Như đã đề cập ở bài 1, bác sĩ giữ vai trò đầu tàu đang phải chịu rất nhiều áp lực và cũng chính họ giữ vai trò quan trọng quyết định số phận các cơ sở y tế. Vậy trong bối cảnh như vậy, Sở Y tế TP sẽ có những động thái như thế nào để hỗ trợ các bệnh viện, nhất là với các bệnh viện mới bắt tay vào tự chủ tài chính.
Phóng viên Nhất Hương có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.
VOH: Thưa ông, với việc triển khai tự chủ tài chính ở các bệnh viện đặc biệt là tuyến quận, huyện thì Sở Y tế TP có hỗ trợ thế nào để họ tự tin thực hiện tự chủ?
Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Hiện nay có 8 bệnh viện quận, huyện được Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định tự chủ tài chính chi thường xuyên, ở tuyến Thành phố thì có 27 bệnh viện có quyết định của Thành phố về tự chủ thường xuyên.
Đây là lộ trình mà cả nước đang thực hiện chuyển đổi giá dịch vụ kĩ thuật theo hướng tính đúng tính đủ. Về cái lợi chung thì ai cũng thấy ngân sách sẽ giảm rất nhiều, nguồn ngân sách đó thay vì cấp cho bệnh viện sẽ cấp cho dự phòng và y tế cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ cũng gặp nhiều khó khăn khách quan như thứ nhất là lộ trình tính đúng tính đủ thì hiện chỉ có 4/7 yếu tố cấu thành giá, còn 3 yếu tố chưa tính vào như khấu hao, chi phí quản lí và chi phí khác.
Thứ hai, đối tượng bảo hiểm y tế sau một năm tự chủ bệnh viện mới biết có bị xuất toán hay không hoặc khi nhu cầu khám chữa bệnhđã vượt trần nhưng khi nhận lại chi phí này cũng phải từ 1 đến 2 năm sau Hội đồng quốc gia mới xem xét.
Trước những khó khăn này, Sở cũng rất lo, nhất là với những bệnh viện mới tự chủ..
Chúng tôi đang làm hệ thống cảnh báo tự chủ tại các bệnh viện. Cảnh báo cái gì, cảnh báo chi phí bỏ ra và hiệu quả đạt được.
Thí dụ như nguồn thu có giảm không, chênh lệch giữa nguồn thu và nguồn chi như thế nào, rồi sự tuân thủ các quy định đặc biệt là tài chính, giúp các bệnh viện tự giải trình trước. Ví dụ như dưới ngưỡng hay vượt ngưỡng thì hệ thống sẽ cảnh báo để điều chỉnh phù hợp.
Nếu cảnh báo nào rơi vào nguồn thu không đủ để chi thì Sở sẽ can thiệp để trình lãnh đạo Thành phố bổ sung. Chúng tôi hy vọng thời gian tới xây dựng phần mềm cảnh báo này bằng công nghệ thông tin thì hằng tháng, Sở Y tế sẽ biết nên cảnh báo bệnh viện nào vấn đề gì.
Bác sĩ Phạm Thanh Vũ điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Quận 11
VOH: Với những bệnh viện tuyến quận huyện xa trung tâm Thành phố điều kiện tự chủ còn hạn chế chưa theo kịp các bệnh viện khác thì sao?
Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Tôi nghĩ các bệnh viện rất quan tâm và lãnh đạo Thành phố cũng rất quan tâm chuyện này. Cụ thể với bệnh viện khó khăn như bệnh viện huyện Cần Giờ với số lượng người dân cũng chỉ có nhiêu đó, muốn tăng nguồn thu cũng khó do vậy chủ trương của lãnh đạo Thành phố xem xét bệnh viện nào thực sự đủ lực thì mới cho tự chủ còn những bệnh viện nào khó khăn thì Thành phố có cách đặc biệt là cấp ngân sách hoạt động.
VOH: Tại tuyến quận, huyện chúng tôi thấy họ đứng trước rất nhiều áp lực vừa đầu tư trang thiết bị vừa phát triển chuyên môn. Vậy liệu có quá sức không trong khi trước đây chủ yếu nguồn đầu tư từ ngân sách, thưa ông?
Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Trong tình hình mới hiện nay các bệnh viện phải phát triển trong thế kiềng ba chân. Một là phải không ngừng phát triển chuyên môn kĩ thuật đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân trên địa bàn, muốn vậy phải đầu tư nhân lực, vật lực và trang thiết bị thích hợp.
Chân thứ hai là phải không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh tạo niềm tin và thu hút người bệnh. Chân thứ ba là tuân thủ quy định pháp luật trong mọi hoạt động của bệnh viện.
Do vậy nên cho dù bệnh viện quận huyện hay Thành phố đều phải nỗ lực phấn đấu trên thế kiềng ba chân.
Hiện nay bệnh viện quận, huyện trực thuộc ủy ban quận, huyện tuy nhiên vẫn có sự phối hợp về quản lí ngành, Sở Y tế cũng thường xuyên có yêu cầu và hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho các bệnh viện.
Tinh thần chung Thành phố vẫn sẵn sàng hỗ trợ những vùng khó khăn như Củ Chi, Cần Giờ. Theo đánh giá của Sở thì Cần Giờ đang khó khăn nhất, Củ Chi sau thời gian nỗ lực hiện đã thu hút khá đông người bệnh.
VOH: Cám ơn ông!