Hội nghị BCH TW7: Phòng chống tham nhũng từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất

(VOH) - Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương lần thứ 7 khóa 12 bế mạc với nhiều nội dung quan trọng trong đó có công tác tổ chức cán bộ nhằm phòng chống tham những,xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.

Có thể nói đây là hội nghị quan trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm về những nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị. Trong đó, Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một đề án quan trọng, mang tính thời sự trước thực trạng về công tác cán bộ hiện nay.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, lời dạy của Bác trong bao nhiêu năm qua vẫn giữ nguyên giá trị. Bác đã chỉ rõ cán bộ là gốc của mọi việc, việc thành hay bại của cách mạng đều xuất phát từ cán bộ. Ngày nay, vai trò của người cán bộ lãnh đạo ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Hội nghi  Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII.

Công tác tổ chức cán bộ là công tác đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác này những năm qua đã bị buông lỏng dẫn tới thực trạng nhiều cán bộ được bổ nhiệm không đủ phẩm chất, năng lực, thậm chí có cả đối tượng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người nhà, “cánh hẩu” vào những vị trí quan trọng…

Cán bộ có thực tài, cán bộ có tâm, có tầm vẫn chưa được đặt đúng vị trí. Công tác cán bộ có nơi còn cục bộ địa phương, Đặc biệt là nạn chạy chức,chạy ghế là nỗi nhức nhối trong công tác tổ chức cán bộ. Ai cũng nói, ai cũng biết nhưng thật khó để mà chỉ rõ địa chỉ của loại tiêu cực “chạy chức chạy quyền”.

Trong bổ nhiệm cán bộ còn nhiều điều tiếng, Nhiều người thân trong gia  đình ở cùng trong ban chấp hành, ở trong cùng huyện, vợ đảm nhiệm chức vụ của chồng khi chồng chuyển đi, con các lãnh đạo cao cấp được bổ nhiệm thần tốc dù chưa đủ điều kiện.

Những trường hợp thân quen, cánh hẩu được bổ nhiệm bất kể dư luận và luôn luôn được núp dưới cái tên làm “đúng qui trình”. Những tiêu cực trong công tác cán bộ nầy rất nhức nhối, khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn. Hay nói khác đi sẽ làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng.

Thực trạng đó đã cho thấy công tác cán bộ những năm qua đã có những hạn chế nhất định mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có lần làm việc với Ban Tổ chức Trung ương cuối nhiệm kỳ trước đã đặt ra “chúng ta phải thẳng thắn với nhau”  về có hay không nạn chạy chức chạy quyền.

Nguy hiểm hơn cũng theo Tổng Bí thư, một trong những căn nguyên của tệ tham nhũng chính là công tác cán bộ thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nổi cộm là công tác đề bạt, bổ nhiệm không đúng quy trình.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Tung ương 7 khóa XII.

Ngay từ sau Đại hội 12 của Đảng,Ban chấp hành Trung ương mà thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung vào việc chấn chỉnh công tác cán bộ. Công tác tổ chức cán bộ được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị trong đó có việc triển khai các đề án, qui định về việc xem xét kỷ luật của đảng.

Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là đề án quan trọng.

Đặc biệt chú trọng đội ngũ ớ cấp chiến lược với khoảng 600 người thuộc nhóm đối tượng nầy. Là những cán bộ cấp cao có trách nhiệm hoạch định chính sách là những cán bộ trong tương lai sẽ đảm nhận những trọng trách trong Đảng và hệ thống chính quyền.

Hội nghị tìm ra giải pháp kiểm soát quyền lực,chống chạy chức,chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền.

Như Tổng bí thư đã nói phải “ nhốt quyền lực vào trong cái lồng”. Nghĩa là cần phải có cơ chế giám sát quyền lực cho có hiệu quả.

Điểm nhấn của đề án này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có đánh giá chính xác thì việc qui hoạch bổ nhiệm cán bộ mới đạt hiệu quả cao nhất cũng như nghiêm túc xử lý những trường hợp đã ra quyết định bổ nhiệm không đúng. Không để xảy ra tình trạng như lâu nay coi là chuyện đã rồi, nể nang cho qua, hạ cánh an toàn…

Với những quyết định về công tác cán bộ không đúng đã ban hành thì "Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định nầy" là một trong rất nhiều thông điệp mạnh mẽ về công tác tổ chức cán bộ được phát đi từ Hội nghị Trung ương 7.

Không dừng lại ở đó, cần xem xét lại trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã dẫn đến quyết  định đó. Làm rõ đây là trách nhiệm của cá nhân hay tập thể. Đã làm rõ thì phải xử lý. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu hay tập thể đã được thực hiện ở Bình Định, Thanh Hóa, Tây Nam Bộ…

Nó cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong mục tiêu đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai minh bạch trong công tác cán bộ. Từ đó, giúp lựa chọn chính xác những cán bộ vừa có tài, có đức cho các vị trí quan trọng từ Trung ương đến địa phương.

Cũng như thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý những quyết định bổ nhiệm không đúng quy định, quy trình, không đúng thẩm quyền trong thời gian qua.

Việc chấn chỉnh công tác cán bộ này đã được cụ thể hóa bằng việc rà soát bổ sung sửa đổi hoàn thiện lại các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Xem chỗ nào còn khiếm khuyết, chỗ nào còn hở, chỗ nào chưa chặt chẽ, thậm chí chỗ nào còn chưa phù hợp nữa thì phải điều chỉnh.

Thực tế đã có những cán bộ khi đã được bổ nhiệm do thiếu tu dưỡng, bản thân đã coi thường công luận, ngang nhiên sử dụng quyền hạn của mình nhằm thu vén lợi ích cá nhân, thậm chí lạm dụng quyền lực để tham nhũng gây thất thoát lãng phí tiền của nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải xử lý  hình sự.

Vừa qua, có những vụ việc đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh dù bất  kể ở cấp nào. Như vậy không có chuyện chống tham nhũng “ chỉ từ vai trở xuống”.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, đng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt nhấn mạnh đến một số trọng tâm như: Phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương; Đồng thời tạo môi trường cơ chế để mà thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển; Tăng cường việc phân công, phân cấp đi đôi với việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra giám sát và kiểm soát quyền lực để đảm bảo công tác cán bộ được thực thi đứng đắn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai minh bạch.

Và đặc biệt một ngày sau hội nghị trung ương 7 bế mạc, khi đi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng bí thư đã nhấn mạnh Đảng sẽ tiếp tục công tác phòng chống tham nhũng, không bỏ dở nữa chừng. Đó chính là thông điệp phù hợp với lòng dân, nhằm lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng. Chống tham nhũng cũng nhằm ngăn chăn sự suy thoái trong đạo đức, lối sống cũng như đẩy lùi một trong 4 nguy cơ  đe dọa cho sự tồn vong của chế độ.