Nơi ngọn lửa anh hùng cháy mãi

(VOH) - Sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc là một mất mát rất lớn và đau xót trong chiến tranh...

Đoàn cán bộ tuyên giáo, Báo chí TPHCM vừa đến Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP tại ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), mở đầu các hoạt động trong hành trình “Làng Sen quê Bác - sông Mã anh hùng".

Hành trình “Về nguồn” bắt đầu ở Ngã ba Đồng Lộc. 50 năm trôi qua, tuyến lửa Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) mưa bom đạn xới năm nào giờ đã thành vùng quê trù phú, giàu sức sống. Thế nhưng, hình ảnh về 10 cô gái Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc và những anh hùng nằm lại trên tuyến lửa năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức mỗi người dân khi đến đây.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Quý, Đài Truyền hình TPHCM xúc động khi xem bức thư của các chị gửi về cho gia đình với niềm hạnh phúc thật giản dị. “Ngày hôm nay khi đến trực tiếp Ngã ba Đồng Lộc, được tận mắt chứng kiến những hình ảnh thật sự nơi đây, tức là 10 ngôi mộ của 10 nữ Thanh niên xung phong ngày ấy và hố bom nơi các chị đã hy sinh em rất xúc động. Vì em sinh ra trong thời bình nên không biết chiến tranh khốc liệt như thế nào. Khi xem qua những thước phim lịch sử, em không tưởng tượng được trên một mảnh đất chi chít hố bom như vậy thì phải là những con người gan dạ, kiên cường đến mức độ nào mới có thể sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến như vậy. Em rất xúc động khi xem hình ảnh của các chị ngồi cùng ăn cơm với nhau mà xung quanh toàn là hố bom và làn bom của kẻ thù dội xuống”.

Chị Lương Thị Thủy - hướng dẫn viên của khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc kể cho chúng tôi nghe về Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến là chiến trường miền Nam. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, chính vì thế mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong.

“Ngày 24/7/1968, trưa hôm đó nhận được lệnh của đại đội là vào đêm đó sẽ có một chuyến xe đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó tiểu đội của 10 cô gái còn chưa kịp ăn cơm trưa, nhưng đã lập tức ra mặt đường làm nhiệm vụ. Bởi vì nhiệm vụ này thường được làm vào ban đêm, nhưng hôm đó các cô gái đã bất chấp tính mạng của mình, giữa trưa hè nắng chói chang đã đi san lấp để đảm bảo cho chuyến cho viện của miền Nam đêm hôm đó đi qua được an toàn. Vào 16 giờ, khi các hố bom sắp được lấp đầy thì một tốp máy bay của Mỹ đã kéo đến trút bom dữ dội. Lúc đó 10 cô gái đã lánh tạm vào một căn hầm chữ A ở bên cạnh đường, đợi máy bay Mỹ rút đi thì sẽ quay lại làm tiếp cung đường còn lại. Nhưng không may, một quả bom định mệnh đã rơi ngay trước cửa hầm và đánh sập toàn bộ. Và 10 cô gái đã mãi mãi nằm lại vùng đất linh thiêng này”, Chị Thủy kể.

10 cô gái Đồng Lộc kiên cường, dũng cảm đó là: Võ Thị Tần (24 tuổi), Tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Tiểu đội phó; Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi); Dương Thị Xuân (21 tuổi); Võ Thị Hợi (20 tuổi); Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi); Hà Thị Xanh (19 tuổi); Trần Thị Hường (19 tuổi); Trần Thị Rạng (18 tuổi); Võ Thị Hà (17 tuổi) -  họ đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Các chị đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành bất tử như nhà thơ Vương Trọng đã viết trong bài thơ “Lời thỉnh cầu giữa Ngã ba Đồng Lộc năm 1995: “Hai bảy năm trôi qua chúng tôi không thêm một tuổi nào”.

Một nén hương, một lời nguyện cầu của những người đến thăm các chị khi nhìn lại những hiện vật của các liệt sỹ, những di vật hết sức linh thiêng để những ai đến đây hiểu được phần nào một vùng đất ác liệt, nơi các anh, các chị đã ngã xuống ai nấy đều không kìm nén được xúc động.

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM thắp nén tâm linh tại khu nghĩa trang của 10 cô gái Đồng Lộc

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, thắp hương tại khu nghĩa trang của 10 cô gái Đồng Lộc. 

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, không khỏi ngậm ngùi khi đến đây: “Ngã ba Đồng Lộc – nơi có rất nhiều anh hùng liệt sỹ của chúng ta đã hy sinh, cống hiến để giữ huyết mạch cho đường giao thông thông suốt, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở đây 10 cô gái còn rất trẻ đã hy sinh để thực hiện nhiệm vụ của mình lúc bấy giờ. Và hôm nay là 50 năm, chúng ta về lại đây để nhìn lại quá khứ cho tương lai của chúng ta, một tương lai mà tất cả thế hệ trẻ cần biết đến sự sinh, cống hiến của biết bao thế hệ để có được di sản như ngày hôm nay. Và mỗi người chúng ta hãy dành một ít thời gian để đến Đồng Lộc và hiểu rằng có được độc lập, no ấm ngày hôm nay đó là sự đóng góp của biết bao công sức của biết bao con người. Trong đó có những cô gái như những cô gái Đồng Lộc.”

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống mới với cung đường giao thông hiện đại, cây xanh mọc lên đã hồi sinh tọa độ chết năm xưa. Rất nhiều người đã sụt sùi khi xem tư liệu và thước phim tại Bảo tàng Đồng Lộc. Ông Trần Đắc Thọ - Đài Truyền hình TPHCM, kể cách đây hơn chục năm, Đài truyền hình TP thực hiện phim ca nhạc có tựa đề là “Cuộc chia ly màu đỏ” nhằm tôn vinh bộ đội và Thanh niên xung phong chiến đấu trên đường Trường Sơn.

“Tới đây lần nào mà nghe về sự hy sinh của các chiến sỹ ở đây nhất là 10 nữ Thanh niên xung phong thì đều rất xúc động và muốn trào nước mắt", ông Trần Đắc Thọ cho biết thêm.

Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái Thanh niên xung phong Tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang nằm cách tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc gần 200m. Tượng đài người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong.

Ông Lê Văn Thắng – Trưởng Ban quản lý di tích cố Tổng bí thư Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh tự hào nói: “Đồng Lộc là một trong những trọng điểm đánh phá rất ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt con đường tiếp tế của đồng bào miền Bắc xuyên miền Nam ruột thịt. Sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc là một mất mát rất lớn và đau xót trong chiến tranh. Là một người con đối với những mất mát đấy cũng rất tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, anh dũng kiên cường của Nhân dân ta.

Trong chiến tranh, sự mất mát hy sinh, cái giá phải trả cho độc lập, thống nhất vô cùng to lớn. Nơi đây, từ ngọn cỏ, gốc cây được trộn máu và nước mắt của những người đã sống, chiến đấu và đã đi qua độc lập trong chiến tranh. Thế nhưng, các chị nằm ở đây không bao giờ cô quạnh, có các mẹ đến thăm các chị và coi các chị như những đứa con đi xa không về. Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thường xuyên đến Ngã ba Đồng Lộc thắp những nén tâm linh với ý chí và quyết tâm cùng nhân dân xây dựng tỉnh Hà Tĩnh ấm no, hạnh phúc"

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 2/11/2018: USD giảm, bảng Anh tăng - Đồng Bảng tăng hơn 1% khi có thông tin Anh và Liên minh châu Âu đang tiến gần đến phần thỏa thuận quan trọng của Brexit, trong khi Đôla giảm, chịu áp lực bởi bảng Anh và Euro tăng.
Giả văn bản chủ tịch Đà Nẵng 'thổi' giá đất cao ngất ngưởng - Hiện có rất nhiều người "xuống" tiền đặt mua một số lô đất ở Đà Nẵng với giá cao ngất ngưởng.