước đầu các các tổ chức đảng, các nhà khoa học, chuyên gia.

Các tiểu ban đã khẩn trương cập nhật tình hình, trình Đại hội Trung ương XIII, so với Đại hội trước đây cũng là cái mới. Các Đại hội trước thì bản toàn văn xin ý kiến đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương, dùng bản đó để xin ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, lần này do Covid-19 nên Bộ Chính trị đã chỉ đạo sau Hội nghị Trung ương XIII thì đã hoàn thiện lại vào ngày 20/10/2020, Bộ Chính trị đồng ý gửi toàn văn dự thảo các văn kiện đã tiếp thu hội nghị Trung ương XIII để xin ý kiến nhân dân.

Bản xin ý kiến nhân dân này so với bản xin ý kiến Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương thì đã có những bổ sung, phát triển, thể hiện tính nghiên túc trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện. Hay nói cách khác đó cũng là điểm mới trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII tới đây.

* VOH: Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, ông có đóng góp gì với những gì mà dự thảo văn kiện đã đề ra?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Báo cáo chính trị lần này như tôi nói không chỉ xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ giải pháp cho 5 năm, mà còn đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 10 năm tức là đến năm 2030 – năm chúng ta kỷ niệm 100 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và tầm nhìn đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đây cũng là điểm mới trong dự thảo báo cáo chính trị lần này, dựa trên định hướng này, báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế xã hội là báo cáo chuyên đề cụ thể hóa 12 định hướng đã được lưu trong dự thảo báo cáo chính trị. Tôi thấy rằng 12 dự thảo này thể hiện tầm quan điểm, trên cơ sở đó báo cáo chiến lược xác định nội dung cụ thể.

Trong 12 định hướng phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 thì tôi quan tâm nhiều đến định hướng thứ 12 đề cập đến vấn đề nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn. Như chúng ta đã biết trong cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 lần đầu tiên Đảng ra đã khát quát thành 8 mối quan hệ lớn, đó là đại hội XI trong cương lĩnh 2 bổ sung phát triển năm 2011.

Đến đại hội XII thì Đại hội đã bổ sung mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, đồng thời đã điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, thành mối quan hệ tuân theo các quy luật của thị trường, và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Tôi cho đây là vấn đề rất lớn cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng cho sát với thực tiễn.

* VOH: Theo ông, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng là gì?

- PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Như chúng ta đã biết Đại hội XII cũng xác định 6 nhiệm vụ trong tâm cho cả nhiệm kỳ. Lần này dự thảo Đại hội XIII cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. Về cơ cấu có thay đổi so với Đại hội XII, ở Đại hội XII nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và nhiệm vụ trọng tâm thứ hai nói về xây dựng Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị. Còn dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII thì phần xây dựng đảng, nhà nước, hệ thống chính trị và cán bộ hội thì ghép thành một nhiệm vụ trọng tâm, và thêm nhiệm vụ trọng tâm về vấn đề quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… đây là vấn đề bức xúc hiện nay.

Thứ hai, nội hàm của 6 nhiệm vụ trọng tâm cũng có cái mới so với đại hội XII, nó xác thực vào nhiệm vụ của 5 năm tới.

Về đột phá chiến lược, thì như chúng ta biết Đại hội XI đề ra 3 đột phá chiến lược, giờ phút này mới thực hiện 10 năm, chúng ta cũng mới đạt được kết quả bước đầu, còn phải thực hiện đột phá chiến lược này một thời gian dài nữa. Lần này để sát với 5 năm, thì báo cáo chính trị cũng đã cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XI đề ra, Đại hội XII tiếp tục khẳng định cho phù hợp với 5 năm.

 * VOH: Xin cám ơn ông.