Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Tổ chức cơ sở Đảng trong tình hình hiện nay

(VOH) - Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng là tổng hợp những phẩm chất, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động lãnh đạo tại đơn vị, địa phương mình.

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng Đảng viên.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong so với thời điểm năm 1945 cả nước chỉ có 5000 đảng viên trên tổng số 25 triệu dân đến nay số lượng đảng viên lên đến khoảng 5 triệu đảng viên trên 90 triệu dân. 

Số lượng đảng viên tăng cao nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên. Trước tình hình ngày càng đổi mới trong xu thế hội nhập và phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên những nền tảng phát triển vũ bão của công nghệ nhất là công nghệ thông tin việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) càng cấp thiết hơn.

Đảng trong cuộc sống

Cách đây hơn 10 năm, Ban Chấp hành T.Ư khóa X đã có Nghị quyết số 22-NQ/TW của về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau thời gian thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, các tổ chức cơ sở đảng được kiện toàn từng bước bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của tổ chức Ðảng ở cơ sở.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở được chăm lo, đội ngũ cán bộ, công chức được trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, qua đào tạo năng lực, trình độ chuyên môn ngày càng cao hơn. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy có chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân của mình, dân chủ trong Ðảng và trong xã hội được mở rộng hơn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng vẫn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu, chưa đủ sức ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, chưa phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả. Một số cán bộ, đảng viên đã có tuổi đời, tuổi đảng cao nhưng bản lĩnh chính trị chưa thật sự vững vàng, vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu.

Năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nội dung, chế độ sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ còn chạy theo lối mòn, chậm đổi mới trước những yêu cầu của tình hình tai địa phương, đơn vị.

Sức chiến đấu của TCCSĐ là sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là ý chí vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, là sự tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, là mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng dân và uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân.

Do năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ tuỳ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn của cơ sở. Vì vậy, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ không phải là cứng nhắc, bất di bất dịch, mà nó phải luôn vận động phát triển để nắm bắt và xử lý đúng những công việc trọng tâm trong từng thời gian, từng tình hình cụ thể của cơ sở.

Thành thực mà nói, nhiều biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đời sống xã hội đã làm ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ đảng viên, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Có tổ chức cơ sở Đảng chưa làm tốt vai trò lãnh đạo cũng như việc tiên phong, gương mẫu của từng cá nhân đảng viên. Ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, việc tổ chức quán triệt, lãnh đạo triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết cấp trên còn hạn chế, năng lực lãnh đạo toàn diện nhưng có nội dung chưa cao, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên có lúc chưa chặt chẽ, vẫn còn đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý ở nhiều hình thức khác nhau… 

Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã đặt vấn đề nâng cao chất lượng đảng viên, đây là vấn đề rất cần thiết, cấp bách. Đảng viên tốt mới có chi bộ tốt thì Đảng mới mạnh, mới lãnh đạo địa phương, đơn vị phát triển.. 

Ðể củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình hiện nay, việc cần làm đó là đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để từng đảng viên phải ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên.

Không chỉ đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên mà ngay cả cho các cấp ủy viên vì chính các cấp ủy sẽ là những tấm gương cho đảng viên noi theo. Phải đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao về bản lĩnh chính trị của người đảng viên trong tình hình hiện nay.

Công tác triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, các quy định mới đây được ban hành về trách nhiệm nêu gương, về việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiệu suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm và mạnh hơn nữa mới củng cố được sự vững mạnh của TCCSĐ ở cơ sở.

Trong công tác tổ chức, tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức cơ sở đảng gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cần đưa đảng viên công tác gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân như các đảng viên sinh hoạt ở xã, phường, thị trấn về sinh hoạt đảng tại các chi bộ khu dân cư để rèn luyện bản lĩnh, nắm bắt và triển khai các chủ trương chính sách của đảng, nhà nước trực tiếp đến cộng đồng dân cư.

Võ thị Dung

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung (đứng) trong buổi khảo sát Đảng bộ huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có trình độ, năng lực. Ðổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Ðảng ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch công tác hằng năm của cấp ủy.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, hoàn thiện các quy định, quy chế về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, đơn vị trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Tổ chức cơ sở đảng phải coi trọng công tác dân vận. Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và  dân chủ trong nhân dân tham gia  đóng góp xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền…

Đặc biệt việc nâng cao chất lượng đảng viên qua việc kết nạp đảng viên mới là điều rất quan trọng. Chỉ kết nạp đảng viên mới đủ phẩm chất đạo đức, đủ tiêu chuẩn không chạy theo số lượng, không kết nạp để giữ thành tích cho TCCSĐ.

Đây là điều mà các TCCSĐ hiện nay gặp phải. Nhiều TCCSĐ phải kết nạp đảng viên mới khi chưa “chín muồi”, chưa thể hiện quyết tâm phấn đấu mà kết nạo vì chạy theo “định mức”, kết nạp theo cảm tính của lãnh đạo cấp ủy hoặc kết nạp để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đăng ký đảm bảo thành tích cho chi bộ.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ chính là khả năng quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để đề ra các chủ trương, phương hướng đúng; Có biện pháp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở, tuyên truyền, vận động, giáo dục để lôi cuốn quần chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời kiểm tra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của quần chúng trong khu vực.

Nhận thức và triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú cũng đã có nhiều hiến kế cho sự phát triển của Đảng - (VOH) - Các đại biểu chia sẻ, hiện nay, có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên nhiệt huyết, có nhiều cống hiến cho Đảng, cho cuộc sống bằng lối sống tích cực, gương mẫu cần nhân rộng điển hình.