“Sửa đổi lối làm việc” với 3 nhiệm vụ thực tiễn ngày nay

(VOH) - Cần nhìn nhận giá trị thực tiễn của tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" gắn với tình hình hiện nay ở những vấn đề nào ?

Tháng 10 năm 1947, trong căn lán nhỏ giữa núi rừng ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"- tác phẩm rất quan trọng vừa có tính lý luận vừa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Đến nay vừa tròn 70 năm tác phẩm ra đời.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…".

Bác Hồ viết sửa đổi lối làm việc voh.com.vn

Đất nước đã có nhiều thay đổi từ khi tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ra đời. Nhưng những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và nhấn mạnh phải "sửa đổi" với người cán bộ cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị. Những luận điểm nêu trong tác phẩm còn "nóng hổi" đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay, đặc biệt với quá trình đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới. 

Tác phẩm đã bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên mà trung tâm là mối quan hệ giữa người với người.

Người cán bộ, đảng viên được coi như là khâu trung tâm của các mối quan hệ ấy. Đảng viên, cán bộ là những chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. 

Sửa đổi lối làm việc là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ. 

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, trước hết là lãnh đạo chủ chốt thật sự có đức, có tài, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của Ðảng Cộng sản.

Muôn việc thành hay bại đều từ cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ðó là một chân lý nhất định". Ngay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những nhân sĩ, học giả, trí thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các ngành các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài để kiến quốc. Nhờ sự góp sức đồng lòng của toàn dân, toàn quân mà cuộc kháng chiến trường kỳ của ta thắng lợi vẻ vang và sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng từng bước phát triển bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: "Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến như A. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.

Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài".

sách sửa lối làm việc voh.com.vn

Chính sách thì đúng, triển khai thì sai lệch

Những đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét, có sự việc là vì chúng ta không xét đến nguyên nhân cơ bản: trách nhiệm và năng lực của những người thi hành chính sách, một điều rất đơn giản: "Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả".

Như vậy, những người cụ thể điều hành và chỉ đạo chính sách thực tế ở cơ sở cũng quan liêu, không kiểm tra, không kiểm soát sát sao, mà cũng có thể do chủ quan, kế hoạch không ăn khớp với hoàn cảnh, lý thuyết áp dụng chồng chéo, cốt lấy thành tích cho xong chuyện. Kết quả là công sức, tiền của, chất xám, thời gian đổ vào đầu tư đều phí phạm. Cũng vì thế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc".

Để trở thành người cán bộ tốt, theo Bác không có gì khó mà trước hết là ở bản thân mỗi cán bộ. Nếu trong lòng mỗi người cán bộ chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì tất sẽ tiến đến chí công vô tư, sẽ trở thành những người có: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đó chính là đạo đức cách mạng.

Bác coi đạo đức là nền tảng của mọi thành công trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chính vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng

Trong tác phẩm “Sửa đối lối làm việc”, Hồ Chí Minh yêu cầu: Kiểm tra phải nghiêm ngặt, phải kiên quyết thi hành kỷ luật. Buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật sẽ làm cho những yếu kém, khuyết điểm hồi sinh, là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội, thoái hóa, tham nhũng, biến chất chui vào hàng ngũ của Đảng.

Có thế nói, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật được Đảng tiến hành quyết liệt, đồng bộ và đạt nhiều kết quả như từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Hàng loạt tổ chức đảng và cán bộ cấp cao vi phạm đã bị kiểm điểm và thi hành kỷ luật nghiêm túc, công khai, được dư luận đánh giá cao. Điều đó chứng tỏ tính nghiêm khắc, sự quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong thi hành kỷ luật Đảng.

Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của Đảng và từng cán bộ, đảng viên, phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên của Đảng đề cao ý thức tổ chức và kỷ luật.

xây dựng Đảng voh.com.vn

Tính thực tiễn của "Sửa đổi lối làm việc" trong bối cảnh hiện nay:

Nghị quyết TW4 (Khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW  được  Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương ban hành nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện cho cán bộ đảng viên của Đảng thật sự có đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, đặc biệt là rèn luyện cho cán bộ đảng viên phong cách làm việc, sinh hoạt, phong cách sống theo tấm gương của Bác. Hai Nghị quyết ra đời từ yêu cầu của thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng và đề ra những nhóm giải pháp cấp bách phù hợp, là sự tiếp nối “Sửa đổi lối làm việc” phù hợp với tình hình hiện nay.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về nguy cơ, thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, 2 Nghị quyết TW đều nêu rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Hơn lúc nào hết mỗi cán bộ đảng viên cần phải nghiêm túc tự mình sửa đổi ngay lối làm việc theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để củng cố niềm tin đối với nhân dân, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó.