Ông Hoàng Duy Chinh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn

(VOH) - Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XII đã bầu ông Hoàng Duy Chinh làm bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020-2025.

Sáng 28/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã nghe công bố kết quả phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII. Theo đó, phiên họp đã bầu Ban thường vụ Tỉnh ủy; các chức danh bí thư, phó bí thư Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa 2020-2025.

Ông Hoàng Duy Chinh, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, được bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, nhiệm kỳ 2020-2025 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 có 13 người, ông Hoàng Duy Chinh, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, được tín nhiệm bầu giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Hoàng Duy Chinh sinh năm 1968, quê quán ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Bà Phương Thị Thanh, phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, được bầu giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa XII, nhiệm kỳ 2020 2025.

Phiên họp cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn gồm 11 người, ông Lê Dược Trung tiếp tục được bầu giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, sau khi thảo luận, 100% đại biểu dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh đã biểu quyết nhất trí danh sách nhân sự để bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Bắc Kạn khóa XII, gồm 53 người và nhất trí số lượng Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 47 người, tiến hành bầu đủ số lượng.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn xác định 4 chương trình trọng tâm. Về kinh tế, Bắc Kạn chú trọng phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, việc tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị sẽ là hướng đi chủ đạo nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Địa phương cũng tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp chế biến để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản và một số ngành có lợi thế của địa phương là hướng đi với những chính sách, giải pháp phù hợp.