Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản và cập nhật về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ quan báo chí, góp phần tổ chức thực hiện chính sách phù hợp với tình hình hiện nay, thực hiện tốt hơn đến người lao động.
Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (ngồi giữa) cùng các đại biểu tại Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Ở đâu đó, không ít người lao động còn hiểu biết mờ nhạt về quyền và nghĩa vụ bảo đảm việc làm là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Để thay đổi nhận thức về lĩnh vực này, cần sự quan tâm, chung tay của các cơ quan báo chí: "Đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự chia sẻ và đồng thuận cao trong việc tuyên truyền về lĩnh vực này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, chia sẻ trách nhiệm chung, góp phần cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện, đưa và thực hiện các chính sách này vào cuộc sống, đạt hiệu quả tích cực; Giúp người lao động và người dân có việc làm, lao động thu nhập cao; Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm liên quan. Tôi nghĩ rằng điều này là hết sức có ý nghĩa".
Theo Cục Việc làm, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,7 triệu người với số thu hơn 13.500 tỷ đồng. Ông Lê Quang Trung – Phó cục trưởng Cục Việc làm thông tin về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: "Chúng ta có 4 chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Thứ nhất là chế độ tư vấn giới thiệu việc làm. Thứ hai là chế độ hỗ trợ học nghề. Thứ ba là chế độ duy trì bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Đây là chế độ làm sao ngăn ngừa, hạn chế việc sa thải người lao động. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa cho chế độ này. Chế độ thứ tư là chế độ về trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, người thất nghiệp còn được hưởng Bảo hiểm y tế".
Cũng theo Cục Việc làm, cả nước có 48 địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm. Giai đoạn 2011- 2017, các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức gần 6.800 phiên giao dịch việc làm. Số lượt lao động nhận được việc làm do trung tâm giới thiệu và cung ứng là hơn 5.100 ngàn lượt người, khoảng 16.800.000 lượt người đã được tư vấn. Bà Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục Việc làm đề cập đến thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: "Về thị trường lao động, chúng tôi muốn nói đến tác động có liên quan đến chất lượng việc làm, số lượng việc làm và dịch vụ kết nối cung cầu. Nhưng giải pháp là sự chuẩn bị cho nguồn nhân lực, phải chuẩn bị cho công tác dự báo, nâng cao năng lực của các dịch vụ việc làm và đặc biệt là tâm thế của người lao động. Người lao động phải chuẩn bị tâm thế của mình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào. Chuẩn bị cho mình việc đào tạo cũng như tự đào tạo. Chúng ta thấy rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, mọi người không những phải học tập suốt đời mà phải học tập suốt ngày những phương tiện và ứng dụng của công nghệ để nâng cao trình độ của mình".