Năm 2017, Lê Công Minh Khoa trúng tuyển ngành Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) với học bổng toàn phần 4 năm học. Đến năm 2021, ngay khi bảo vệ xong luận án tốt nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế, Khoa tiếp tục giành học bổng VinGroup Scholarship cho 4 năm học Tiến sĩ tại Viện Khoa học sinh học - Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) - Singapore.
Từ giải thưởng đầu tiên năm đầu đại học
Nhớ về giải thưởng lớn đầu tiên năm đầu đại học, Minh Khoa khẳng định đây dường như là động lực đầu tiên cho định hướng nghiên cứu và xin học bổng du học của Khoa sau này.
Khoa kể, năm 2017 là năm em vừa vào trường và tham gia nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Tấn Khôi. Lúc đó, chị Hồ Tú Khanh (sinh viên Công nghệ Hóa sinh K14) đăng ký tham gia cuộc thi “Sáng tạo như người Thụy Điển” - Innovate Like a Swede và Khoa được chọn để vào nhóm cùng với chị.
“Là sinh viên năm nhất, em chưa được trải nghiệm nhiều về nghiên cứu nên cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời với em. Tham dự cuộc thi, em được cùng chị Khanh đọc báo khoa học và nghiên cứu những hướng tiếp cận cho vấn đề mình đặt ra. Em cũng được tìm hiểu thêm về những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc – một trong những yêu cầu dành cho những phát kiến được nộp dự thi” – Khoa nhớ lại.
Trong cuộc thi sáng tạo năm ấy, nhóm của Khoa đưa ra giải pháp xây dựng một hệ thống giặt mới kết hợp bong bóng siêu nhỏ và một chất tẩy rửa thân thiện (polyoxyethylene lauryl ether) để có thể tối ưu hiệu quả trong quá trình giặt, qua đó tận dụng nguồn nước thải thân thiện này cho những hệ thống khác sử dụng.
Theo như nghiên cứu, việc ứng dụng phương pháp giặt mới này đạt được hiệu quả cao với lượng nước và chấy tẩy rửa ít hơn, nhờ vào sự làm giàu chất tẩy rửa ở bề mặt của những bong bóng siêu nhỏ thông qua tương tác giữa chất tẩy rửa và bề mặt bong bóng. Ngoài ra, nhờ dùng ít chất tẩy rửa mà nó cũng an toàn với sức khỏe người dùng cũng như hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hiện nay.
Để có thể thực hiện đề tài, các thành viên trong nhóm đã phải đọc thêm nhiều bài báo khoa học liên quan để có thể định hình được ý tưởng, và bắt tay vào thực hiện thí nghiệm. “Trong quá trình đó, thầy Khôi đã giúp tụi em trong việc hình thành ý tưởng khi thầy giới thiệu về những đặc tính đặc biệt của bong bóng siêu nhỏ. Ngoài ra, cũng nhờ góc nhìn đa chiều của thầy mà tụi em đã phát hiện ra một ứng dụng cho bong bóng siêu nhỏ vừa thực tiễn và gần gũi với đời sống” – Khoa chia sẻ.
Kết thúc cuộc thi Innovate Like a Swede, nhóm của Khoa đã nhận được giải thưởng là một chuyến đi thăm các doanh nghiệp Thụy Điển tại Singapore và được thực tập tại một doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam. Khoa cho biết: “Đối với sinh viên như tụi em, chuyến thăm là trải nghiệm tuyệt vời giúp tụi em có được cái nhìn đa chiều về cách thức hoạt động, mô hình, ý tưởng, công việc cụ thể, tổ chức không gian làm việc và giá trị cốt lõi của rất nhiều ngành nghề khác nhau. Cũng qua chuyến đi ấy mà chúng em nắm được tinh thần làm việc tự do của người Thụy Điển, một tính chất quan trọng góp phần tạo nên sự sáng tạo của họ”.
Hiện nay, công nghệ bong bóng siêu nhỏ đã được ứng dụng rộng rãi trong một số sản phẩm máy giặt phổ thông. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về loại bột giặt nào dùng chung với bong bóng siêu nhỏ mà có thể tái sử dụng nước giặt. Trong tương lai, Khoa hi vọng các nhà sản xuất máy giặt có dùng bong bóng siêu nhỏ có thể ứng dụng những nghiên cứu mới nhất vào trong sản phẩm của mình.
Con đường đến với ngôi trường đắt giá tại Singapore
Trong quá trình nghiên cứu và học tập tại Trường Đại học Quốc tế, nhóm của Khoa cũng đã tập trung nghiên cứu những hướng đi khác để ứng dụng hóa bề mặt vào trong cuộc sống. Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu về tính khả thi của một thiết bị đơn giản có thể phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong nước rửa rau, và nghiên cứu về tính khả thi của bong bóng siêu nhỏ trong việc ngăn cản sự hình thành của màng sinh học của vi khuẩn trên một số bề mặt.
Khoa hiện đang đứng tên trong 2 bài báo khoa học, một bài nghiên cứu chuyên sâu về hóa bề mặt và một bài mang tính ứng dụng cao. Bài thứ nhất nghiên cứu về tương tác giữa chất hoạt động bề mặt và bề mặt của bong bóng siêu nhỏ, một lĩnh vực được nhiều sự chú ý trong giới nghiên cứu hóa bề mặt. Vì thế, ý tưởng được hình thành từ những nghiên cứu trước của thầy Khôi và những phát hiện mới trong những thí nghiệm được thực hiện trong nhóm.
Bài báo thứ hai là đem bong bóng siêu nhỏ vào lĩnh vực tinh chế hoạt chất thiên nhiên từ lá mật gấu, tạo nên một hệ thống tách chiết xanh. Hệ thống này ưu việt hơn hệ thống tách chiết bằng dung môi truyền thống khi chỉ dùng nước và sóng âm để tạo những bong bóng siêu nhỏ. Những bong bóng này sẽ tương tác với các hoạt chất trong lá mật gấu và kéo chúng lên thành một lớp bọt bề mặt, có thể được thu thập và sử dụng mà không cần qua nhiều giai đoạn tinh sạch.
Trong thời gian chuẩn bị cho dự án tốt nghiệp đại học, Khoa đã thử sức bằng việc nộp đơn xin học bổng tiến sĩ và sự may mắn đã đến khi Khoa nhận học bổng tiến sĩ tại Viện Khoa học sinh học - Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) - Singapore. Chương trình học bổng toàn phần được trao bởi VinGroup Scholarship sẽ giúp đỡ Khoa về mặt tài chính trong khoảng thời gian nghiên cứu khoa học tại Đảo quốc sư tử.
Hiện tại, Khoa đang hoàn thành những thủ tục để nhận giấy Chứng nhận Tốt nghiệp tạm thời để có thể hoàn thành hồ sơ nhập học trong thời gian sắp tới. Trong lúc đó, em vẫn cố gắng trau dồi thêm kiến thức về lĩnh vực mình sẽ làm trong tương lai thông qua việc đọc các báo khoa học.
PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi - Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Quốc tế đánh giá: “Khoa có định hướng về khoa học thực nghiệm. Ngoài việc đến lớp, trong suốt 4 năm làm việc trong nhóm, Khoa luôn có mặt trong phòng thí nghiệm chăm thực hiện các thí nghiệm về tác dụng của siêu bọt khí đối với nuôi cấy vi sinh. Khoa luôn lắng nghe và học hỏi từ các thành viên khác trong nhóm để bổ sung cho định hướng nghiên cứu riêng của mình. Tôi tin chắc Khoa sẽ thành công theo định hướng em đã yêu thích và lựa chọn”.