Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Loạt bài: Tự chủ tài chính tuyến y tế quận huyện, đủ sức mới chạy đường dài (P.1)

(VOH) - Cuối năm 2017, ngành y tế đã bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế. Ngoại trừ một số bệnh viện đặc thù, còn lại đều phải "bắt tay" vào tự chủ.

Bài 1: Bệnh viện quận, huyện "gồng mình" tự chủ tài chính

Tính đến nay, đã có 25 cơ sở y tế có quyết định thực hiện tự chủ trong đó riêng tuyến quận, huyện có 8 bệnh viện. Vì thế, không khó có thể thấy chưa bao giờ các bệnh viện quận, huyện có sự bứt phá mạnh mẽ như vậy. Bứt phá không chỉ từ sự nâng chất theo chủ trương toàn ngành mà còn vì tự chủ tài chính đè nặng.

Tùy theo năng lực cũng như hỗ trợ từ Ủy ban quận, huyện, trình độ chuyên môn của y bác sĩ mà mỗi bệnh viện có cách xây dựng, tạo thương hiệu với đặc thù khác nhau, hòa mình trong bức tranh đa dạng màu sắc của ngành y tế.

Tiết kiệm ngân sách nhưng áp lực đè nặng

Bà Nguyễn Thị Ân, 80 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân bị té gãy cổ xương đùi thay khớp háng bán phần. Nếu trước kia, với những trường hợp này, hầu hết đều chuyển lên tuyến trên chuyên khoa thì nay đều được cứu chữa tại chỗ.

Trường hợp bà Ân rất khó khăn nên bệnh viện phải hỗ trợ một phần viện phí. Hàng ngày, Bệnh viện Bình Tân tiếp nhận bệnh nhân hoàn cảnh tương tự như bà Ân không ít.

Điều này là nỗi trăn trở của bác sĩ Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Tân vì khi người bệnh đến mình, không lẽ làm ngơ. Với bệnh nhân không bảo hiểm y tế, cơ nhỡ thì bệnh viện choàng gánh rất khó vì tất cả đều tự thu chi nên phải “liệu cơm gắp mắm”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mười cho biết, khi thực hiện chủ trương này, tuyến quận, huyện đứng trước cơ hội và thách thức. Cơ hội cho bệnh viện tuyến quận, huyện tự quyết trong phạm vi của mình, được triển khai dịch vụ, giá bảo hiểm cũng nới hơn, đây là cơ hội giảm ngân sách. tiết kiệm cho Thành phố. Tuy nhiên, thách thức cũng rất nhiều về trang thiết bị, nguồn nhân lực đều thiếu thốn.

Bác sĩ Võ Hoàng Định, Trưởng Khoa Khám bệnh, bệnh viện Bình Tân, nêu thực tế, quý 4 năm 2017 là quý chuyển giao, bệnh viện khó khăn vì phải tự chi. Để bù đắp, bệnh viện triển khai khám ngoài giờ, thứ bảy chủ nhật, tăng cường dịch vụ xét nghiệm và kĩ thuật mổ mới để thu hút bệnh nhân.

Bệnh viện Quận 11 thời gian qua nỗ lực xây dựng thương hiệu mũi nhọn để thu hút bệnh nhân nhưng gặp khó trong quá trình thực hiện tự chủ. Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc bệnh viện Quận 11 cho biết, nhìn lại mấy tháng qua từ báo cáo tài chính, trong đó tháng 2 trùng với tháng Tết, lượng bệnh giảm, doanh thu thấp dù hết sức cân nhắc chi phí nhưng hai tháng 1 và 2 năm nay, bệnh viện âm 2,2 tỷ.

Để giải quyết khoản âm này, mấy tháng vừa qua, bệnh viện cũng cắt giảm 10% thu nhập tăng thêm nhưng chưa đủ bù. Khoản tiền hụt này chủ yếu là chi lương cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện.

Ông Lê Đức Nhã, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Quận 11 đánh giá, bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu 80% là bảo hiểm nhưng giá thu theo thông tư 37 mới tính chi tiền khám, quản lí trực tiếp còn chi phí gián tiếp chưa có. Khó khăn thứ hai là quỹ vượt trần hệ số K bảo hiểm tạm treo khoảng 6 tỷ, rất khó trong cân đối tài chính.

Ngoài chi lương thì đầu tư máy móc trang thiết bị cũng là vấn đề nan giải. Nếu như trước kia, khoản này được ngân sách chi, giờ chỉ còn cách xã hội hóa hoặc thuê máy từ các công ty tư nhân.

"Chảy máu" bác sĩ giỏi

Một điều khá đau đầu cho các nhà quản lý tuyến quận, huyện trong là tình trạng bác sĩ xin thôi việc. Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11, tâm tư: bác sĩ giỏi phải trả lương họ cao, bây giờ tự chủ lương ai cũng thấp nên họ lung lay. Nếu không có giải pháp nâng cao đời sống, sẽ mất đi nhân lực, họ chạy sang bệnh viện tư trả lương cao. Mới đây có bác sĩ nghỉ việc vì lương không đạt yêu cầu 50 triệu đồng. 

Điều này đã được Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung cảnh báo: "Phải đánh giá tự chủ như thế nào để cơ cấu lại ngân sách. Chắc chắn về lâu dài họ sẽ không làm việc ở bệnh viện công nữa mà chảy máu chất xám sang bệnh viện tư".

Tự chủ tài chính đang là mệnh lệnh cuộc sống để góp phần giảm gánh nặng từ nguồn ngân sách. Làm sao để dung hòa vừa tạo thu nhập ổn định cho đội ngũ y bác sĩ vừa phát triển chuyên môn là bài toán không đơn giản.

Càng ưu tư hơn với những nơi chưa đủ mạnh hay vốn dĩ đặc thù vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ thì chính sách nào dành cho họ giúp đứng vững trong bối cảnh hiện nay. Một câu hỏi vì sao Bệnh viện huyện Cần Giờ 10 năm qua không tuyển được bác sĩ lại phải đối mặt với tình trạng bác sĩ xin thôi việc?

Vai trò Sở Y tế TP vô cùng quan trọng vì gầy dựng một cơ sở đã khó nhưng làm sao để tiếp sức cho cơ sở ấy đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân mới là điều đáng nói. 

>>>> Bài 2: Ưu tiên tự chủ cho bệnh viện đủ lực

Bình luận