4 thủ đoạn lừa đảo trong mua bán xe ô tô và cách phòng tránh

(VOH) - Hiện nay, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, vì thế nhu cầu sở hữu một chiếc xe ôtô đang là xu hướng.

Tuy nhiên, cùng với đó là nhiều thủ đoạn lừa đảo với các hình thức khác nhau, sau đây là một số biện pháp giảm thiểu rủi ro cho người muốn mua xe ôtô

1. Xe ngập nước, xe tai nạn, xe dịch vụ

Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến mà người mua xe hay bị khi mua nhầm các xe lỗi, xe tai nạn đã được tân trang, "phù phép".

Những chiếc xe này sau khi được sửa chữa tại các garage chuyên nghiệp, thường được rao bán dưới dạng xe cá nhân với những lời quảng cáo có cánh như "xe gia đình ít sử dụng", "nữ lái", "chưa đâm đụng, ngập nước".... do theo tâm lý của nhiều người, mua xe cá nhân tốt hơn mua xe từ công ty. Người mua cần chú ý các loại xe ngập nước, thủy kích, đâm đụng hay xe dịch vụ đều rất dễ hỏng sau một thời gian sử dụng.

Để kiểm tra các loại xe ô tô này, người mua có thể yêu cầu được xem thông tin từ sổ bảo dưỡng định kỳ (nếu xe có bảo dưỡng theo hãng sản xuất) hoặc tốt nhất là mang xe đến các garage chính hãng đề nghị gói dịch vụ kiểm tra, đánh giá hiện trạng xe.

mua-xe-cu-can-chu-y-anh-2

Ảnh chỉ có tính minh họa

Ngoài ra, nếu điều kiện chưa cho phép, bạn cũng có thể kiểm tra sơ bộ bằng cách lật thảm trải sàn lên để kiểm tra sàn xe xem có mùi ẩm mốc hay có màu lạ hay không; so sánh màu thảm, trần xe có cùng màu và độ mới tương đồng nhau hay không cũng như kiểm tra kỹ xung quanh ghế ngồi, nhìn kỹ khu vực kẽ bản lề các cửa xe... đây là những vị trí dễ bị phát hiện nếu chiếc xe trải qua biến cố.

2. Xe đang cầm cố ngân hàng được nhân đôi đăng ký

Đây là trường hợp khá nhiều người mắc bẫy, kể cả người có kinh nghiệm mua bán xe ô tô cũng từng bị.

Thủ đoạn của chúng là giả báo mất Giấy đăng ký xe, khi đó cơ quan công an sẽ cấp thêm một giấy đăng ký mới. Nghĩa là lúc này kẻ lừa đảo sẽ có 2 Giấy đăng ký xe bằng phôi thật. Một đăng ký được cầm ở ngân hàng, một đăng ký được bán cho người mua. Nếu người mua xe lúc này chỉ kiểm tra bằng chứng minh thư và giấy đăng ký thì đã bị "dính bẫy" của kẻ lừa đảo. Sau khi đi làm đăng ký thì mới phát hiện ra xe đang có tranh chấp với ngân hàng.

Cách kiểm tra: Chụp lại đăng ký rồi mang đến các Văn phòng Công chứng để kiểm tra, hoặc có thể yêu cầu các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của xe để đối chiều.

3. Rao bán ảo, lừa tiền đặt cọc

Thủ đoạn này là tạo một loạt các tin rao bán ô tô ở các địa phương, rồi rao bán xe với giá rẻ hơn thị trường. Để tạo lòng tin cho khách hàng, đa số đối tượng lừa đảo thường lấy trộm ảnh của các loại xe đang được rao bán từ nơi nào đó. Khi người mua "cắn câu", các đối tượng này thường yêu cầu phải chuyển trước một số tiền đặt cọc nhất định trước rồi mới xem xe hoặc đòi hỏi một số tiền chi phí vận chuyển xe từ địa phương khác về nơi người mua....

mua-xe-cu-can-chu-y-anh-1

Hãy cân nhắc khi bạn thấy những lời rao bán xe với giá hời - Ảnh minh họa

4. Xe xuất xứ từ Lào, Campuchia, Thái Lan hoặc nhập lậu từ các thị trường láng giềng

Thủ đoạn kẻ lừa đảo là sử dụng chung một loại giấy tờ, hồ sơ của một xe đã dăng ký trong nước, bị tai nạn hoặc xe quá cũ không thể sử dụng được nữa. Sau đó, chúng gán cho một xe khác cùng đời, cùng chủng loại. Các mẫu xe này thường có nguồn gốc từ Lào và Campuchia hoặc Thái Lan được nhập lậu về. Công đoạn khó khăn nhất là dập lại số khung, số máy thì chúng thường mài nhẵn phần số cũ và bắn số mới, hoặc thậm chí cắt ghép cả một đoạn khung có số định danh. Người mua rất khó có thể phát hiện ra loại xe này, chỉ có thể biết được khi đi đăng kiểm và phát hiện do đối chiếu với hồ sơ gốc.

mua-xe-cu-can-chu-y

Rất khó để nhận biết đâu là chiếc xe của thị trường trong nước và đâu là chiếc xe nhập lậu - Ảnh minh họa

Nhìn chung, những kẻ lừa đào thường khai thác tâm lý muốn mua một món hàng hàng tốt với giá rẻ của nhiều người, để từ đó lợi dụng lòng tin và sự thiếu thông tin của họ nhằm chiếm đoạt tiền bạc. Để tránh bị lừa, tốt nhất người mua cần mang xe đến các garage ôtô để giám định hoặc nên mua từ người quen biết hay các salon có uy tín.