Quy trình bảo dưỡng định kỳ dành cho xe ô tô

Nhằm đảm bảo an toàn và tính ổn định của xe ô tô khi vận hành, mọi hãng xe đều khuyến cáo thực hiện bảo dưỡng theo định kỳ.

Nhìn chung xe ô tô là phương tiện di chuyển liên tục và hoạt động ở những điều kiện địa hình khác nhau. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến độ bền và chất lượng của các chi tiết máy cũng như hệ thống trên xe. Do vậy, với hầu hết các thương hiệu xe đều áp dụng một loạt quy trình bão dưỡng tương tự nhau, gồm:

Kiểm tra lọc nhớt 

Mỗi lần thay nhớt, xe ô tô đều cài đặt bộ đếm số km để tính mức dầu nhớt. Khi chạy đến số km đã định trước, xe sẽ phát tín hiệu cho chủ xe về tình trạng thiếu dầu nhớt, khiến máy móc của xe khó hoạt động. Lúc này là thời điểm để chủ xe mang xe đến garage để thực hiện bảo dưỡng ô tô, kiểm tra lọc nhớt.

Để thay nhớt, nhân viên kỹ thuật sẽ cho xe nâng lên và tháo ốc bộ lọc nhớt. Nhớt động cơ sẽ được xả vào thùng cho đến khi cạn sạch rồi mới kiểm tra lọc nhớt. Sau khi kiểm tra tình trạng lọc nhớt, một lượng nhớt vừa đủ sẽ được đổ vào bộ lọc. Lưu ý, nhớt động cơ vào xe phải đúng chủng loại theo nhà sản xuất, yêu cầu của khách hoặc theo trung tâm bảo dưỡng. Không châm nhớt kém chất lượng, ảnh hưởng đến các bộ phận, máy móc trong xe.

Ngoài ra, xe ô tô thường chỉ thay lọc nhớt sau khi thay nhớt lần thứ hai.

Vệ sinh lọc gió động cơ 

Trong các bộ phận của xe hơi, lọc gió động cơ đóng vai trò quan trọng, giúp làm sạch không khí trước khi chúng hòa vào nhiên liệu đi vào buồng đốt. Khi lọc gió bị rách, bụi bẩn sẽ lọt qua và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hoạt động của hệ thống động cơ, gây hư tổn cho máy. Trường hợp quá nhiều bụi bẩn ở bộ lọc gió, không khí sẽ bị nghẽn lại và không thể đi qua, làm thiếu không khí hòa trộn với nhiên liệu. Do đó, bạn cần phải bảo dưỡng ô tô định kỳ để kiểm tra lại bộ lọc sau thời gian dài hoạt động.

Bạn nên yêu cầu nhân viên kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ bộ phận này. Công việc này khá đơn giản với nhân viên bảo dưỡng. Họ chỉ cần tháo bộ air và lấy lọc gió để kiểm tra. Nếu phát hiện bộ lọc quá bẩn và bị nghẹt, bạn nên đồng ý thay thế lọc mới đúng với lọc gió hiện tại của xe để đảm bảo động cơ vẫn luôn hoạt động tốt.

Theo kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng ô tô của các chuyên gia, sau 50.000km, chủ xe nên thay lọc gió để đảm bảo không khí luôn sạch khi vào động cơ.

Vệ sinh lọc gió máy lạnh

Bên cạnh lọc gió động cơ, lọc gió máy lạnh cũng có ảnh hưởng khá lớn đến tình trạng không khí bên trong khoang xe. Một khi lọc gió bị bụi bẩn nhiều sẽ đưa một luồng khí khó chịu vào bên trong xe, thậm chí là các chất độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người. Bởi cơ chế hoạt động của bộ phận này là giữ lại những bụi bẩn từ không khí bên ngoài trước khi đi qua dàn lạnh và vào trong xe.

Tại garage, nhân viên sẽ xác định vị trí lọc, thường nó sẽ nằm trong cabin hay phía ngoài trước kính xe, ngay dưới capo. Sau đó, họ sẽ tháo ra và vệ sinh lọc gió máy lạnh. Trường hợp quá dơ, nhân viên sẽ đề nghị chủ xe thay mới. Bộ lọc gió nên được thay mới sau 15.000 – 20.000 km, hoặc sớm hơn do tình trạng đường sá hiện nay quá nhiều bụi bẩn.

Kiểm tra thắng xe

Có thể nói, phanh xe là bộ phận hoạt động vất vả và chịu áp lực nhất trên xe ô tô. Đặc biệt, đối với đường sá đông đúc như ở Việt Nam hiện nay, phanh xe thường xuyên được sử dụng để hạn chế những va chạm không đáng có trong giờ cao điểm. Việc làm việc quá nhiều sẽ khiến cho phanh xe mau mòn, tiềm ẩn nguy hiểm cao.

Khi phanh xe bị dính bẩn, cần vệ sinh để tránh bị xước đĩa cũng như tăng độ ma sát khi thắng. Còn khi mòn quá mức, chủ xe nên thay phanh để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống phanh. Lưu ý, nên thay thế phanh đúng loại với xe để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nhân viên chỉ cần tháo bánh xe và thắng để kiểm tra các chi tiết gồm bố, heo dầu. Tiếp đến họ sẽ vệ sinh bố và tra mỡ ắc thắng, rồi ráp lại như ban đầu.

Kiểm tra lọc xăng, dung dịch làm mát và các chi tiết phụ của bộ máy xe

Dầu hộp số, dầu thắng, dầu trợ lực lái, nước rửa kính và mực nước làm mát đều cần được kiểm tra kỹ lưỡng về lượng dung dịch và chất lượng nhằm đảm bảo cho xe hoạt động tốt nhất.

Các mức dầu trên đều phải đầy đủ và tránh thiếu nước làm mát khiến động cơ giải nhiệt kém. Cùng với đó, kiểm tra các chi tiết này cũng giúp loại bỏ các cặn bẩn trong lọc xăng, giúp dễ dàng cung cấp nhiên liệu cho động cơ.

Bảo dưỡng xe ô tô theo quãng đường hoạt động

Bên cạnh các bộ phận cần bảo dưỡng thường xuyên trên xe ô tô, bạn cũng nên nắm một số mốc km nhất định để bảo dưỡng xe ô tô định kỳ. 

Bảo dưỡng ô tô theo số km di chuyển Nội dung bảo dưỡng
5.000km

Thay dầu động cơ

Kiểm tra, bổ sung nước làm mát, nước rửa kính

10.000km

Thay dầu, lọc dầu  và vệ sinh lọc gió động cơ

Kiểm tra bổ sung nước làm mát, nước rửa kính, dầu trợ lực

Bảo dưỡng phanh 4 bánh xe

Đảo lốp, nâng xe kiểm tra, xiết gầm

20.000 - 30.000km

Thay dầu, lọc dầu, vệ sinh lọc gió động cơ

Lọc gió điều hòa

Kiểm tra bổ sung nước làm mát, nước rửa kính, dầu trợ lực, dầu phanh

Kiểm tra toàn bộ hệ thống treo, rô tuyn, thanh cân bằng, cao su giảm chấn,...

Bảo dưỡng phanh 4 bánh xe

Đảo lốp, nâng xe kiểm tra, xiết gầm

40.000km

Thay dầu, lọc dầu, lọc gió động cơ và thay lọc nhiên liệu

Thay bugi, dầu phanh, dầu côn, dầu trợ lực lái, dầu hộp số, dầu cầu, visai cầu sau với xe cầu sau hoặc xe 4WD

Thay nước làm mát, súc rửa két nước khi cần thiết

Bảo dưỡng phanh 4 bánh xe, thay má phanh khi mòn

Bảo dưỡng kim phun, họng hút, xúc rửa các te bằng hóa chất chuyên dụng

Kiểm tra xiết lại gầm, hệ thống treo, rô tuyn, thanh cân bằng, cao su giảm chấn (thay thế khi cần)

Đảo lốp xe, cân chỉnh độ chụm, cân bằng động bánh xe

Vệ sinh lọc gió điều hòa, kiểm tra ga điều hòa, bổ sung ga lạnh nếu thiếu

70.000 - 80.000km Kiểm tra các bước trên. Riêng với xe sử dụng cu-roa (đai) cam nên thay đai, bi tăng, bi tì.

Khử mùi hôi máy lạnh

Thông thường, máy lạnh sẽ có mùi khó chịu sau thời gian dài hoạt động nhưng không được chăm sóc hợp lý. Mùi máy lạnh sẽ khiến quá trình di chuyển trên xe hơi trở nên khó chịu và thậm chí có thể gây bệnh đường hô hấp cho hành khách.

Nguyên nhân chính là do máy lạnh sẽ bị tích tụ bụi bẩn ở hệ thống quạt gió. Lượng hơi nước xuất hiện khi máy lạnh hoạt động cũng khiến cho nấm mốc có cơ hội sinh sôi nảy nở. Vi khuẩn độc hại chính là lí do gây ra mùi hôi khó chịu bên trong xe. Bên cạnh đó cũng có tình trạng côn trùng xuất hiện và chui vào bên trong hệ thống hút gió của khoang tróng bên trong máy lạnh. Lúc này mùi hôi rất dễ xuất hiện và chủ xe cần xử lý triệt để để cải thiện tình trạng không khí trong xe.

Để khử mùi máy lạnh xe hơi, có thể sử dụng một số nguyên liệu từ thiên nhiên như: 

  • Sử dụng cà phê: Bạn có thể cho một chút cà phê rang vào trong túi vải mỏng, sau đó treo trên xe. Cà phê không chỉ giúp loại bỏ mùi hôi, mà còn duy trì độ khô thoáng lý tưởng cho phương tiện, giúp mang đến không gian xe thoải mái, dễ chịu.
  • Dùng trà khô: Đây là cách khử mùi máy lạnh đơn giản mà hiệu quả. Hương trà dịu nhẹ sẽ giúp hành khách thư giãn đầu óc, bớt căng thẳng khi di chuyển.
  • Than hoạt tính: Với công dụng hiệu quả của mình, than hoạt tính đang dần được sử dụng ngày càng nhiều để khử mùi hôi khó chịu trên xe. Bên cạnh đó, than hoạt tính cũng có khả năng hút ẩm hiệu quả, dễ dàng mang đến một không gian trong lành, thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng.

Việc sử dụng những sản phẩm thiên nhiên nêu trên chủ yếu nhằm mục đích khử mùi, tạo cảm giác dễ chịu cho hành khách, Tuy vậy cũng không diệt sạch được vi trùng và nấm mốc, vì vậy yếu tố quan trọng nhất là nên sử dụng các dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp tại các garage hoặc khi bảo dưỡng xe định kỳ.