Huấn luyện lý luận cho cán bộ trong "Sửa đổi lối làm việc"

(VOH) - Huấn luyện lý luận cho cán bộ qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Người coi đó là công việc hàng đầu của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới”. Điều đó cho thấy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện lý luận cho cán bộ trong Sửa đổi lối làm việc là cần thiết để có thể tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề mà thực tiễn đặt ra".

VOH online giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Thị Phúc An, đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng chung quanh vấn đề này.

sửa đổi lối làm việc

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của bác đặt ra vấn đề huấn luyện cán bộ, đặc biệt là huấn luyện lý luận cho cán bộ với mục đích nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, năng lực lãnh đạo của người cán bộ...

Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 nhận định: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và quản lý các hoạt động lý luận còn nhiều bất cập. Thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, giữa cán bộ lý luận và cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế”.

Lý luận là kết quả nhận thức chủ quan của con người về các sự kiện, hiện tượng trong thế giới khách quan. Hồ Chí Minh cho rằng: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử” (1)

Người chỉ rõ: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” (2).Trong hoạt động thực tiễn, bất cứ làm việc gì muốn thành công phải có lý luận dẫn đường. Do đó, công tác lý luận tư tưởng luôn có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Người cho rằng, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, “huấn luyện” cán bộ là việc làm rất quan trọng, quyết định sự thành, bại của cách mạng. Vì “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Theo Người “huấn” và “luyện” phải đi đôi với nhau. Bởi lẽ “Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa (3) nghĩa là việc dạy dỗ phải đi liền với việc rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Có như thế mới tạo thành kỹ năng công tác, mới có khả năng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn cuộc sống đa dạng, phong phú, trong khi đó, lý luận do tư duy giáo điều chi phối nên có một khoảng cách khá xa so với thực tiễn, không giúp ích gì cho thực tiễn. Từ đó, xuất hiện những cán bộ kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Người cán bộ kém lý luận thì khi gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, làm theo suy nghĩ chủ quan, kết quả là thất bại.

Người cán bộ khinh thường lý luận, đề cao kinh nghiệm bản thân lại cho rằng, có kinh nghiệm (nhất là một vài kinh nghiệm đã đem lại hiệu quả) thì không cần biết thêm lý luận. Những người đó không biết rằng “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Những cán bộ lý luận suông là lý luận không được áp dụng vào thực tế, “tri” mà không “hành”.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7/1960

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7/1960

Đọc hàng ngàn, hàng vạn quyển sách không có nghĩa là đã biết lý luận mà đó chỉ như “một cái hòm đựng sách”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”. 

Để thực hiện được điều đó cần phải huấn luyện lý luận cho cán bộ, nghĩa là “Phải dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người” với “những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin… những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý… Những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ (4) Sở dĩ, phải huấn luyện lý luận cho cán bộ là vì “Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng (5)

Để công tác huấn luyện lý luận được thành công, theo Người “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó”. Bởi lẽ, người cán bộ huấn luyện không chỉ truyền đạt, giải thích nội dung chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho dân chúng mà quan trọng hơn là trong quá trình tổ chức thực hiện, họ phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thu nhận được những kinh nghiệm thực tiễn để phản ánh với Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách ngày càng phù hợp với đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Trong Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh nêu phương pháp huấn luyện lý luận.

Thứ nhất là “chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”. Đây chính là cách giảng dạy, học tập lý luận theo kiểu nhồi sọ, thụ động không có sáng tạo, không có phản biện và không biết liên hệ với thực tế. Lý luận chỉ biểu hiện ra như là tổng số những công thức cứng đờ, máy móc, đơn điệu, phiến diện khiến cho lý luận không có sức sống, thoát ly thực tế, xa rời thực tiễn.

Từ đó, Hồ Chí Minh phê bình, nhắc nhở “huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt thừa mà không thiết thực chu đáo”; Người chỉ rõ việc “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”, “Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng”. 

Thứ hai là “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là “lý luận thiết thực, có ích”. Điểm xuất phát của lý luận là thực tiễn. Tính chuẩn xác và hiện thực của lý luận đòi hỏi phải gắn liền lý luận với thực tiễn; lý luận phải ở trong thực tiễn và thường xuyên xuất phát từ nhu cầu nhận thức và cải tạo thực tiễn.

Mặt khác, phải đặt lý luận trong sự khảo nghiệm của thực tiễn và tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận mới. Lý luận rọi sáng thực tiễn và thực tiễn kiểm tra, đánh giá lý luận. Thực tiễn thúc đẩy lý luận và lý luận cung cấp cơ sở khoa học cho mọi hành động cải tạo thực tiễn của con người.

Điểm sáng tạo trong phương pháp huấn luyện lý luận của Hồ Chí Minh là chuyển những tri thức có tính chất bác học, trừu tượng, những nguyên lý kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và các lĩnh vực khoa học khác thành những tri thức gần gũi trong cuộc sống, giúp cho người học dễ hiểu, dễ vận dụng. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính hữu ích của thực tế, bất cứ việc gì to hay nhỏ cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế, thiết thực, có ích, không phù phiếm, khoa trương, hình thức.

Muốn vậy thì việc học phải xuất phát từ yêu cầu của công việc và phải học cặn kẽ, thấu đáo, thà biết ít, nhưng đã biết thì phải chính xác, tỉ mỉ, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất của vấn đề chứ không hời hợt, nông cạn ở bề mặt.

Tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về vấn đề xây dựng Đảng, về vấn đề cán bộ, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với mục tiêu “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Những nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII có thể nói rất phù hợp với những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc. Nghị quyết đã đưa ra một hệ thống các nhóm giải pháp, trong đó có một số giải pháp mới, mạnh mẽ, như tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bắt buộc hằng năm mỗi cán bộ, đảng viên phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học…

Đây là những nội dung cơ bản cần thực hiện đồng bộ, toàn diện mà trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để Đảng trong sạch, vững mạnh,. Đó cũng chính là sự tiếp nối những nội dung về lý luận, chính trị, về tư cách, đạo đức cách mạng ở người cán bộ trong Sửa đổi lối làm việc trước những biến động của tình hình mới. Thực hiện được điều đó sẽ có tác dụng giáo dục cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội nhận thức đúng về cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất về hành động cách mạng trong Đảng và toàn xã hội.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định giá trị khoa học và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự cần thiết của công tác giáo dục, huấn luyện lý luận cho cán bộ, đảng viên và công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho quần chúng. Khi trình độ hiểu biết về lý luận được nhân lên thì sự nhận thức, giác ngộ tư tưởng chính trị của cán bộ và nhân dân ngày một tăng, hiệu quả công tác ngày càng tốt. Do đó, thực hiện Sửa đổi lối làm việc sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao được trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng trước những yêu cầu và thử thách mà cuộc sống đặt ra.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 96.

[2] Những đoạn trích dẫn ghi số trang là từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh, sđd, tập 5.

[3] Hồ Chí Minh, sđd, tập 11, tr.359.

[4] Hồ Chí Minh, sđd, tập 11, tr.359-360.

[5] Hồ Chí Minh, sđd, tập 6, tr.357.