Hạ tầng giao thông TPHCM cần hơn 500.000 tỷ đồng mới hoàn thiện

(VOH) - Chiều 04/12, các đại biểu HĐND TP thảo luận tổ về các nội dung đã trình bày trong buổi sáng. Một điểm nhấn đáng chú ý là vấn đề giao thông thành phố.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường, vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM chưa cải thiện là do nguồn vốn phân bổ cho ngành giao thông quá eo hẹp. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, khi cân đối nguồn vốn đầu tư công cho danh mục các chương trình giao thông của thành phố, HĐND TP đã thông qua 122.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 trong khi nhu cầu thực tế để xây dựng hệ thống giao thông cho thành phố giảm ùn tắc phải cần hơn 500.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa - Nguồn: baomoi

Nguồn lực được cân đối phân bổ thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. 

Theo ông Cường, trong nghị quyết của HĐND TP kỳ họp trước có đặt ra là đến trước năm 2020, chúng ta phải đưa vào sử dụng đường Vành đai 2 và một phần đường Vành đai 3 của thành phố, hai đường huyết mạch trong mạng lưới giao thông thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, đường Vành đai 2 còn tới 14 cây số nữa đi trên địa bàn quận 9, Thủ Đức, quận 8, huyện Bình Chánh mới có thể khép kín.

“Một tuyến đường này thôi, theo quyết tâm chính trị của chúng ta là đến trước năm 2020 thì cần kinh phí đến 14.081 tỷ đồng hơn nguồn kinh phí đầu tư cho cả toàn ngành giao thông TP trong năm 2017 - tương ứng 11.300 tỷ đồng. Như vậy chúng ta phải cân đối tiền đó từ đâu ra.

Trong khi đó, chúng ta cũng kỳ vọng tiếp tục làm Vành đai 3, theo Luật ngân sách, đầu tư cho Vành đai 3 từ Bộ Giao thông và ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, thành phố cũng tính phương án có thể dùng nguồn lực của thành phố đầu tư trước cho Vành đai 3, đặc biệt là địa bàn đi qua Hóc Môn, Củ Chi, kết nối Bình Chánh. TP đầu tư trước (khoảng 21.000 tỷ đồng) và ngân sách Trung ương sẽ trả sau…”, ông Cường dẫn chứng. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường kỳ vọng khi triển khai nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố, TP sẽ có thêm nguồn lực dành cho ngành giao thông đầu tư mạnh hơn.

Cũng tại phiên thảo luận, vấn đề môi trường, xử lý chất thải cũng được quan tâm, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, các dự án nạo vét kênh rạch hàng năm tốn hàng trăm tỷ đồng. Cứ vài ba năm nạo vét tốn kém rất nhiều. Do đó, đại biếu Thắng đề xuất thành phố nên giao khoán về cho địa phương chịu trách nhiệm quản lý, điều tiết dân cư, quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

Về chỉ tiêu đến năm 2020 chỉ còn 50% rác chôn lấp, để đạt được chỉ tiêu này, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hiện Sở đã làm việc với 3 đơn vị xử lý rác để chuyển đổi công nghệ xử lý: “Hiện nay, ba đơn vị xử lý cũng đã xây dựng các dự án về việc nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi công nghệ. Hầu hết công nghệ của họ cũng chuyển qua đốt, thu hồi năng lượng, khí hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ mới, hiện đại, trong đó ưu tiên đốt, thu hồi năng lượng”.