Phát huy tinh thần đại đoàn kết và bình đẳng về chính sách dân tộc

(VOH) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Ủy ban Dân tộc TP vừa hoàn thành đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tại 4 quận, huyện điểm đó là: Quận 11, 12, Phú Nhuận và huyện Bình Chánh.

Thành phố đang tiến hành đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở các quận huyện còn lại.

Phát huy tinh thần đại đoàn kết và bình đẳng về chính sách dân tộc

Lãnh đạo UBMTTQVN TPHCM và Quận ủy Quận 12 chụp hình lưu niệm với các đại biểu sẽ dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần 3. Ảnh: Bá Nam

Đánh giá chung sau đại hội điểm của các quận, huyện, ông Tăng Cẩm Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Thành phố khẳng định: đồng bào các dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò đại diện cho cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số, nói lên tiếng nói của mình. Từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách để góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển công bằng và hòa nhập. "Qua đại hội lần này cho thấy các quận, huyện có sự tập trung rất cao và chi tiết hóa từ sự chỉ đạo của Ủy ban. Thứ 2 là điều kiện cơ sở vật chất nơi tổ chức rất trang nghiêm. Không khí đại hội diễn ra rất sôi động. Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức sâu rộng", ông Vinh nhận xét.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có đủ 54 thành phần dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là người Kinh, các dân tộc khác như Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Thổ, Ê đê, HMông, K’Ho, Dao, Sán dìu, Bru Vân Kiều, Xtiêng, Thổ, Tà Ôi, Pà Thẻn, Cơ Lao, Rơ Măm... và ít nhất người La Hủ.

Cách đây 71 năm, ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay. Tiếp đó, ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn đất nước Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Vì vậy, việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và nhà nước quan tâm trên mọi lĩnh vực. 

Ông Đỗ Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố,  cho rằng cần tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được trong công tác dân tộc cũng như chính sách dân tộc. Tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cùng với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời phát huy các nguồn lực trong đồng bào dân tộc để đồng bào vươn lên thể hiện cái trách nhiệm cũng như vai trò của mình cùng đóp góp với các dân tộc khác trên địa bàn.

Chị Tăng Ngọc Tuyền, dân tộc Hoa cho biết: bản thân là người dân tộc ít người, nên chị rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của bà con dân tộc thiểu số còn gặp phải. Đồng thời, cũng mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số đồng lòng, chung sức, chia sẻ khó khăn chung với Nhà nước; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti; quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi, học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

“Trên địa bàn đa số là dân tộc Hoa, các điểm sinh hoạt văn hóa cho người Hoa thì cũng đã có nhiều. Nhưng đối với các dân tộc khác như Chăm, Mường.. thì vẫn chưa có. Nếu TP đặc biệt quan tâm hơn thì xây dựng các khu vui chơi để chăm lo cho các em thiếu nhi là các dân tộc trên khác trên địa bàn. Còn về giới thiệu việc làm và đào tạo nghề thì cũng có chế độ ưu tiên hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số để tạo mối đoàn kết giữa các dân tộc lại với nhau”, chị Tuyền cho biết.

Với 12 dân tộc gồm: Người Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mông, Nùng, Chơ ro, Mạ, Mảng, Sán Dìu, dân tộc Dao và dân tộc Kinh đang sinh sống trên địa bàn, ông Trương Quốc Cương, Phó Chủ tịch UBND quận 11, khẳng định: Đây là một sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc trên các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tôn giáo. 

“Trong thời gian tới thì làm sao nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân tộc, để mọi người, mọi cấp, mọi ngành thực hiện tốt chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, làm sao tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi phát triển cùng đồng ba dân tộc kinh chung lòng, chung sức xây dựng và phát triển đất nước”, ông Cường mong muốn.

Tại huyện Bình Chánh, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 29.000 người, phân bổ rải rác và không đều, trong đó 50% thuộc diện tạm trú, chủ yếu sinh sống bằng nghề thủ công, buôn bán nhỏ hoặc làm thuê tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, cho biết, để thực hiện tốt công tác dân tộc thì UBND huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục lồng ghép các chính sách về dân tộc trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương trong các kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia đóng góp. Đồng thời huyện cũng chăm lo về đời sống, vật chất, tinh thần đang sinh sống trên địa bàn.

Quận Phú Nhuận hiện có trên 4.000 đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm: dân tộc Hoa, Chăm, Khmer, Nùng, Tày, Mường, Thái, M'Nông, Thổ, Cơ ho, Gia Rai, Ê đê, Dao, Cơtu và Churu. Ông Võ Thanh Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, cho biết, 5 năm qua, điểm nổi bật nhất của quận là thực hiện chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc gắn với lồng ghép tình hình phát triển chung kinh tế của quận góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững thì đã hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo, kể cả đồng bào dân tộc.

Trong những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc của thành phố góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Góp phần làm thay đổi căn bản cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Đời sống người dân tộc được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, và đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Vì sau khi hoàn thành các đại hội điểm, để các quận huyện còn lại tiếp tục tổ chức các đại hội đại biểu dân tộc thiểu số mang lại kết quả và thành công. "Đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và thể hiện sự quan tâm hỗ trợ, các chính sách của Đảng, nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và qua đây để thấy được sự đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Tạo được khí thế phấn khởi trong đồng bào DTTS vì luôn được đảng, nhà nước quan tâm chăm lo hỗ trợ. Đại hội lần này càng khẳng định thêm sự quan tâm đó và đồng bào càng phấn khởi hơn. Tăng cường đoàn kết hơn và phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ và ổn định TP trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cho hay.

Với trách nhiệm và tình yêu đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố đã và sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình để đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số.