Quan điểm của Bác về kết hợp và phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong phát triển đất nước

(VOH) - Việc kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, đề cập và vận dụng vào bối cảnh kinh tế-xã hội Việt Nam từ rất sớm

Những luận cứ, quan điểm của Người về phát huy vai trò của các thành phần kinh tế ở mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau đều có sự vận dụng một cách thấu đáo nhằm phát huy mọi lực lượng, tầng lớp xã hội, thành phần kinh tế tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nhằm tập hợp các nguồn lực sẵn có ngay trong lòng dân tộc và tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, hợp tác với các quốc gia trên thế giới trên tinh thần đoàn kết, vì mục tiêu hòa bình và phát triển.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: HCMCPV

Tại Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tổ chức, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có tham luận với chủ đề: “Quan điểm Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển đất nước – nội dung và ý nghĩa”.

VOH xin trích giới thiệu tham luận này do bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy trình bày:

"Tư tưởng về phát triển kinh tế bằng sự đóng góp của tất cả sức người, sức của, mọi tầng lớp Nhân dân trong cả nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để Việt Nam thực hiện thành công công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Không những cho chúng ta thấy cần phải phát huy năng lực sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế, mà còn là biểu hiện rõ nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc; tất cả các giai cấp đều có cơ hội cùng chung tay vì sự phát triển của đất nước. Đây chính là ý nghĩa cốt lõi trong quan điểm của Người, hướng đến mục đích sâu xa hơn, không chỉ đơn thuần nằm trong nội hàm vấn đề phát triển kinh tế. Chính những quan điểm đúng đắn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thử thách trong những ngày đầu xây dựng nền độc lập, tự chủ dân tộc; đấu tranh kiên cường, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Những năm đầu thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, bên cạnh những thắng lợi to lớn trong bảo vệ Tổ quốc và nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng đất nước, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã bộc lộ những sai lầm, yếu kém và lâm vào tình trạng khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là “cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp về căn bản chưa bị xoá bỏ. Cơ chế mới chưa được thiết lập đồng bộ. Nhiều chính sách, thể chế đã lỗi thời chưa được thay đổi, một số thể chế quản lý mới còn chắp vá, không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhau” .

Đứng trước thực trạng đó, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước nhằm thực hiện có hiệu quả hơn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Việc vận dụng và phát huy các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của đất nước là sự lựa chọn mang tính khoa học khách quan, từ nhu cầu của thực tế và kinh nghiệm của các nước trong quá trình đổi mới, Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo thừa nhận kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận kinh tế thị trường và khẳng định nó không đối lập với chủ nghĩa xã hội, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của các thành phần kinh tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, phát huy mọi nguồn lực đầu tư xã hội, giải quyết việc làm cho Nhân dân, từng bước đưa đất nước phát triển bền vững.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, từ một thành phố tiêu thụ chuyển sang một thành phố sản xuất, từ kinh tế phục vụ chiến tranh và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài chuyển sang kinh tế độc lập, phục vụ dân sinh và tiến lên chủ nghĩa xã hội . Trong 10 năm đầu thống nhất nước nhà, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Trung ương, kinh tế thành phố được chuyển sang nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa với kinh tế quốc doanh và tập thể đóng vai trò chủ đạo. Về mặt mô hình kinh tế, trong giai đoạn này chủ yếu là nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, tư duy về thị trường và quan hệ thị trường chưa được xác lập. Do đó, đây là thời kỳ tồn tại của hai cơ chế : “xã hội chủ nghĩa” và “phi xã hội chủ nghĩa”. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn được xem là phi xã hội chủ nghĩa. Nhưng các cấp lãnh đạo của Thành phố đã mạnh dạn “phá rào”, thực hiện nhiều chính sách mềm dẻo để duy trì nền kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân và từng bước tìm tòi những hướng đi mới nhằm phát huy mọi tiềm lực xã hội.

Từ sau đổi mới, thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường và đang nâng dần vị trí, vai trò của Thành phố trong quá trình hội nhập của kinh tế khu vực và thế giới.

Thành phố đã chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng phát triển của các thành phần kinh tế; từng thành phần kinh tế đều thể hiện được vai trò trong nền kinh tế Thành phố; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thành tựu chung của kinh tế Thành phố, có thể khẳng định rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của từng thành phần kinh tế theo quan điểm Hồ Chí Minh.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các thành phần kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ:

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thành phố.

- Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.

- Quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển kinh tế hợp tác với mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút ngày càng nhiều nông dân và các hộ kinh doanh tham gia kinh tế hợp tác.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò kinh tế nhiều thành phần trong quá trình đổi mới và hội nhập vẫn mang tính thời sự và là phương pháp luận quan trọng; cần phải được tiếp thu, quán triệt và vận dụng sáng tạo để định hướng cho sự nghiệp đổi mới nền kinh tế đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao nhận thức, vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò và ý nghĩa của các thành phần kinh tế nhằm phát huy được thế mạnh của mình, cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu".