Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chỉ số tăng trưởng không nói hiệu quả của nền kinh tế

(VOH) - Ngày 10/11, Nghị quyết đầu tiên đã được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp lần 4 này, đó là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018.

Với tỷ lệ biểu quyết đạt gần 85% đại biểu tán thành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được xác định với 12 chỉ tiêu quan trọng. Để đạt những mục tiêu đó, Chính phủ cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên, các đại biểu quốc hội tán thành chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế năm 2018 dao động ở ngưỡng từ 6,5 đến 6,7%.

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ảnh: Nhân dân

Bên hàng lang Quốc hội, phóng viên VOH ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu về vấn đề này:

Để đi đến thống nhất, biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% - 6,7%, nhiều đại biểu Quốc hội đã không hài lòng và lưu ý nên cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đề nghị không ghi ”khoảng” mà quyết định chỉ tiêu tăng GDP đạt 6,5%, đạt 6,7% hoặc trên 6,7%. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM, đây là cách tiếp cận mới, giúp cho Chính phủ điều hành nền kinh tế theo các kịch bản khác nhau: "Điều này cho thấy, chúng ta đã tạo cho Chính phủ có thêm dư địa, có một khoảng để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, tùy theo điều kiện cho phép. Tùy theo nguồn vốn đầu tư toàn xã hội có thể huy động được. Bởi vì nguồn vốn cũng co giãn từ 33- 34%. Do đó, với nguồn vốn 33% mà kinh tế tăng trưởng 67% thì đó là điều tuyệt vời".

Cũng tán thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, đặt ra chỉ tiêu từ 6,5 - 6,7% cũng có cơ sở của nó. Theo đại biểu, năm 2017, một số ngành, lĩnh vực đã đạt mức tăng trưởng khá cao, năm 2018 khó tiếp tục đạt được mức tăng này. Do đó, tùy vào điều kiện thực tế, Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt  và cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào những con số: "Nếu trong môi trường thực sự thuận lợi và cần thúc đẩy tăng trưởng nhanh thì có thể đưa tốc độ lên mức 6,7%, nhưng nếu thấy môi trường cần chú trọng nhiều hơn về chất lượng tăng trưởng mà không chạy theo số lượng có thể đạt tỷ lệ thấp hơn.

Tôi cho rằng, đây là cách tiếp cận mới. Tôi cũng kỳ vọng, tới đây, chúng ta sẽ nới rộng khoảng cách này ra, bởi vì con số tăng trưởng không nói lên tất cả mọi thứ của kết quả tăng trưởng kinh tế".

Bên cạnh chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế - tổng sản phẩm quốc nội, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng được Chính phủ đề ra đạt khoảng 33% - 34% GDP. Con số này cao hơn chỉ tiêu đề ra trong năm 2017, từ 1-2%.

Chính điều này cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp chỉ đạo linh hoạt để huy đồng nguồn lực của toàn xã hội để đầu từ cho sản xuất và phát triển. Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích: "Với tổng vốn đầu tư xã hội như vậy, chúng ta phải tăng cường khả năng huy động các nguồn lực xã hội vì ngân sách có giới hạn. Do đó, chúng ta phải tạo điều kiện để phát triển mạnh các thành phần kinh tế tư nhân cá thể như Nghị quyết Trung ương 5 xác định: Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, các giải pháp đề ra phải liên quan đến phát triển, khởi nghiệp, sáng tạo trên nền tảng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Chính phủ liêm chính, minh bạch, kiến tạo".

Từ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, có thể thấy, Chính phủ đã rất đổi mới trong việc đặt ra những chỉ tiêu và mục tiêu.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng chứ không nên phụ thuộc vào những con số, bởi chất lượng tăng trưởng mới nói lên yếu tố thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt, cần phải chú trọng nhiều hơn về vấn đề tạo nên môi trường cho tăng trưởng, đó là việc cải cách thể chế, cải cách môi trường hành chính… Điều đó sẽ tạo ra sự bền vững, huy động nội lực lớn hơn và đó cũng là những mục tiêu mà Chính phủ không nên coi nhẹ.

Bình luận