Thách thức để giáo dục con người "hồng chuyên"

(VOH) - 50 năm kể từ ngày Người ra đi, nhưng bản Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức của Người vẫn còn nguyên giá trị.

Trong đó, sự yêu thương quan tâm sâu sắc đến công tác giáo dục thế hệ tương lai của đất nước cũng là một trong những nôi dụng quan trọng. Nửa thế kỷ trôi qua, sự gắn kết giữa tài và đức, giữa chuyên và hồng, giữa phẩm chất và năng lực vẫn luôn là điều được ngành giáo dục và xã hội quan tâm trăn trở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thế hệ trẻ tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau. Chính vì vậy, công tác giáo dục luôn được nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, với những ưu tiên quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất trường lớp, đến bữa ăn cho học sinh vùng sâu vùng xa. Mức đầu tư cho giáo dục hàng năm luôn xấp xỉ 20% GDP.

Tuy nhiên, với những tác động của nền kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hoá, những yêu cầu ngày càng cao về học thuật, những bất cập trong mối quan hệ nhà trường gia đình và xã hội, đôi khi những giá trị sống, tư tưởng đạo đức vô tình bị xem nhẹ. Từ đó, đôi lúc, đôi nơi, tình trạng bạo lực, lối sống thực dụng, thiếu tôn trọng con người, lấn lướt và làm phai nhạt dần những giá trị đạo đức quý giá trong một bộ phận người trẻ. Người lớn ngày càng quan tâm hơn đến việc đào tạo kỹ năng sống cho con em mà không nhận ra rằng, giáo dục những giá trị sống, những phẩm chất, mới chính là xây dựng "gốc rễ" cho "tán cây" kỹ năng lớn mạnh.

Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương dẫn chứng kỹ năng sử dụng thang máy, như nhường lối ra, bấm chọn tầng... hay kỹ năng đi đường như xin phép vượt, không lấn làn... sẽ có được khi con người có ý thức tôn trọng người khác, cảm thông, sẻ chia: "Chính những phẩm chất mới là động lực để con người cầu học và sử dụng những kỹ năng sống. Chúng ta có thể học một kỹ năng sống nhưng nếu không có những phẩm chất hay nhân cách tương ứng thì sẽ không sử dụng, thậm chí chỉ sử dụng kỹ năng đó khi có lợi cho chúng ta mà có thể có hại cho xã hội" .

Học sinh THPT Lương Thế Vinh vận hành mô hình ngôi nhà thông minh

Học sinh THPT Lương Thế Vinh vận hành mô hình ngôi nhà thông minh. Ảnh: Tuyết Nhung

Trước những bất lợi từ thực tế xã hội, những người làm công tác giáo dục luôn ý thức đưa những giá trị nhân văn tốt đẹp từ cuộc sống vào mỗi bài giảng, mỗi hoạt động lĩnh hội tri thức. Điều này cũng bắt gặp trong tiết Văn học của giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân.

Thay vì tiết học với ngữ liệu từ sách vở, giáo viên này yêu cầu học sinh của mình phải thực hiện dự án từ trải nghiệm thực tế. Cụ thể tham gia dự án, các nhóm học sinh tìm và chọn cho mình nhân vật yêu thích. Đó có thể là người lính cứu hỏa, chú bảo vệ, hoặc chú bán kẹo bông gòn... mà các em có nhiều ấn tượng. Sau quá trình tìm hiểu cuộc sống, những khó khăn, tâm tư và nỗ lực của nhân vật, mỗi học sinh sẽ tự viết một lá thư tay cho những người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm, hoặc ngưỡng mộ.

Học sinh Nguyễn Trần Tấn Phát, lớp 11A12, chọn ông Bảy bán kẹo bông gòn để tìm hiểu và trao gửi những yêu thương, cho biết: "Em thấy ông cười, thấy ông vui. Bất kỳ ai trong cuộc sống, một ngày nào đó nhận được bức thư mà người ta nói tốt về mình, không cần thiết phải quen biết thì mình cũng thấy vui. Mình chắc chắn đã làm điều gì đó người ta mới nghĩ tốt về mình. Học văn mà bước ra bên ngoài nó cho mình những va chạm nhất định, chẳng hạn như mình biết lên kế hoạch như thế nào, biết lên lịch trong tuần đó phải làm những gì.

Trong khi trước đó cuộc sống của em chỉ diễn ra như đi học, đi chơi, ăn cơm ngủ nghỉ, làm bài tập. Bắt đầu mình đã biết xây dựng những viên gạch đầu tiên cho cuộc sống của mình. Em thích nhất ở cảm xúc, vì khi đi thực tế, rồi đọc những bức thư của các bạn viết mới thấy bạn bè có những suy nghĩ tốt, trưởng thành và cảm xúc hơn".

Bác đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” do vậy giáo viên, nhà trường luôn hướng các em trau dồi được cả phẩm chất và năng lực, hai yếu tố tương đương với "đức" và "tài" trong lời dạy của Bác. Chương trình giáo dục phổ thông mới với công sức tâm huyết đóng góp của cả xã hội cũng nhấn mạnh 2 yếu tố phẩm chất và năng lực như là linh hồn, điểm mấu chốt của sự thay đổi này. Trong đó yêu cầu kiến thức không dừng ở bài học lý thuyết mà được chuyển hoá thành những phẩm chất và năng lực thông qua các hoạt động giáo dục.

Những hoạt động đổi mới giáo dục đang thực hiện trong nhà trường như dự án ngôi nhà thông minh của học sinh Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Quận 1 mới đây cũng là một điển hình. Bằng việc ứng dụng và tìm hiểu các kiến thức thực tế, học sinh thiết lập các ứng dụng như tự tắt mở đèn trong phòng tự động, cảnh báo cháy, cảnh báo rò rỉ khí gas, đóng mở cửa tự động, phát hiện lửa và cảnh báo cháy tự động.

Để thực hiện lắp đặt các thiết bị, học sinh phải tìm hiểu những kiến thức vật lý, lập trình tin học và nhiều lĩnh vực liên quan. Động lực để giúp các học sinh vượt qua những khó khăn để hoàn thành dự án chính là tình cảm mong muốn giúp cho người già trẻ nhỏ và mọi người giải quyết được những khó khăn, cảnh báo những tình huống nguy hiểm khi ở nhà một mình như quên tắt bếp gas, quên tắt quạt... Giá trị các em nhận được chính là sự kiên trì theo đuổi lý tưởng, tinh thần đồng đội hợp tác tương trợ...

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng: "Chương trình phổ thông mới là chương trình nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Các hoạt động dự án là các hoạt động đã phát triển được năng lực và phẩm chất của các em. Trong quá trình thực hiện dự án các thầy cô hướng dẫn có thể nhìn thấy năng lực phẩm chất của mỗi em và sẽ hỗ trợ phát triển thêm phẩm chất và năng lực của các em. Trong mỗi dự án các em sẽ đóng những vai trò khác nhau, nếu chúng ta đặt đúng vị trí và đẩy được phẩm chất và năng lực của các em thì dự án sẽ thành công và phát triển được yếu tố cá nhân của các em".

Bên cạnh việc đổi mới dạy học, để phát triển, ươm mầm những giá trị đạo đức nhân văn cho học sinh, ngành giáo dục thành phố cũng có khá nhiều hoạt động nhằm giới thiệu và lan toả những giá trị đạo đức tốt đẹp như: Hội thu sách giáo khoa văn phòng phẩm tặng bạn ngoại thành và các tỉnh lân cận, các phong trào thể dục thể thao văn hoá văn nghệ nhằm làm phong phú đời sống văn hoá và tinh thần, tuyên dương các gương học tập Bác, gương người tốt việc tốt trong ngành.

Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo đang rất quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho các em. Làm sao các em thể hiện được tinh thần sống có trách nhiệm với gia đình, bạn bè. Trong cuộc sống luôn thể hiện sự trách nhiệm, chấp hành những quy định của nhà trường và những quy định pháp luật như tuân thủ luật giao thông đường bộ. Chúng tôi cũng quan tâm đến những giá trị đẹp được lan toả, những bài học hay, những việc làm tốt được vinh danh để làm sao những cái đẹp được lan toả".

Nửa thế kỷ qua đi, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mạnh mẽ, nước ta cũng đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, thế nhưng quan điểm tư tưởng về giáo dục thế hệ trẻ phải vừa "hồng" vừa "chuyên" vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt soi đường và vẹn nguyên giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, đồng thời là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội phải toàn diện cả "Đức" lẫn "Tài", là một việc rất quan trọng để có thể khẳng định vị người Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời giữ vững bản sắc văn hoá, giá trị độc đáo của dân tộc.