Phải chấm dứt nạn chạy chức, chạy quyền

(VOH) - Công tác tổ chức cán bộ như là cột sống của một cơ thể sống. Khi cột sống bị thoái hóa thì làm sao đỡ nổi cơ thể ?

Mọi việc thành hay bại của một cơ quan, tổ chức đều là do khâu cán bộ quyết định. Do đó, công tác tổ chức cán bộ là then chốt. Có làm tốt công tác tổ chức cán bộ thì mới có cán bộ có tâm, có tầm, có cán bộ tốt thì bộ máy mới hoạt động hiệu quả.

Đó là điều hiển nhiên nhưng không phải ai cũng làm được bởi làm sao để có những cán bộ tốt, có tâm, có trình độ chuyên môn giỏi thì đó lại là chuyện không đơn giản.

hoi nghi trung uong

Những năm qua, công tác tổ chức cán bộ trong Đảng ít nhiều bộc lộ một số bất cập. Vì sao ?

Vì đội ngũ cán bộ hiện nay, nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều đơn vị còn yếu kém. Không chỉ yếu kém về chuyên môn mà về tư cách đạo đức cũng sụt giảm, nhiều trường hợp cán bộ kể cả cán bộ cấp cao đã suy thoái, tha hóa.

Điển hình như vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Chỉ trong vài năm từ 2013 - 2016, công tác tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam với vị trí lãnh đạo, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, vẫn được luân chuyển về làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương rồi tiếp tục về địa phương làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, được ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Hay như bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2003 - 2014, bà Thanh vi phạm nhiều khuyết điểm “rất nghiêm trọng và có tính hệ thống” nhưng vẫn liên tục thăng tiến : Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, Bí thư Huyện uỷ huyện Nhơn Trạch (năm 2009), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (năm 2011), Phó Bí thư Tỉnh ủy (Nhiệm kỳ 2015 - 2020), Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XIV tỉnh Đồng Nai. 

chạy tội chạy quyền

Nếu như không phát hiện ngăn chặn những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh thì bộ máy sẽ ra sao khi họ sau thời gian luân chuyển ở địa phương lại vào những chức vụ quan trọng ở Trung ương? Còn bao nhiêu dạng cán bộ như “Trịnh Xuân Thanh” chưa bị phát hiện? Vì sao một thời gian dài không phát hiện những trường hợp này ? 

Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho công tác cán bộ hiện nay và cũng đã có một số câu trả lời.

Chung quy thì đó chính là sự yếu kém của một bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ hiện nay. Người làm công tác tổ chức cán bộ không còn đủ dũng khí để chiến thắng, chống lại tiêu cực, chống lại nạn “chạy chức, chạy quyền”.

Nói khác đi cán bộ tổ chức đã bị vô hiệu hóa vì những “viên đạn bọc đường” của đối tượng “chạy chức, chạy quyền”.

pano

Nghị quyết Trung ương 7.

Thực chất chạy chức, chạy quyền chính là mua quan, bán chức, là biểu hiện của tham nhũng quyền lực. Trong công tác tổ chức cán bộ, đối tượng thực thi công vụ là “con người” thì việc tham nhũng quyền lực chính là "bán" quyền lực mình có. Đó là việc qui hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuổi tác, sức khỏe… cho người “chạy”.

Cái khó trong việc chống lại nạn chạy chức, chạy quyền thậm chí còn khó hơn cả chống tham nhũng hối lộ. Vì đối tượng chạy chức chạy quyền có "muôn vàn" bộ mặt có khi là người thân, bạn bè, anh em thân tín, tin cậy, người con cháu được gửi gắm...Chạy xong chức quyền thì nạn bè phái, cục bộ, cánh hẩu cũng từ đây mà ra. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã nhận định: “Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.”

Chạy chức chạy quyền để lại những hậu quả vô cùng nặng nề mà khó thể nào đo lường được. Vì cán bộ khi chạy chức chắc chắn là loại người cơ hội, yếu kém năng lực, hủ bại về cả tâm lẫn tầm. Khi chạy được chức, ngoài việc lo vơ vét để “lấy lại vốn” thì chắc chắn sẽ tạo ra lớp “đàn em” cũng cơ hội, chạy chức, chạy quyền như mình từng làm.

Nạn chạy chức chạy quyền kéo theo vô số hậu quả và cái nặng nề nhất đó chính là gây ra những vụ việc lạm dụng quyền lực khi điều hành bộ máy yếu kém, dẫn đến tham nhũng, lãng phí gây ra những vụ việc làm dư luận xã hội bức xúc làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Thấy rõ tác hại của nạn chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị đã ban hành qui định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Qui định nhận diện 6 hành vi chạy chức chạy quyền, 8 hành vi bao che tiếp tay cho chạy chức cũng như qui định trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền.

Từ đó, sẽ xử lý hành vi vi phạm trong việc chạy chức, chạy quyền với nhiều mức độ khác nhau mà nặng nhất là khai trừ Đảng, buộc thôi việc. Thậm chí nghiêm cấm trường hợp che dấu xử lý hành chính nội bộ nếu có biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức Đảng các cấp, từng cán bộ Đảng viên ở mỗi vị trí của mình cần phải nghiêm chỉnh chấp hành qui định để chống lại nạn chạy chức chạy quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, đụng đến vấn đề con người là rất khó, rất phúc tạp nhưng khó không phải là không làm được khi đã có quy định cụ thể chống lại nạn chạy chức, chạy quyền.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương - Chiều 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp Hội đồng.