Phân biệt đau vùng cổ và đau khớp vai

(VOH) - Bạn có biết cách phân biệt các bệnh lý cột sống cổ và bệnh lý khớp vai? Hãy nghe để hiểu đúng biểu hiện triệu chứng từng bệnh trước khi đi khám.

Y khoa ai nghe cũng hiểu 07/05/2016

(VOH) - Bạn đang bị đang vùng cổ hay đau khớp vai? Hãy nghe chia sẻ của TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm Đại học Y dược, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Nguyễn Tri Phương về những vấn đề liên quan đế đau khớp vai.

Phân biệt giữa đau vùng cổ và vùng vai  

Nếu chúng ta bị đau vùng cổ, ví dụ thoái hóa cột sống cổ (đốt sống cổ càng cao thì cơn đau càng lên đầu), lúc này chúng ta không thể lẫn lộn với đau vùng vai được. Nhưng nếu chúng ta bị đau từ vùng cột sống cổ thứ 5 (vùng C5) cho đến cột sống cổ thứ 7 thì thông thường triệu chứng đau sẽ lan sang vùng vai.

* Đặc điểm chung giữa đau vùng cổ và vùng vai: đó chính là cơn đau. Cơn đau từ chân cổ đến vai, lan xuống mặt ngoài của cánh tay.

+ Trong trường hợp thoái hóa cột sống cổ thì buổi sáng ngủ dậy cổ sẽ bị cứng và hơi sượng do nằm ngủ sai tư thế.

+ Còn nếu bệnh nhân bị thoát vị địa đệm sẽ có hiện tượng tê từ cổ lan ra vùng vai xuống vùng cánh tay cho đến vùng bàn tay và ngón tay, tuỳ theo rễ thần kinh mà có triệu chứng tương ứng.

* Đặc điểm riêng giữa đau vùng cổ và vùng vai: cơn đau biểu hiện ngay tại chỗ

+ Đối với vùng cổ: khi chúng ta cúi cổ, ngửa cổ, vận động cổ thì nó sẽ bị đau.

+ Đối với vùng vai: nếu chúng ta bị bệnh lý về vùng vai thì cơn đau sẽ biểu hiện ngay ở vùng vai: từ vùng vai nó bắt đầu lan đi đến vùng chân cổ và mặt ngoài của cánh tay (rất hiếm khi lan xuống tận ngón tay, ngoại trừ kèm theo bệnh lý về viêm gân cánh tay).

Như vậy, bệnh lý đau vùng khớp vai là khi chúng ta vận động vai chắc chắn sẽ xuất hiện cơn đau. Nếu chúng ta vận động vai mà nó hoàn toàn bình thường thì lúc đó chúng ta có bệnh lý trên cổ. ngược lại, nếu mà chúng ta nghĩ là bị đau trên cổ nhưng khi vận động khớp vai mà vai bị đau thì chúng ta đã nghĩ sai.

Thời điểm ảnh hưởng đến cơn đau

Nếu như chúng ta bị viêm (ví dụ viêm co rút khớp vai) thì ban đêm bệnh nhân sẽ có cơn đau rõ ràng hơn (cụ thể là thời điểm đêm khuya càng về sáng); khi chúng ta làm việc ban ngày sẽ đỡ đau hơn.

Ngược lại, đối với thoái hóa cột sống cổ, khi chúng ta ngủ một thời gian thì nó sẽ không đau.

Giải đáp thắc mắc

* Em bị cứng hết cả bàn tay và bàn chân, bầm tím hết, riêng chân bị nặng hơn. Em mới biết được là mình bị xơ vữa động mạch tứ chi. Vậy làm cách nào để hết bệnh, thưa bác sĩ? Em cám ơn.

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Cứng tay chân và xơ vữa động mạch không liên quan đến nhau. Có thể khẳng định xơ vữa động mạch không làm cứng tay chân. Nếu chị bị cứng tay chân thì nó sẽ có 2 trường hợp:

- Thoái hóa khớp (rất phổ thông đối với nữ).

- Viêm khớp dạng thấp (tỉ lệ khoảng 2% dân số).

Đặc điểm phân biệt của 2 trường hợp trên đó là:

- Đối với thoái hóa khớp:  ở vùng bàn tay, sau khi chúng ta ngủ dậy, chúng ta  vận động từ 5 – 10p cơn đau sẽ bớt. Khi bị thoái hóa khớp thì cơn đau sẽ xuất hiện trước, có thể biến dạng nhưng chưa sưng (khi nó sưng tức là ở giai đoạn trễ rồi).

- Đối với viêm khớp dạng thấp: vùng bàn tay sẽ cứng lâu hơn, có thể là trên 30 phút, làm sưng và biến dạng khớp tay kèm theo đau và biến dạng cổ tay. Khi bị viêm khớp dạng thấp thì chúng ta sẽ bị sưng trước, rồi đau và sau đó biến dạng nhiều.

  + Lời khuyên: Chị nên đi khám bác sĩ để chẩn đoản chính xác và điều trị kịp thời, vì vấn đề chị nêu ra giữa xơ vữa động mạch và cứng khớp không liên quan gì hết. Mọi người cũng có thể bị 2 bệnh này cùng một lúc.    

* Chị 50 tuổi và chị bị thoái hóa khớp mười mấy năm rồi. Khi đi chụp phim thì bác sỹ nói rằng chị đang ở giai đoạn đầu. Chị đi đứng, leo cầu thang không được, đau dữ lắm; khi đi trên đất bằng cũng đau, đất dốc cũng rất khó đi. Khi bác sỹ kê thuốc có nói chị bị lủng loét bao tử nên chị không dám uống dù đã mua rất nhiều thuốc đắt tiền. Chị muốn hỏi bác sỹ là ở giai đoạn đầu như chị thì chị có thể uống được UC2 beta không?

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Đây là ví dụ điển hình của việc thoái hóa khớp vai tương đối nặng (vì chỉ đi trên đất bằng mà chị cũng đau nữa). Nếu chị sợ uống thuốc sẽ gây đau bao tử thì có thể nhờ bác sỹ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kháng viêm để tránh được nguy cơ đau dạ dày. Có những loại thuốc ít ảnh hưởng lên bao tử hơn những loại khác, đặc biệt là những loại thuốc ức chế chọn lọc. Hoặc chị có thể sử dụng thuốc giảm đau đơn thuần không làm loét dạ dày. UC2 chỉ là thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không phải là thuốc chính yếu để điều trị.

Ngoài thuốc kháng viêm/giảm đau ra, chúng ta còn có thể sử dụng những loại thuốc làm chậm quá trình hư sụn (thường uống lâu dài trong vòng 6 tháng).  Tác dụng phụ khi dùng loại thuốc này đó là nước tiểu màu vàng (màu của thuốc).

Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, chị nên tuân thủ theo mọi hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự tiện mua thuốc uống.

Đối với điều trị thoái hóa khớp gối, đó là quá trình lão hóa theo thời gian (tuổi già). Hiện tại, chưa có phương án nào để làm giảm được tình trạng thoái hóa cả. Để đi đứng bình thường, chị nên tập luyện thường xuyên và có thể dùng băng khớp gối để đi lại nhẹ nhàng. Kết hợp đạp xe để giảm bớt cơn đau.

* Mẹ tôi năm nay 81 tuổi và bà bị thoái hóa đốt sống xương cột sống. Qua chụp hình tại bệnh viện có thể thấy đốt xương sống của cụ cũng đã xiêu vẹo rồi. Tôi muốn hỏi ý kiến bác sỹ là làm thế nào để giúp bà cụ giảm bớt con đau bằng những phương pháp điều trị tại nhà?

- TS.BS. Tăng Hà Nam Anh: Ở độ tuổi của bà cụ thì dĩ nhiên cột sống sẽ bị thoái hóa nhiều. Nhưng mà cái quan trọng là chúng ta cần phải chuẩn đoán chính xác đó là cái gì. Chúng ta thường hay quy kết rằng thoái hóa cột sống sẽ tương đương với cái chuyện là thoát vị địa đệm, rồi kèm theo chèn ép các dây thần kinh gây ra bệnh lý đau thần kinh tọa. Điều này là không chính xác. Nếu bị thần kinh tọa thì phải có triệu chứng rõ ràng: đau buốt từ trên lưng xuống bàn chân và ngón chân. Còn ở tuổi như bà cụ, đa phần sẽ bị đau lưng nhiều hơn do thoái hóa cột sống.

Để chăm sóc cho một cụ già như vậy, chúng ta cần phải xem xét giường nằm của cụ. Bà cụ cần được nằm trên nệm cứng tầm 5 phân, không được lõm xuống; không nên cho bà cụ nằm trên nệm lò xo. Bà cụ cần tránh những tư thế nửa nằm nửa ngồi (ví dụ như những cái ghế để xem ti vi, ghế salon có đệm bị lún) vì như thế sẽ làm cong lưng và đau lưng. Chúng ta sẽ tập cho bà cụ đi thẳng lưng và có dụng cụ hỗ trợ để bà cụ không bị té vì khi té sẽ có nguy cơ gãy cột sống.

Chúng ta không nên tự cho bà cụ uống thuốc tại vì tốt nhất vẫn là bác sỹ hoặc dược sỹ hướng dẫn sử dụng thuốc như thế nào. Trong trường hợp bà cụ không có hiện tượng  đau co thắt cơ thì chúng ta không cho cụ dùng thuốc giãn cơ. Ngược lại, nếu bà cụ có những cơn đau thắt cơ rõ ràng thì thuốc giãn cơ nên được sử dụng theo toa chỉ định của bác sỹ. Ngoài ra, có những thuốc bổ trợ như Vitamin B12 giúp rút ngắn thời gian sử dụng thuốc giảm đau và đồng thời cải thiện cơn đau cho bà cụ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đưa bệnh nhân đi khám trực tiếp thì bác sỹ mới có thể cho toa thuốc chính xác, nhất là trên những người già khi bản thân họ phối hợp nhiều bệnh khác nhau.

Đừng để bà cụ bị té, đặc biệt ở những nơi như nhà tắm, nhà bếp, sàn nhà; thảm lót chân nên bám chặt vào sàn nhà để tránh bị trượt chân. Những bước đầu tiên và cuối cùng của bậc thang là những nơi mà người ta hay bị té nhất. Không để cho bà cụ khom lưng, không với tay lấy đồ để tránh đau lưng.

Đó là những lưu ý khi chăm sóc cho người già bị thoái hóa cột sống thắt lưng.

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo