Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những năm tháng hào hùng (Kỳ 1)

(VOH) - Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tuyến phòng thủ Xuân Lộc – Long Khánh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong ba chốt chặn trọng yếu của chính quyền Sài Gòn (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa Vũng Tàu).

Đầu tháng 4/1975, Xuân Lộc đã được chính quyền Sài Gòn xây dựng thành cứ điểm phòng ngự mạnh, nhằm "tử thủ" bằng mọi giá bảo vệ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Nắm được tầm quan trọng của "cánh cửa thép" Xuân Lộc, Bộ Tư lệnh miền đã quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc từ mặt trận hướng Đông. Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 9 đến ngày 21/4/1975), "cánh cửa thép" Xuân Lộc đã bị phá vỡ, tạo thời cơ để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Chiếc xe tăng 714 đầu tiên tiến vào giải phóng thị xã Long Khánh. Ảnh: Lệ Loan

Trong những ngày tháng Tư rực nắng, chúng tôi trở lại mảnh đất Xuân Lộc, Đồng Nai để tìm gặp những nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến dịch Xuân Lộc năm xưa, có người đã mãi mãi nằm xuống, có người phục viên, xuất ngũ về miền Bắc, miền Tây hoặc ở rải rác khắp các tỉnh thành trên cả nước. Cho dù đang ở đâu, làm gì thì đối với họ, ký ức tự hào về những ngày rừng rực khí thế tiến công của 40 năm trước vẫn mãi khắc sâu trong tim. 

Ông Nguyễn Văn Thi (áo sọc, bìa trái) tại nhà mình ở ấp B, xã Bảo Vinh, Thị xã Long Khánh. Ảnh: Lệ Loan

Từng ở đội Biệt động của Thị xã Long Khánh, Thượng tá Nguyễn Văn Thi (60 tuổi), nguyên chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, khi còn là Trung sĩ của Đội bảo vệ phòng tham mưu của tỉnh Bà Rịa – Long Khánh, trong chiến dịch Xuân Lộc, ông đã dẫn đường cho ông Phạm Lạc, lúc đó là Thượng tá - Tỉnh đội trưởng, Tư lệnh phó mặt trận đi quan sát các mục tiêu trong thị xã Long Khánh. Bấy giờ, ở địa phương cũng tham gia đánh trận nhưng với tính chất nhỏ lẻ, không đánh chính quy như các đơn vị chủ lực như Quân đoàn 4.

Ông Thi kể: "Chiến dịch Xuân Lộc nổ ra, các đơn vị của ta, đặc biệt là Quân đoàn 4 là những đơn vị chủ lực cấp Bộ, có các vũ khí, binh chủng hiện đại, từ tầm nhỏ đến tầm lớn và cả không quân hiện đại. Điều ấn tượng lúc đó là quân giải phóng còn có “phòng không 37 li”, khi máy bay địch phản công, pháo phòng không của ta bắn không những chính xác mà còn rất đẹp mắt khiến máy bay địch không dám hạ thấp xuống các mục tiêu quân giải phóng để tấn công".

 Thượng tá Nguyễn Văn Thi nhớ lại: “Trước khi giải phóng thị xã Long Khánh thì chiều ngày 20/4/1975, pháo Quân đoàn bắn ở tầm xa hơn. Theo nhận định của anh em, bà con nơi đây, địch đã rút, mọi người thấy phấn khởi lắm! Vì từ trước giờ chưa có trận đánh nào quyết định chiếm lĩnh toàn bộ thị xã Long Khánh, mà chỉ đánh tiêu hao, hủy diệt một vài mục tiêu trong thị xã thôi. Nhưng với lực lượng của Bộ Quốc phòng, mấy đơn vị của Bộ bao vây đánh riết 21 ngày đêm, địch tháo chạy. Sáng hôm sau vào thị xã Long Khánh thì mình đã chiếm lĩnh toàn bộ”.

Trò chuyện với Thiếu úy Phạm Bác Ái, nguyên Trưởng văn phòng Đoàn hậu cần 814, trực thuộc R, khề khà chuyện năm xưa bên tách trà chiều tại Long Khánh, ông cho biết mặc dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng ông vẫn còn nhớ như in ngày hành quân với bộ binh và xe tăng đi qua đường Trần Lệ Xuân đến sông Đồng Nai, bộ binh của ta có những chiếc xe hơi không chở gì cả xen lẫn với những chiếc xe chở súng ống, đạn dược để ngụy trang. Khi bộ binh và xe tăng đến gần bờ, hai cánh phà chạy đến ráp lại, chở xe tăng, bộ binh ta qua bên kia bờ sông Đồng Nai, sau đó các anh em được phân phối súng đạn để chiến đấu.“Qua lộ xong rồi, xe tăng, bộ binh mình đi thẳng chứ không vòng quốc lộ. Dù địch có phát hiện thì mình cũng đã đánh tới nhà rồi. Như vậy là 12 ngày đêm, thời gian dài lắm! Nhiều cánh quân vô lắm! Bên địch cũng hạ mình 1 chiếc xe tăng và cố thủ ghê gớm lắm!", ông Ái nhớ lại

Anh Hùng Chín – người trực tiếp tham gia trấn đánh Xuân Lộc từng được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ở tuổi 23. Ảnh: Lệ Loan

Trực tiếp chiến đấu và chỉ huy đơn vị chủ lực cấp Bộ - Quân đoàn 4 tại mặt trận Xuân Lộc – Long Khánh trong 12 ngày đêm lịch sử còn có Thượng tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 4, Sư đoàn 6, Quân khu 7. Người dân ở phường Phú Bình, Thị xã Long Khánh thường gọi ông với cái tên thân mật là Anh Hùng Chín. Người lính già năm xưa từng được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ở tuổi 23 khi vừa tròn 6 năm, 2 tháng, 10 ngày trong quân ngũ.

66 tuổi, trải qua nhiều trận chiến ác liệt, đến hôm nay, người Đại đội trưởng Trung đoàn 4 vẫn giữ được cốt cách, khí chất và tác phong người lính. Ông kể, đêm 9 tháng 4 năm 1975, ông Chín nhận nhiệm vụ cấp trên lệnh cho một đội quân chặn ngay ngã 3 Dầu Giây, không cho địch từ Xuân Lộc rút về Biên Hòa, cũng như ngăn tuyến chi viện của địch ở Biên Hòa cho Long Khánh, đồng thời, đánh các bót từ đèo Mẹ Bồng Con xuống đến Núi Thị. Rồi từ đây, đánh lên Hưng Lộc, Hưng Nghĩa để giải phóng các ấp, đồn bót của quân địa phương chiếm đóng, mở đường trước cho quân Giải phóng triển khai lực lượng lớn tiến vào.

Trung đoàn 4 của ông lúc đó nhận nhiệm vụ bao vây đánh ấp 97, thu được hai khẩu pháo 105 li, đưa về Lô Không Tên, Sông Nhạn để quân ta tiếp tục sử dụng. Các khu vực tiểu đoàn thì đứng chân ở ngã 3 Dầu Giây, đánh các đơn vị của Sư đoàn 18, trong đó, có chiến đoàn 52 đóng ở ấp Nguyễn Thái Học. Ta diệt từng tiểu đoàn, từng đại đội của chúng, liên tiếp từ ngày 9 đến ngày 12, chúng ta tiêu diệt rất nhiều đơn vị của chiến đoàn 52, đến ngày 13, 14/4/1975, chiến đoàn 8 của Sư Đoàn 5 của Ngụy chi viện từ Biên Hòa xuống đụng độ với đơn vị ta ở tại Bàu Cá, Bàu Xéo. Do đó, chúng không đi trên Quốc lộ 1 mà quẹo lên núi Gia Nhang, hướng Bàu Hàm với ý định bắt liên lạc với chiến đoàn 52 ở ấp Nguyễn Thái Học.

Nhận được lệnh của Sư đoàn Trưởng sư đoàn 6 là đồng chí Hai Sĩ, (tên thật là Đặng Ngọc Sĩ), lúc đó ông Hai Sĩ ra lệnh phải đánh “bứt” chiến đoàn 52 trước khi chúng bắt liên lạc với nhau, nếu không, khi chúng hợp sức lại, quân ta phải dùng một lực lượng lớn mới đánh nổi. Lúc bấy giờ, đồng chí Hai Sĩ quyết tâm dùng Trung đoàn 4 đánh dứt điểm Trung đoàn 52. Tuy nhiên, Trung đoàn 4 chỉ còn tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 nhưng tiểu đoàn 2 chỉ còn hai đại đội. Lực lượng mỏng nhưng chúng ta tập kích mãnh liệt vào chiến đoàn 52 của địch. Trong khi đó, chiến đoàn 8 của Sư đoàn 5 từ núi Gia Nhang không thể bắt liên lạc được với chiến đoàn 52, Biên Hòa thì không thể chi viện xuống. Trong vòng từ 1 giờ đến 4 giờ chiều, chiến đoàn 52 bỏ chạy tán loạn. Nguyên chỉ huy Sở Chiến đoàn 52 và xe tăng, pháo súng chúng bỏ lại ngổn ngang. Chúng ta đã tiêu diệt được Sở chỉ huy Chiến đoàn 52 tại ấp Nguyễn Thái Học ở ngã ba Dầu Giây. Đến ngày 21/4/1975 thì địch rút chạy hoàn toàn.

Công viên Tượng đài Chiến thắng Thị xã Long Khánh. Ảnh: Lệ Loan

Thời khắc quân ta giành chiến thắng, lúc đó ông Chín đang đóng quân tại ngã ba Dầu Giây chứng kiến cảnh tượng quân Ngụy bị đánh tan tác, mạnh người nào người nấy chạy. Lớp binh lính thất trận vứt bỏ nón, mũ, binh phục, không còn tinh thần chiến đấu đã đầu hàng vô điều kiện.

Thượng tá Trần Văn Chín nhận định: “Trong quá trình bom pháo chúng ta không thể lường trước được. Từ trận đó, chúng ta chia lửa rất nhiều. Chúng ta có pháo kềm pháo địch. Còn máy bay thì địch không tập trung lại được, trong khi đó, quân ta có bộ binh, xe tăng nên tiêu diệt một chiến đoàn dễ dàng hơn trước nhiều. Ký ức này tôi nhớ mãi, đến giờ tôi vẫn còn lưu giữ trong trí não mình, đó là lực lượng ta đánh một chiến đoàn rất ấn tượng”.

Theo Thượng tá Trần Văn Chín, sở dĩ quân ta giành chiến thắng, có rất nhiều yếu tố, nhưng một phần cũng là do chiến đoàn 52 của Sư đoàn 8 của địch có phần huênh hoang, chủ quan, khinh địch, dự định sẽ án ngữ ở ngã ba Dầu Giây, giữ con đường huyết mạch Biên Hòa, Long Khánh thông thương với nhau và giữ vững tuyến cố thủ “huyết chiến điểm” quan trọng của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, chiến trường luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Quân ta với quyết tâm cao độ, khí thế hừng hực, cùng với sự dẫn dắt nhạy bén, mưu trí, dũng cảm, kịp thời mở các đòn tấn công trực diện vào các mục tiêu then chốt, đánh chia cắt, cô lập Xuân Lộc với Biên Hòa, nên dù cố thủ và cố gắng đánh trả, chúng vẫn không cách nào giữ vững được Xuân Lộc.

Bình luận