Ông Trần Quang Lâm,Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết, sở sẽ kiến nghị UBND Thành phố cho phép xịt rửa đường 31 tuyến trục chính mà đơn vị được giao duy tu bảo dưỡng.
Công nhân quét bụi đất trên Xa lộ Hà Nội, đoạn qua địa phận Q.2, TPHCM. Ảnh: TNO
Hiện nay, việc vệ sinh 31 tuyến đường trục chính của TPHCM với chiều dài hơn 260 km chủ yếu là quét hút bụi, cát sỏi bằng phương tiện cơ giới, thực hiện 8 lần/tuyến/tháng. Nhiều tuyến đường do mật độ phương tiện lưu thông cao, xe chở vật liệu làm vương vãi đất cát nên bụi đất đóng dày bên 2 mép đường. Đây là một trong những nguyên nhân gây tình trạng bụi, ô nhiễm không khí.
Ngoài kiến nghị xịt rửa đường, theo ông Lâm, để giảm ô nhiễm không khí, giải pháp căn cơ vẫn là kiểm soát khí thải phương tiện tham gia giao thông. Đối với ô tô, theo ông Lâm, hiện nay đã kiểm soát qua đăng kiểm định kỳ, có tiêu chuẩn với từng loại phương tiện, trong khi môtô, xe máy thì chưa có quy định. Trong khi chờ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định, Sở Giao thông Vận tải Thành phố sẽ phối hợp với Hiệp hội Xe gắn máy xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tại TPHCM thông qua các trạm bảo hành của các hãng xe.
Ông Trần Quang Lâm cho biết: "Hiện nay, chúng tôi cùng với Hiệp hội xe môtô, cùng Viện Khoa học công nghệ của Bộ Giao thông Vận tải, triển khai ngay vào thí điểm trong quý 1 và quý 2 về xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy. Chúng tôi xây dựng các điểm, sử dụng các trạm dịch vụ của Honda, Yamaha và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe gắn máy, tùy theo đối tượng và loại hình thí điểm, sẽ vào kiểm tra khí thải và hỗ trợ sửa chữa, khuyến mãi, qua đó đánh giá được mức độ ô nhiễm của khí thải xe 2 bánh, thực trạng, tuyên truyền với người dân, đồng thời xây dựng trình Chính phủ ban hành thí điểm cho thành phố về kiểm soát khí thải xe 2 bánh".