Người dân đặt kỳ vọng vào các quyết sách từ Hội nghị lần thứ 7

(VOH) - Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa XII đang bàn và cho ý kiến đối với 3 Đề án quan trọng về Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; Cải cách chính sách tiền lương và Cải cách chính sách BHXH.

Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã thu hút sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của cán bộ, Đảng viên và nhân dân cả nước. Sự quan tâm sâu sát đó, vì Hội nghị lần này đề cập đến nhiều vấn đề đang được cả xã hội quan tâm đó là cán bộ.

Việc Trung ương tập trung bàn bạc, thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã tạo ra sự kỳ vọng rất lớn.

Người dân đặt kỳ vọng vào các quyết sách từ Hội nghị lần thứ 7

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: VGP

Đề cập đến chính sách tiền lương, cử tri Võ Thanh Đô, quận Phú Nhuận cho rằng, vấn đề này được đem ra bàn bạc thảo luật tại hội nghị lần này là đúng để có những chính sách và thay đổi kịp thời. Hiện nay lương cán bộ công chức, viên chức chưa công bằng và đầy đủ. Có bộ phận quá cồng kềnh, dư thừa trong bộ máy vẫn cần phải tiếp tục tinh gọn để cân đối quỹ lương cho từng bộ phận. 

"Tôi rất phấn khởi vì Hội nghị lần thứ 7 này, Trung ương Đảng đang xây dựng những Đề án rất quan trọng. Tôi theo dõi và thấy rằng, thứ nhất: về vấn đề tiền lương, những người mà trong hoàn cảnh trước đây, lương trợ cấp của họ quá thấp nên bây giờ cuộc sống của họ rất khó khăn".

Ông Phạm Ngọc Hùng, phường Tân Thuận Đông, Quận 7 cho rằng, đối với công tác cán bộ, bên cạnh việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm thì Trung ương cũng nên rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ đã được bổ nhiệm để sớm loại bỏ những cá nhân không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Về Đề án “Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội”, ông Phạm Ngọc Hùng kỳ vọng, Hội nghị lần này cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và có xét đến những điều đặc biệt:

"Tôi cũng mong rằng, những người mà trong điều kiện trước đây, do điều kiện công tác cũng như khi nghỉ hưu vì mất sức, hiện nay, đồng lương của họ quá thấp nên phải làm sao nâng lên cho họ để đủ sống. Mong rằng, khi đào tạo đội ngũ cán bộ từ cơ sở, ở ấp, ở xã, ở huyện và tỉnh cũng như kể cả Trung ương, làm sao phải lắng nghe, gần dân hơn để thực sự gần dân hơn".

Tại Hà Nội, các cán bộ trung cấp và cao cấp đã nghỉ hưu đang sinh hoạt tại câu lạc bộ Thăng Long cũng có ý kiến về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII tập trung thảo luận, xem xét.  

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng Ban Văn hóa xã hội Câu lạc bộ Thăng Long, Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã giải quyết đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cán bộ đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay.

Bởi trên thực tế, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Lộc hoàn toàn đồng ý với đề xuất một số giải pháp mới theo nguyên tắc đánh giá liên tục, đa chiều, xuyên suốt quá trình công tác, hay còn gọi là đánh giá 360 độ đối với 1 cán bộ, đảng viên:

“Đánh giá 360 độ để ở trên, ở dưới người ta thấy cán bộ đó là như thế nào. Đặc biệt là đánh giá ở cấp dưới, cán bộ cấp cơ sở người ta đánh giá. Vì hàng ngày cán bộ người ta va chạm với ai, anh làm việc gì, anh đi đâu, anh nói gì người ta đều hiểu cả. Chứ ở cấp trên cũng chỉ nắm chung chung thôi...”.

Thời gian qua, những thói hư, tật xấu, sự tha hóa tột cùng của một số cán bộ, đảng viên; những hành vi tham nhũng và các sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước đã làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng; giảm sút niềm tin của nhân dân; tạo nên nhiều dư luận không tốt về đội ngũ cán bộ; gây bất ổn trong xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó trưởng Ban Văn hóa xã hội - Câu lạc bộ Thăng Long, cho rằng, đã đến lúc phải đổi mới công tác cán bộ, cán bộ phải hội đủ mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đã đến lúc không còn chỗ cho tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ông tin tưởng, thông qua Hội nghị lần này, những vấn đề trên sẽ được giải quyết triệt để: “Tham nhũng là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bây giờ xây dựng được đội ngũ cán bộ có đạo đức, liêm khiết, học tập theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tức là cần kiệm liêm chính thì cái vấn đề tham nhũng sẽ được đẩy lùi dần dần, không hết ngay được nhưng sẽ giảm dần đi...”.

Liên quan đến việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Thăng Long bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này.

Ông Sơn cho rằng đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Việc bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em:

“Cán bộ không được là người địa phương để anh không kéo bè kéo cánh, vơ vét người thân. Thứ 2, tôi nghĩ là cán bộ địa phương không phải là người địa phương anh không được mua nhà ở địa phương đó mà phải ở nhà công vụ, nhà công vụ khi mà anh được điều chuyển đi nơi khác anh phải trả lại nhà công vụ, chứ không để tình trạng không trả nhà công vụ....”.

Công tác cán bộ là thường xuyên liên tục và đương nhiên quá trình đất nước phát triển sẽ có những quy định cụ thể trong từng giai đoạn. Những vấn đề đặt ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII có ý nghĩa quyết định và trách nhiệm nặng nề đang được đặt ra.

Trên hết, sự kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới là rất lớn.