Thách thức của giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(VOH) - Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về những thách thức của giáo dục đại học trong giai đoạn 2021-2025

Đối với Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. 

Với vai trò cơ sở giáo dục đại học, trường đại học đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cái nôi của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích các thách thức của giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giáo dục đại học trong thời gian tới, cũng là chiến lược mà trường đang tích cực thực hiện. 

Theo Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực giáo dục đại học hoạt động trong bối cảnh rất nhiều thay đổi và thách thức. Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi về mô hình hoạt động của giáo dục đại học, về quản trị đại học. Thứ hai, sự thay đổi về thị trường lao động và cấu trúc kinh tế. Thị trường lao động đòi hỏi người lao động cần phải có trình độ, trí thức, đặc biệt là nắm bắt rất nhiều kỹ năng, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn trước những biến đổi của xã hội. Thứ ba, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, họ đã tham gia đầu tư rất mạnh mẽ trong lĩnh vực về giáo dục. Họ cũng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thứ tư, hệ thống các trường đại học ngày càng đầu tư mạnh mẽ để gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng gia tăng sự xếp hạng của mình trong bảng xếp hạng quốc tế. Thứ năm, giáo dục Việt Nam cũng đang bị áp lực cạnh tranh với hệ thống các trường trong khu vực và châu Á. Thị trường lao động xuyên biên giới cũng vậy, nó cũng làm ảnh hưởng đến thị trường lao động của Việt Nam, nguồn nhân lực của Việt Nam.

chất lượng nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế, tiến sĩ Sử Đình Thành, ngày 12 tháng 11 năm 2020
GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM - Nguồn UEH

Trong bối cảnh như trên, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường trọng điểm chuyên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh, tài chính ngân hàng, quản lý nhà nước, luật…Trường cũng đề ra nhiều chiến lược hoạt động của mình. Một trong những chiến lược đó là tăng cường kết nối cộng đồng và lan tỏa trí thức. Có 5 hành động quyết tâm phải thực hiện, đó là:

Kết nối đào tạo gắn liền thực tiễn: Học kỳ doanh nghiệp; Cùng xây dựng mới và đánh giá các chương trình đào tạo, mời các chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy.

Kết nối phát triển năng lực nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, quản lý thông minh: Cùng thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng; Tư vấn chuyên môn; Cùng tổ chức các tọa đàm, hội thảo mang tính thời sự.

Kết nối để cùng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quốc tế hóa đội ngũ, thu hút nhân tài: Doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự là đầu ra của trường; Cùng tư vấn hướng nghiệp; nhà trường hỗ trợ đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp.

Kết nối truyền thông thương hiệu và chia sẻ thông điệp, hình ảnh: Truyền thông thương hiệu doanh nghiệp tại các không gian học thuật của trường, trên các kênh truyền thông của trường; Cùng tổ chức các sự kiện và lan tỏa thương hiệu đến người học của trường.

Kết nối chia sẻ trách nhiệm xã hội: Tài trợ cơ sở vật chất; Tài trợ học thuật; Tài trợ hoạt động sinh viên; Tài trợ phát triển công nghệ.