Cần nhận định đúng đắn các loại ô nhiễm môi trường

(VOH) - Vừa là Ủy viên UBMTTQVN quận Gò Vấp, vừa là Cố vấn ĐHQG TPHCM, GS.TS Đặng Lương Mô có những chia sẻ đóng góp ý kiến trước thềm đại hội Đảng TPHCM.

Theo ông Mô, việc bảo vệ môi trường tại TPHCM cần phải có quan điểm rõ ràng, chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cần bổ sung nội dung phân loại ô nhiễm môi trường và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, để từ đó có nhận định đúng đắn về mỗi loại ô nhiễm, đề xuất giải pháp tối ưu cho vấn đề giảm ô nhiễm.

Việc xử lý cần nghiêm khắc và kịp thời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, rồi mới tiến hành kiểm tra, xử lý.

*VOH: Thưa GS.TS Đặng Lương Mô, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề môi trường tại TPHCM hiện nay?

GS.TS Đặng Lương Mô: Tôi là người đã sống ở Nhật Bản 40 năm, mà như chúng ta biết Nhật Bản là đất nước đó cũng nhìn nhận vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết rất tốt.

Ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề rác mà nó nhiều mặt. Chúng ta có Bộ Luật về ô nhiễm môi trường trong đó người ta liệt kê 6 nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường. Còn trên mạng, nếu chúng ta tìm hiểu sẽ thấy người ta phân ra 7 loại ô nhiễm môi trường.

ô nhiễm môi trường, Đại hội Đảng bộ
TPHCM quá đông người và phương tiện, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng đáng ngại. Ảnh minh họa: PN

Cách đây hơn 1 năm, tôi có dịp dự 1 hội nghị của MTTQ, được nghe rất nhiều đại biểu nói về vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng tựu chung mọi người chỉ nói về rác thải, bao ni lông, không ai nói tới 7 loại ô nhiễm mà trong đó chúng ta thấy có những loại rất gần gũi như: ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm sóng điện từ…. Tôi giải thích thêm, điện thoại ở Việt Nam bây giờ là hơn 2 triệu cái, chỗ nào cũng có ăng ten điện thoại di động. Tức là sóng điện từ bay khắp nơi, ô nhiễm đó gây ra nhiều chuyện mà người ta không biết.

Tôi phát biểu rất nhiều về ô nhiễm tiếng ồn với khối lượng xe ô tô, xe gắn máy quá nhiều ở thành phố này thì đương nhiên nó sẽ ồn. Thế nhưng, người Việt Nam sử dụng kèn quá nhiều. Có nhiều khi không cần dùng kèn cũng bóp, đó là một hình thức gây ô nhiễm.

Một hình thức gây ô nhiễm khác cũng vô cùng nghiêm trọng đó là hát karaoke ở khu vực đông dân cư. Chúng ta biết rằng karaoke là loại hình tiêu khiển do người Nhật phát minh ra, nhưng mà mấy trăm ngàn người đi du lịch, làm việc bên Nhật không ai nghe tiếng karaoke. Còn tại Việt Nam, karaoke chỉ mới xuất hiện vài chục năm nay nhưng xóm nào cũng có những nhà hát karaoke không ai có thể chịu nổi.

Chúng ta đi dọc một số con đường còn thấy người ta đưa cái loa ra ngoài cửa, mở đinh tai nhức óc. Trong khi đó, luật pháp Việt Nam có quy định rõ ràng những tiếng ồn bất luận từ cái gì đều không được vượt quá 70 dBA. Chúng ta cứ nghe những cái loa phóng thanh hoặc chúng ta nghe hát karaoke trong phường xóm thì sẽ thấy mức độ âm thành không phải là 70 dBA mà phải trên 100 dBA.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, mức xử phạt có thể lên tới hàng trăm triệu. Nhưng không ai tìm cách giải quyết chuyện đó hết, đó là điều tôi muốn nói.

*VOH: Theo ông cần làm gì để khắc phục tình trạng này?  

GS.TS Đặng Lương Mô: Tôi mong muốn chúng ta nghiêm túc thi hành luật pháp, bởi đã có luật không cho phép bất cứ am thanh nào vượt mức 70 dBA.

Vừa qua, tôi có nhận được 2 tài liệu để góp ý trong đó có 1 tài liệu tóm tắt về vấn đề môi trường. Tôi góp ý phải có sự tập trung nghiên cứu rõ ràng xem ô nhiễm môi trường gồm những gì và đối với mỗi loại thì giải quyết như thế nào. Những gì đã có luật thì áp dụng cho nghiêm chỉnh.

Tôi muốn nói thêm vấn đề đậu xe, bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn gọi là xã hội ô tô. Ở TPHCM, tôi nghe nói mỗi ngày xe ô tô mới được đăng ký trên 2000 chiếc thì chúng ta thử nghĩ 1 năm bao nhiêu chiếc xe được đăng ký thêm? Trong khi, đường phố ta có mở nhanh được không?

Vấn đề đậu xe vi phạm xảy ra khắp nơi, thậm chí trong những ngõ hẻm. Phải xử lý nghiêm những sai phạm này.

*VOH: Trước thềm Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM, GS.TS Đặng Lương Mô kỳ vọng điều gì, thưa ông?

GS.TS Đặng Lương Mô: Về mặt phát triển kinh tế, tôi thấy Thành phố này làm tốt lắm, thu nhập bình quân đầu người rất cao. Tôi hi vọng Thành phố sẽ là “cửa sổ trưng bày” cho nền kinh tế của Việt Nam. Nói bình quân đầu người của Việt Nam thì thu nhập chưa được 3.000 USD/1 người/1 năm nhưng riêng TPHCM được gần 5.000 USD/1 người/ 1năm.

Trên thế giới, có những nước rất nghèo nhưng cũng có nước rất giàu. Tổng cộng GDP thế giới chia cho tổng dân số thế giới cho ra bình quân 12.000 usd/1 người/ 1 năm, tức là thu nhập của người dân Việt Nam chưa bằng 30% thu nhập bình quân trên thế giới.

Thế nhưng với sự phát triển của TPHCM, tôi hi vọng trong nhiệm kỳ tới, chúng ta có thể đạt được mức trung bình của thế giới. 

*VOH: Cảm ơn những chia sẻ của GS.TS Đặng Lương Mô!