Tập trung nâng chất tiêu chí nông thôn mới

(VOH) - Sáng nay 25/11, chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” thảo luận về "Tập trung nâng chất tiêu chí nông thôn mới".

Với những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, Thành phố đang đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí giai đoạn 2016-2020. Qua 9 tháng năm 2017, TP đã huy động nguồn vốn gần 6.500 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn lũy tiến lên đến hơn 54.000 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Qua đó, số tiêu chí đạt bình quân 1 xã là 8/19 tiêu chí, tính theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn TPHCM giai đoạn 2016 – 2020.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đã có bước phát triển nhất định, đã đóng góp vào thu nhập của người dân trên địa bàn TP. Nếu cuối năm 2015 là khoảng 40 triệu đồng/người/năm thì đến đầu năm 2017 thì chúng tôi ước khoảng gần 43 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở đã được phát huy”.

Các khách mời tại buổi đối thoại sáng 25/11. Ảnh: K.Huân

Trong quá trình nâng chất tiêu chí nông thôn mới, chương trình được sự tiếp sức, hỗ trợ tích cực từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát động.

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cho biết về một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới: “Phối hợp cùng với chính quyền khảo sát chặt chẽ những nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, để giúp nhân dân tự phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã TP để hỗ trợ nông dân nuôi trồng, sản xuất những cây con có chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Phân công Mặt trận 19 quận tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực để giúp 5 huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới”.

Chương trình nâng chất tiêu chí nông thôn mới còn phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tiêu chí môi trường. Mặc dù có nhiều nỗ lực thực hiện nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác ven đường, xuống sông, kênh rạch; chất thải từ hoạt động sản xuất chưa được xử lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan. Đây là vấn đề cần được tập trung giải quyết ở nhiều địa phương. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thông tin: “UBND huyện Bình Chánh đã vận động các xã, thị trấn lắp đặt 5.556 thùng rác trên 149 tuyến đường. Ngoài ra, huyện cũng vận động xã hội hóa lắp đặt 3.519 thùng rác trên các xã, thị trấn. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác trên các trục đường chính của huyện đạt tỷ lệ 99,88%, toàn địa bàn huyện đạt 88,71%. Trong quá trình lâu dài, huyện Bình Chánh cũng đã thành lập HTX về môi trường để làm sao nâng cao hiệu quả thu gom rác dân lập ở địa phương trong thời gian tới”.

Trong quá trình nâng chất tiêu chí nông thôn mới, người dân ở các huyện ngoại thành cũng quan tâm khá nhiều đến vấn đề cơ sở hạ tầng khi một số tuyến đường bị xuống cấp, tiến độ thực hiện hệ thống cầu, đường còn chậm… ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Nhất là tiêu chí thu nhập được nhiều người quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con. Ông Phạm Văn Hồng Hà, người dân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ nêu ý kiến: “Người dân xã Lý Nhơn làm chính là nghề sản xuất muối. 3 năm lại đây sản lượng muối làm ra quá nhiều, cung vượt cầu, giá thấp, khó tiêu thụ. Để nâng chất thu nhập nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo TP cùng các sở ngành có giải pháp nào trong nghề sản xuất muối hiện đang khó khăn để chúng tôi an tâm sản xuất tiếp và thu nhập khá hơn”.

Để giải quyết đầu ra của muối, thành phố đã thực hiện chủ trương hỗ trợ giá muối cho người dân. Hướng sắp tới, sẽ tổ chức quy hoạch lại sản xuất muối, giảm diện tích sản xuất muối để chuyển sang các mô hình có hiệu quả cao hơn… Về các giải pháp phát triển sản xuất, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết thêm: “Cụ thể là đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Chúng tôi tập trung hướng dẫn người dân sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, sản xuất phù hợp thời vụ. Đưa hàm lượng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất ”.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng chất tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thành phố, các địa phương cần phải xây dựng hoàn chỉnh các đề án cũng như đảm bảo chất lượng và tiến độ thẩm định đề án. Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố, nhấn mạnh những nội dung trọng tâm mà chương trình cần thực hiện: “Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, tăng cường chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân ý thức, trách nhiệm cùng đồng hành xây dựng nông thôn mới”.

Xây dựng và nâng chất tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thành phố là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, cần tập trung khắc phục khó khăn, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, thực hiện các giải pháp phù hợp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.